VINASTAS công bố 67% mẫu nước mắm nhiễm asen: "Vội vàng, thiếu trách nhiệm"

ANTD.VN - Ngày 17-10, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường với 67% số mẫu nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng, nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm càng cao. Ngay sau khi thông tin được đăng  tải, nhiều chuyên gia thực phẩm, doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý đã đánh giá, công bố của VINASTAS là vội vàng, thiếu trách nhiệm, không rõ ràng, gây bất lợi lớn cho sản phẩm nước mắm truyền thống.

Công bố thiếu trách nhiệm

Thông tin do VINASTAS công bố ngày 17-10 đã khiến đông đảo người tiêu dùng rất hoang mang bởi nước mắm là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt từ trước đến nay. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về việc VINASTAS công bố thông tin kể trên, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết đánh giá, “chưa phản ánh chính xác, thiếu trách nhiệm, gây hoang mang dư luận và có thể ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống”. Ông Trương Quang Hiến cho rằng, VINASTAS không lấy mẫu từ các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống là không khách quan. Cùng với đó, VINASTAS cũng không nên lấy quy chuẩn asen đối với nước chấm công nghiệp (chỉ 2 - 5 độ đạm) để áp dụng trong các hãng nước mắm truyền thống từ 30 độ đạm trở lên được.

“Trong kết quả khảo sát vừa công bố, VINASTAS cũng rất mập mờ về asen hữu cơ và vô cơ trong khi hai loại này có ảnh hưởng rất khác nhau đến sức khỏe. Nước mắm truyền thống chỉ có asen hữu cơ và chúng tôi khẳng định không ai lại đi cho asen vào nước mắm, đơn giản là nó có sẵn trong các loại cá được sử dụng làm mắm. Nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối thì chắc chắn asen hữu cơ tự nhiên trong các loại cá không thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng được” – ông Trương Quang Hiến lập luận.

Đại diện Hiệp hội nước mắm Phan Thiết còn cho rằng, lượng nước mắm mỗi người ăn hàng ngày là không đáng kể nên lượng asen hữu cơ hấp thu vào cơ thể khó có thể gây hại. “Một người thể trọng trung bình mỗi ngày có thể ăn 2 lạng cá/bữa, trong khi trung bình 1 lạng cá sẽ làm ra 100ml nước mắm. Thử hỏi liệu có ai có thể ăn được 200ml nước mắm/ ngày?” – ông Trương Quang Hiến đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, theo một chuyên gia về thực phẩm, asen hữu cơ có trong cá biển phần lớn ở dạng Asenobetaine không độc hại. Do có ở trong cá biển nên nước mắm nào độ đạm hữu cơ càng cao thì hàm lượng asen càng lớn. “Chỉ cần pha loãng ra để giảm độ đạm là mọi thứ sẽ về ngưỡng quy định, mà thực chất cái quy định này không thực tế” – vị chuyên gia cho biết.

“Các nhà khoa học phải nhanh chóng vào cuộc để khẳng định ngưỡng cho phép đối với asen hữu cơ và vô cơ trong nước mắm như thế nào. Còn công bố mập mờ như VINASTAS là không công bằng với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống” – ông Trương Quang Hiến kiến nghị.

Nhiều ý kiến không đồng thuận với kết quả khảo sát về nước mắm do

VINASTAS công bố

Gây bất lợi lớn với nước mắm truyền thống

Cũng về vấn đề “nước mắm chứa asen”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đồng tình: “Thông tin nước mắm chứa asen vượt ngưỡng quy định vừa được đưa ra rất mập mờ, thiếu chuẩn mực gây bất lợi cho doanh nghiệp và hoang mang dư luận”. Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, đề cập đến vấn đề asen vượt ngưỡng nhưng không nêu rõ là asen vô cơ hay hữu cơ là không ổn. Asen vô cơ rất độc hại, gây ức chế các enzyme trao đổi chất, có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính còn asen hữu cơ gần như vô hại. “Thông tin không rõ ràng sẽ khiến người dân hoang mang và không dám ăn nước mắm’ – ông Nguyễn Duy Thịnh nói.

Đánh giá những thông tin VINASTAS công bố là vội vàng, ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT cho rằng, nội dung VINASTAS đưa ra rất sơ sài và các thông tin cơ bản không đáp ứng được. “Kết quả này đã đủ đại diện chưa; phương pháp lấy mẫu như thế nào; phương pháp kiểm nghiệm; phòng thí nghiệm đã được công nhận chưa; cách xử lý số liệu sau kiểm nghiệm như thế nào... Một dự án khảo sát, nghiên cứu như thế này phải có một Hội đồng khoa học nghiệm thu, phân tích đánh giá thì mới đảm bảo tính chính xác. Còn kết quả công bố như của VINASTAS vừa qua mới chỉ là sơ bộ và việc công bố rộng rãi ra như vậy là quá vội vàng”, ông Ngô Quang Tú nhìn nhận.

Đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thông tin, trong ngày 18-10, đã có một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Nha Trang gọi điện đến Cục phản đối về thông tin công bố của VINASTAS. Họ cho rằng thông tin được công bố là không có cơ sở, là “nói xấu, tiêu diệt ngành hàng nước mắm truyền thống”. Cũng theo ông Ngô Quang Tú, vào ngày 10-10, tại hội một hội thảo về nước mắm tại TP.HCM do Cục và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức, VINASTAS đã đề nghị được công bố thông tin nhưng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối đã phản đối.

Theo đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, asen hữu cơ đã tồn tại trong con cá nên việc nước mắm có tồn dư hàm lượng asen hữu cơ là đương nhiên. Ông Ngô Quang Tú nói: “Cần phải có Hội đồng khoa học đánh giá đầy đủ thì mới công bố rộng rãi, còn nếu chỉ mới là kết quả khảo sát sơ bộ thì chỉ nên tham khảo. Công bố rầm rộ, vội vã như VINASTAS đã làm vừa qua sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh sản xuất nước mắm truyền thống”. Chốt lại vấn đề, ông Ngô Quang Tú đặt câu hỏi: “Tại sao có việc này? Liệu có phải vì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm? Phải chăng, sự việc này xuất hiện trước khi công bố một sản phẩm nước mắm công nghiệp nào đó?”…

Chia sẻ với báo chí về thông tin “nước mắm chứa asen”, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, đây mới là kết quả khảo sát, chưa phải giám định, kiểm định làm cơ sở cho xử lý. “Rất mong báo chí tuyên truyền bà con hiểu đúng chất lượng nước mắm. Chỉ khi cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế thực sự lấy mẫu mắm kiểu tra về hàm lượng đạm có các chất gây hại cho sức khỏe là kim loại nặng và vi sinh, khi đó Bộ Y tế sẽ công bố” – ông Nguyễn Huy Quang chia sẻ.

Theo ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, sản phẩm nước mắm đã có từ lâu đời và từ những năm 1970, Việt Nam đã có tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm và đến năm 2003 được sửa đổi, bổ sung lần thứ ba. Thậm chí, Việt Nam và Thái Lan còn cùng tham gia xây dựng tiêu chuẩn nước mắm CODEX (Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX quốc tế).