- Bộ VH-TT&DL "tuýt còi" triển lãm xác người đầy ám ảnh tại TP.HCM
- [ẢNH] Cận cảnh triển lãm xác người đầy ám ảnh được tổ chức ở TP.HCM sau khi Hà Nội không cấp phép
Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm, ông đã nói thẳng với đơn vị xin cấp phép là công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) rằng, trừ khi triển lãm đem bày tại trường đại học y khoa, phục vụ cho sinh viên nghiên cứu hoặc xem xét một số vấn đề về giải phẫu thì may ra còn có cơ hội xuất hiện tại Hà Nội. Còn nếu trưng bày với mục đích thương mại là bán vé với người vào xem thì nhất định không được.
Đơn vị xin cấp phép cho triển lãm "Sự bí ẩn của cơ thể người" từng có ý định xin bày các mẫu phẩm cơ thể người tại tòa nhà Keangnam.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng khẳng định với phóng viên Báo An ninh Thủ đô rằng, nếu triển lãm này xin cấp phép tại sở, ông cũng sẽ từ chối. "Hà Nội không thể xuất hiện những triển lãm phản cảm và vi phạm những chuẩn mực đạo đức như "Sự bí ẩn của cơ thể người", ông Động nhấn mạnh.
Lý giải về việc cấp phép cho một triển lãm xác người thật gây tranh cãi vì không phù hợp với thuần phong mỹ tục của một đất nước Á Đông như Việt Nam, ông Võ Trọng Nam khẳng định, không thể có chuyện đó vì hồ sơ xin cấp phép ghi chất liệu mẫu vật là nhựa. “Toàn bộ là sợi polymer hết”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, triển lãm này gây tranh cãi vì “là mới nên sẽ có luồng dư luận này kia” và “Nếu sự thật có quy trình làm từ xác người thật thì lại là chuyện khác, chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.
Mẫu vật trưng bày trông hết sức rùng rợn tại triển lãm
Theo đơn vị tổ chức triển lãm "Sự bí ẩn của cơ thể người", triển lãm nhằm cung cấp kiến thức y học về cấu trúc và hoạt động sinh học bên trong cơ thể người, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng lối sống lành mạnh cho cộng đồng qua việc so sánh trực quan sinh động về cơ thể người giữa lối sống tốt và không tốt.
Đặc biệt các mẫu vật được triển lãm sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật và các chất độc hại đến từ thuốc lá, rượu bia… cũng như thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến cơ thể con người.
Tuy nhiên, triển lãm đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận bởi văn hóa Á Đông không giống văn hóa các nước phương Tây, đó là người ta rất xem trọng linh hồn của người chết. Không ai cho phép đưa xác người đã khuất ra kinh doanh. Điều đó hoàn toàn không phù hợp tại Việt Nam.
Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: "Tôi xem những hình ảnh đó chẳng thấy nó nghệ thuật hay đẹp chỗ nào cả mà thậm chí lại cảm thấy rùng rợn lẫn ám ảnh. Tôi cho đó là một triển lãm rất phản cảm, rất thiếu nhân văn. Người ta đã mất, phải trân trọng hương hồn của người ta chứ!".
Đồng thời, ông Trần Khánh Chương cũng cho biết: "Con người có hiến dâng hoặc hy sinh cho khoa học nhưng với mục đích nghiên cứu để cứu người và làm nhân loại tiến bộ chứ không thể lấy con người ra để triển lãm kiểu đó. Vấn đề là nguồn gốc những xác người đó lấy từ đâu ra và liệu có được phép không? Chỉ riêng việc đưa xác chết ra trưng bày kiểu đó cũng là một vấn đề của pháp luật rồi”.