Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm:

Vị trí đặc biệt quan trọng cần có quy trình riêng

ANTĐ - Tại buổi thảo luận tổ diễn ra chiều qua (29-10) về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn, các nội dung liên quan đến phạm vi, thời hạn và quy trình lấy phiếu tín nhiệm được các đại biểu tập trung thảo luận.

Đề xuất thu hẹp các chức danh bỏ phiếu tín nhiệm

Tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ĐB Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội) nhấn mạnh, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề quan trọng, cấp thiết để có một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, thanh lọc những cán bộ không đủ năng lực, trình độ. Để tránh làm tràn lan, hình thức, bà An đề nghị chỉ nên tập trung vào những chức danh do Quốc hội bầu. Đối với Quốc hội chỉ nên lấy phiếu, bỏ phiếu với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm các Ủy ban. Về phía Chính phủ, nên bỏ phiếu từ cấp Bộ trưởng và tương đương trở lên, bà An đồng thời đề nghị trước mắt chỉ nên tập trung vào những chức danh có quyền ra quyết định và liên quan đến lĩnh vực tài chính kinh tế.

ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đóng góp ý kiến ở 3 vấn đề. Trước hết, chỉ nên để 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm (trên 50% là tín nhiệm, dưới 50% là không tín nhiệm), không nên đưa ra 4 mức lấy tín nhiệm như trong dự thảo. Thứ hai, ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích, việc bỏ phiếu tín nhiệm theo dự thảo Nghị quyết là đúng đắn, tuy nhiên nếu lấy phiếu tín nhiệm hàng năm là khó. Bởi mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tiến hành các quy trình, thủ tục. 

Liên quan đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ của Quốc hội. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, ở các Ủy ban của Quốc hội, chỉ cần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm.

Tổng hợp ý kiến từ các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, đưa ra nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội và HĐND bầu là vấn đề đã đặt ra từ lâu, một việc lớn, khó và quan trọng nên quy trình, tiêu chí cần khoa học, tỉ mỉ hơn nữa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, trong thời gian ngắn mà các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị một việc mới, khó như vậy là rất tốt và nếu làm được thì đây xứng đáng là mô hình đánh giá cán bộ hiếm có trên thế giới. Nhiều nước đã có đánh giá tín nhiệm người đứng đầu Chính phủ, nhưng để đánh giá cả Chính phủ và thành viên, Chủ tịch nước, Quốc hội thì trên thế giới chưa từng có.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội cũng muốn đi đầu trong lĩnh vực này, nhưng phải làm sao cho khách quan, trung thực, khoa học. ĐB Phạm Quang Nghị cho rằng, Quốc hội chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh, tuy nhiên nên chia ra 2 bậc, trong đó những người có vị trí đặc biệt quan trọng như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cần có quy trình riêng bởi đây là những cán bộ cấp cao có cương vị, trách nhiệm cao hơn rất nhiều so với các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Ủy ban. Cũng theo ĐB Phạm Quang Nghị, nên lấy phiếu tín nhiệm vào 2 năm giữa nhiệm kỳ.

Nên bỏ mục “chưa có ý kiến”

Phát biểu mở đầu tại đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ĐB Huỳnh Minh Thiện (Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) nói: Việc bỏ phiếu tín nhiệm là trách nhiệm của ĐBQH. Tôi đề nghị nên áp dụng 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình và tín nhiệm thấp; dự thảo Nghị quyết nên bỏ mục “chưa có ý kiến”. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Văn Gòn (Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM) cho rằng: ĐBQH cần thể hiện chính kiến cụ thể của mình, phải biểu quyết, không nên để “phiếu trắng”. Một ĐBQH khác của đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đề cập đến vấn đề này, đó là ĐB Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam). Ông nói: “Tôi đề xuất 4 mức: Tín nhiệm cao, trung bình, thấp và mức “không tín nhiệm”; đề nghị bỏ mức “chưa có ý kiến”. Về kết quả phiếu bầu, ông Nghĩa đề nghị: Nếu trên 50% phiếu không tín nhiệm hoặc quá 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì xem xét, sắp xếp cho cán bộ thôi cương vị công tác luôn. Đồng thời 2 năm liền mà bị quá 50% phiếu bầu tín nhiệm thấp, thì cũng đề nghị cho nghỉ.