Việt Nam - Lào - Campuchia: Mảng văn học không thể nào quên
(ANTĐ) - Cuộc gặp gỡ văn học Việt - Lào - Campuchia diễn ra vào tháng 9 năm 2007 này sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Đó là một hoạt động văn hóa thể hiện tình đoàn kết keo sơn chung thủy như một giữa nhân dân ba nước.
Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ hay gọi cho đúng là khi thực dân Pháp không cam chịu thất bại quay trở lại xâm lược 3 nước Đông Dương sau thế chiến thứ 2 thì sự nghiệp sống còn của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia càng gắn bó chặt chẽ.
Ngày 23-9-1945, Pháp gây hấn ở Nam Bộ và tiếp đến là Trung Bộ, Hải Phòng và 19-12-1945 cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân Việt Nam bắt đầu.
Chúng ta biết ở Lào sau khi chính phủ yêu nước Phệt-xa-rạt được thành lập tháng 9-1945 và Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Việt Nam được mời về để cùng Hoàng thân Xuvana Phuma tham gia Chính phủ.
Nhưng vừa gây hấn ở Việt Nam thực dân Pháp ngoan cố chiếm lại đất nước Lào. Ngày 18-3-1946 chúng đánh chiếm thành phố Xavanakhet.
Ngày 21-3-1946 chúng dùng một lực lượng lớn bộ binh có máy bay và đại bác chi viện đánh chiếm Thà Khẹt lúc đó là sở chỉ huy của Hoàng thân Xuphanuvông với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao kiểm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Lào.
Hội nghị phát động Viết Kỷ niệm sâu sắc của tinh Hữu nghị Việt - Lào |
Hoàng thân Xuphanuvông, một kỹ sư tốt nghiệp ở Pháp về đã tham gia thiết kế và xây dựng nhiều công trình kinh tế ở Việt Nam, cùng các chiến sĩ Lào yêu nước và quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu kiên cường chỉ tới phút cuối cùng trước hoả lực áp đảo của thực dân Pháp không thể nào cầm giữ được nữa mới rút qua sông Mê Kông sang đất Thái Lan.
Trận này Hoàng thân bị thương nặng và nhà toán học trẻ Việt Nam Lê Thiệu Huy cũng vừa tốt nghiệp ở Pháp về - con trai cụ Lê Thước - cùng nhiều chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh.
Cuốn tiểu thuyết phản ánh một phần nhỏ cuộc chiến đấu kiêu hùng về lòng dũng cảm, về khát vọng độc lập tự do, về tình đoàn kết thủy chung đặc biệt này mãi những năm vừa qua mới ra đời do những người trong cuộc thực hiện. Đó là Bến bờ Nậm Khoỏng của ông Nguyễn Khuông và bà Phạm Thị Chất.
Chúng ta đã từng được đọc Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng của Lê Khâm và Bun chăm pa của Thoong B.C (tức Ngọc Tự), Giữa đỉnh Sàng Khăm của Trần Công Tấn, Bến thác, Trên đất bạn, Tả xua... của Văn Linh về chiến trường Lào những năm sau đó.
Sự nghiệp sinh tồn của nhân dân Việt Nam, Lào, Camphuchia gắn bó mới nhau ngày càng khăng khít về mãi sau này, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tiêu diệt bọn diệt chủng Pônpốt.
Văn học đã đi cùng và phát triển với sự nghiệp vĩ đại của nhân dân. Hàng loạt những trang viết về cuộc chiến đấu ở Lào, Campuchia đã ra đời. Không chỉ có truyện ngắn, thơ, mà còn tiểu thuyết, trường ca.
Năm 1997 do Hội nhà văn Việt Nam chủ trì được sự ủng hộ rất thiết thực và chí tình của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Hội Hữu nghị Việt - Lào, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã phát động cuộc sáng tác văn học mang tên Kỷ niệm sâu sắc của tình hữu nghị Việt - Lào. Cuộc vận động thành công đã vượt ra ngoài ý nghĩa đơn thuần của cuộc vận động sáng tác văn học.
Hai giải lớn nhất là Cánh đồng Chum - con người và năm tháng và Bên dòng Nậm Khoỏng cùng nhiều giải khác đã được Ban tổ chức trao tặng. Tác phẩm tuyển chọn Điệu lăm vông tình nghĩa đã ra đời.
Trên các báo những bài viết về tình hữu nghị chiến đấu và xây dựng Việt - Lào - Campuchia liên tục xuất hiện nhưng cuộc gặp gỡ sắp tới giữa đại diện các nhà văn ba nước tại Hà Nội để bàn về sáng tác mảng văn học thì là lần đầu tiên.
Chúng ta biết sau khi quân đội Việt Nam cùng với quân đội Campuchia đánh gục bọn diệt chủng Pôn pốt thì mảng văn học viết về đề tài này bắt đầu đơm hoa kết trái.
Các nhà văn, nhà thơ như Lê Lựu, Văn Lê, Như Trang, Anh Ngọc, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Phạm Sĩ Sáu, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Trí Trung, Ngân Vịnh... đã cùng các đơn vị bộ đội Việt Nam ngày đêm chiến đấu gian khổ hy sinh trên đất bạn. Các sáng tác đầy thực tế và giàu sức truyền cảm lần lượt ra đời.
Đó là Đất không đổi màu của Nguyễn Quốc Trung, Những cuộc tình đã đi qua của Nguyễn Bảo, Điểm danh đồng đội, Ra đi từ thành phố, Phía Tây cửa rừng của Phạm Sĩ Sáu, Nhật ký Phnômpênh của Như Trang, Dòng sông của Xô nét của Nguyễn Trí Huân... Trong đó Dòng sông của Xô nét đã được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam.
Tàn quân Pôn pốt còn dai dẳng mãi về sau này cũng như ở Lào bọn phỉ Vàng Pao sau khi bỏ chạy vẫn không ngừng tìm mọi cách chống phá đất nước và chống phá tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào - Campuchia.
Giờ đây lịch sử đã đi qua nhiều thập kỷ, nhiều sự kiện tối mật dần dần được công khai, chúng ta biết cả một quá trình kẻ thù phá hoại tình nghĩa gắn bó keo sơn giữa ba nước như thế nào.
Khi chính phủ Pơriđi ở Thái Lan bị tướng Phibun Sổngkham tiếm quyền tỏ rõ sự hằn học với kháng chiến Việt Nam và Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông về Việt Bắc của Việt Nam và cử một tổ cán bộ đầy dũng cảm do ông Nguyễn Từ Quỳ vượt rừng núi sang tận đất Thái đón Người.
Cũng nhưng những ngày đầu Cách mạng tháng Tám khi biết Hoàng thân đang ở Nghệ An, bận muôn nghìn công việc, Bác Hồ vẫn phái ông Lê Văn Hiến vào đón ra Hà Nội cùng với người công dân Vĩnh Thụy.
Đến Việt Nam là Hoàng thân đã hòa nhập với cuộc kháng chiến Việt Nam để rồi cùng đồng bào đồng chí lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Lào.
Nhiều thắng lợi và cũng lắm chông gai, ngày 22-7-1958 Chính phủ Liên hiệp dân tộc do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng bị lật đổ và đầu năm 1959, Chính phủ Xananicon tuyên bố Hiệp định Giơnevơ 1954 hết hiệu lực để ngày 12-5-1959 chúng tuyên bố quản thúc Hoàng thân Xuphanuvông và các lãnh tụ khác của Mặt trận Lào yêu nước.
Biết bao câu chuyện cảm động và những chi tiết gợi đau, gợi nhớ, văn học chưa có điều kiện và cũng không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ.
Hoàng thân Xuphanuvông bị giam trong xà lim số 4 khu vực nhà tù Phôn Khiêng. Những khi được phép bà Viêng Khăm Xuphanuvông (vợ Hoàng thân) bế anh con trai út mới được vài ba tháng tuổi vào thăm.
Tã lót của con chính là vỏ bọc thư từ liên lạc với bên ngoài. Và thật bất ngờ cho bà Viêng Khăm, sau gần ba trăm ngày bị giam giữ, gói tài liệu gửi ra ngoài hôm ấy lại là tấm ảnh Bác Hồ do chính Hoàng thân vẽ trong lúc tưởng nhớ về vị lãnh tụ của chúng ta.
Người con trai út ấy sau này là một kỹ sư đã kể lại rằng, trong những tấm ảnh chụp chung, Bác Hồ bao giờ cũng đề Hai ta còn Hoàng thân thì đề Với papa Hồ.
Nhưng văn học đã đạt thành tựu nhất định cho dù chưa thể thỏa mãn người đọc. Trường ca Sông Mê Kông bốn mặt của Anh Ngọc hay tiểu thuyết Dòng sông của Xô nét của Nguyễn Trí Huân gợi cảm và gây xúc động.
Trở về những năm đầu sáu mươi của thế kỷ trước khi Lê Khâm cho xuất bản Bên kia biên giới và Trước giờ nổ súng đã từng làm mọi người bàn tán xôn xao và nô nức tìm đọc.
Cho dù giờ đây tư duy con người đã khác, cái cảm cái nghĩ cũng đã khác, thì hình tượng chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và hình tượng những cô gái Lào bên kia rặng Trường Sơn vẫn làm ta đắm say yêu mến. ở tỉnh Xiêm Riệp của Campuchia có Angkor Thom và Angkor Wat hôm nay nườm nượp các đoàn khách du lịch Việt Nam, Philippins, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trên đường vào Angkor Wat một tổ nhạc dân tộc của người tàn tật được giới thiệu là do Pôn pốt độc ác gây ra biểu diễn chào đón và người Việt Nam, người Philippins, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều na ná như nhau mà chẳng hiểu sao chúng tôi qua hay trở lại họ đều biểu diễn bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Văn học Việt Nam viết về sự nghiệp xây dựng hôm nay trên đất bạn còn quá hiếm hoi.
Nghe nói ở Hội nhà văn Việt Nam và đặc biệt là nhà thơ Chủ tịch Hội sau khi đi Campuchia có bàn về vấn đề này nhưng xem ra thực hiện đâu phải dễ dàng nhanh chóng.
Những sáng tác vội vàng cho kịp thời rồi cũng qua đi. Thời gian đã đủ cho ta nhìn lại. Nhà văn Lê Khâm không còn nữa. Nhà văn Trần Công Tấn và Văn Linh lăn lộn nhiều năm ở chiến trường Lào, có nhiều sáng tác được bạn đọc chú ý, nhưng cũng đã được xếp vào lớp nhà văn cao tuổi.
Các ông vẫn viết, vẫn hăng say, đó là điều rất quý, nhưng rõ ràng sức vươn tới thì đã bị thời gian làm cho phôi phai.
Vừa rồi Tổng cục Chính trị QĐNDVN phát động cuộc sáng tác sử thi và đợt một hoàn thành, rất may trong đó có hai tiểu thuyết khá dày dặn viết về Lào. Đó là Xiêng Khoảng mù sương gần nghìn trang in của nhà văn Bùi Bình Thi và tiểu thuyết Đường về Thà Khẹt dài 400 trang của nhà văn Tô Đức Chiêu.
Nhà văn Bùi Bình Thi với tư cách phóng viên mặt trận đã bao năm gần gũi, gắn bó với mặt trận Xiêng Khoảng - Cánh đồng Chum. Năm 1971 ông có tập Ký sự Xiêng Khoảng được bạn đọc chú ý và hôm nay là tiểu thuyết Xiêng Khoảng mù sương. Thời gian và không gian của cả vùng bắc Lào trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được dựng lại.
Cái nhìn ở đây không đơn giản là sự khắc họa, phản ảnh mà đi xa hơn với tư cách của sáng tác văn học, là khái quát điển hình nhằm tôn tạo con người và sự kiện. Những sáng tác như vậy quả là dấu ấn trong mảng văn học không thể nào quên về tình đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tiểu thuyết Đường về Thà Khẹt đã khái quát và dựng lại hình ảnh các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng với chiến sĩ và nhân dân Lào chiến đấu ở vùng đất lịch sử mà Pháp, năm 1946, đã chọn làm điểm tấn công hòng bóp chết cách mạng Lào.
Cuộc gặp gỡ văn học Việt - Lào - Campuchia diễn ra vào tháng 9 năm 2007 này sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Nó chẳng những chỉ nhằm tuyên dương những cây bút có đóng góp xứng đáng cho mảng văn học không thể nào quên mà còn khuyến khích các nhà văn đi vào sáng tác mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa, và trên hết, đó là một hoạt động văn hóa thể hiện tình đoàn kết keo sơn chung thủy như một giữa nhân dân ba nước chúng ta.
Tô Đức Chiêu