Viết dưới chân núi Phượng Hoàng

(ANTĐ) - Nhà Nho làm nghề thầy giáo mà được lưu danh sử sách là Chu Văn An, người thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tài đức sớm bộc lộ nên ông được Triều đình vời ra giúp nước mở mang giáo dục, từng làm đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Giám đốc của trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng cũng vì “tiết tháo hơn người”, sau khi dâng “Thất trảm sớ” lên nhà vua mong diệt trừ bảy tên tham quan nịnh thần không được mà cáo quan lui về Chí Linh ở ẩn, lo việc đào tạo con người.

Viết dưới chân núi Phượng Hoàng

(ANTĐ) - Nhà Nho làm nghề thầy giáo mà được lưu danh sử sách là Chu Văn An, người thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tài đức sớm bộc lộ nên ông được Triều đình vời ra giúp nước mở mang giáo dục, từng làm đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Giám đốc của trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng cũng vì “tiết tháo hơn người”, sau khi dâng “Thất trảm sớ” lên nhà vua mong diệt trừ bảy tên tham quan nịnh thần không được mà cáo quan lui về Chí Linh ở ẩn, lo việc đào tạo con người.

Ngôi đền thờ thầy giáo danh nhân nước Việt đã được đầu tư xây dựng khang trang trên núi Phượng Hoàng như một nghĩa cử tôn vinh sự học và truyền thống tôn sư trọng đạo Việt Nam. Công trình hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được khánh thành vào ngày 4 - 1 bằng một Lễ hội tưởng nhớ thầy  Chu Văn An ở núi Phưọng Hoàng xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương...

Ngôi đền được xây ở chân núi Phượng Hoàng, nơi ngày xưa Chu Văn An về ở ẩn mở trường dạy học. Quần thể các công trình tưởng niệm được bố trí trên một mặt bằng rộng lớn với đền thờ chính, hai nhà tả - hữu vu, hai nhà bia, và các công trình phụ trợ. Không nguy nga hoành tráng, nhưng những công trình thờ người thầy được thiết kế, xây dựng mang đậm nét truyền thống. Ngôi đền chính được chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt mũi hài, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thếp vàng... tất cả khiêm nhường, ấm áp mà thành kính trang trọng...

Lịch sử Việt Nam đã ghi danh nhà nho yêu nước Chu Văn An như một người thầy mẫu mực, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám chuyện dạy Thái tử, rồi sau khi dâng “Thất trảm sớ” cho người trò cũ là Vua Trần Dụ Tông mong cứu nước không thành, Người trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn sống nghề dạy học, giữ đời thanh bạch đến khi tạ thế. Tuy khi đã ở bên chốn lâm tuyền, ông vẫn chưa quên vận nước. Và Trần triều về sau vẫn không quên một nhân tài mẫu mực.

Chính Trần Nghệ Tông khi phục hồi đất nước đã cho vời ông về kinh nhưng thầy đã từ chối. Cả quà cáp bổng lộc triều đình thầy cũng không nhận. Vua trọng hiền tài của thầy mà ban cho tên Thụy là Văn Trinh ban hiệu là Khang tiết tiên sinh để về sau các thế hệ cháu con phụng thờ tế lễ thầy. Người Hải Dương vì mến phục người thầy tài đức đã lập đền, dựng lăng trên núi Phượng Hoàng đặng cho con cháu muôn đời thờ phụng. Trải gần 700 năm phần lớn dấu tích xưa đã bị hủy hoại.

Nguyên khởi của di tích tương truyền là ngôi nhà đơn sơ nơi Chu Văn An ngồi dạy học và nương náu suốt nửa đời sau ẩn dật. Đền thờ và lăng mộ ông tựa vào chân núi có tên Phượng Hoàng có cảnh sắc thanh bình, thơ mộng, có thông reo trên núi, nước chảy dưới khe. Điện Lưu Quang còn đó như in dấu ông ngồi dạy học thuở nào.

Di tích đền Phượng Hoàng thờ ông đã được liệt vào Chí Linh bát cổ có bia khắc ghi danh hiện còn ở Nam Sách. Tất cả những dấu tích xưa đã thành phế tích, nhưng dù bao biến cố thăng trầm người tỉnh Đông vẫn dành cho ông sự thành kính, trân trọng. Bao lần góp công góp sức dựng đền thờ ông, hay tu sửa một cách tùng tiệm lấy nơi hương khói cho tiền nhân và vì thế, nơi đây qua khảo cổ cho thấy là một  tập hợp những dấu tích nhiều thời đại, thể hiện những tấm lòng bao thế hệ người Việt với ông.

Phan Huy Chu đánh giá: “Chu Văn Trinh học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được đương thời suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng Nho nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông”.

Gần 700 năm, người thầy mẫu mực Chu Văn An vẫn còn là gương sáng cho nền giáo dục nước nhà. Tôi không hiểu có phải vì thế không, khi mà vài năm trước người ta kêu giáo dục đang có “vấn đề”, khi thầy chưa ra thầy, trò không ra trò, tiêu cực, gian lận thi cử khắp nơi, đạo lý thầy trò bị xem nhẹ thì Hải Dương được sự hỗ trợ của ngành văn hóa, Bộ Giáo dục - Đào tạo và thành phố Hà Nội đầu tư tôn tạo quần thể di tích thờ người thầy giáo Chu Văn An.

Ý nghĩa lắm và cũng đáng trân trọng lắm. Nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đều đau đáu chuyện chưa phục dựng trùng tu được cho thầy Chu Văn Trinh một ngôi đền xứng với tầm vóc danh nhân. Mà có lẽ họ nghĩ vậy không phải  cho ông, mà là cho con cháu bây giờ và mai sau.

Điện thờ chính là nơi đặt tượng Chu Văn An vừa được đúc từ Hà Nội  rước về. Pho tượng và cả cấu trúc chính điện cùng hậu cung được xây dựng theo hình mẫu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hai dãy tả - hữu vu dành làm nơi tiếp khách rồi sân hành lễ được lát đá, Bi đình hai bên đều mang dáng dấp kiến trúc cổ kính, với mái đầu đao cong vút, với chi tiết trang trí hài hòa không gian thiêng liêng của một ngôi đền.

Ngôi đền cổ đơn sơ vẫn được giữ lại, nhà bia cũ vẫn còn và cây Trạng nguyên bên cổng đang nở hoa đỏ mang ý nghĩa riêng. Tất cả hòa vào quần thể di tích tạo cảm giác gần gũi ấm áp cho mỗi người hành hương. Đường lên khu lăng mộ ông được lta đá xanh dẫn lên núi.

Cảnh sắc Phượng Hoàng kỳ thú hấp dẫn nay quần thể kiến trúc mới này sẽ tô điểm thêm càng làm cho nơi này thành chốn hành hương hướng thiện lý tưởng. Con đường trải nhựa phẳng lỳ từ Quốc lộ 18, qua bạt ngàn vườn vải, qua điện Lưu Quang, vào đền Phượng Hoàng mời đón người thờ đạo học khắp xứ về với người thầy mẫu mực muôn đời.

Toàn bộ quần thể kiến trúc bố trí hợp lý, theo “thức” truyền thống. Đặc biệt, được xây dựng với chất lượng cao nhất. Chỉ hơn bảy tỷ đồng cho một quần thể kiến trúc giá trị như vậy là con số biết nói về sự tùng tiệm, tiết kiệm và bài bản để có một ngôi đền thờ danh nhân nước Việt bề thế kiên cố.  Đây là những công trình của hôm nay để giáo dục về truyền thống tôn sư trọng đạo cho muôn đời sau.

Trò chuyện với một sinh viên Hà Nội sau khi cô công đức số tiền ít ỏi dành dụm được vào thùng công đức, em cho biết: “Không chỉ đi lễ với lòng kính trọng mà em về đây như để học gương sáng thầy xưa trong ứng xử, hành xử đời thường nữa”. Rất nhiều thầy trò khắp nước về đây thành kính dâng lễ viếng thầy. Hẳn đất nước vần còn hồng phúc, khi ta thấy nhiều trò nhỏ về đây kính cẩn nghiêng mình. Có cây xanh do một học sinh từ Mỹ về trồng. Người Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) về đây trồng cây nơi đền thờ người đồng hương để tiếng thơm muôn thuở.

Một ngày ở núi Phượng Hoàng bên đền thờ Chu Văn An, ai cũng thấy lòng ấm lại bởi không khí ngày khánh thành ngôi đền thờ đạo thầy trò và còn bởi sự nô nức của hàng trăm học sinh khắp xứ tìm đến với thầy xưa... 

Tân Linh