Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có thể bị phạt tới 50 triệu đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo). Theo dự thảo lấy ý kiến lần 2, thẩm quyền của Công an nhân dân trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định rõ ràng, từ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cho tới Cục trưởng. 

Theo tờ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, có thay đổi một số chức danh của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính và mức tiền phạt tối đa của một số chức danh được quy định tại các nghị định trên.

Do vậy, để bảo đảm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi hành các nghị định xử phạt còn gặp một số khó khăn trên thực tế do hành vi chưa đủ hoặc chưa rõ ràng trong lĩnh vực du lịch như hành vi không lưu giữ hồ sơ liên quan đến kinh doanh dịch vụ lữ hành, hành vi không có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong quá trình kinh doanh dịch vụ lữ hành…

Để khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo là cần thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.

Tại điều 1 của dự thảo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có ghi rõ thẩm quyền của các lực lượng chức năng như thẩm quyền của Thanh tra, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã tới tỉnh, thẩm quyền của CAND, thẩm quyền của Cảnh sát biển, thẩm quyền của bộ đội biên phòng...

Tại đây, thẩm quyền của CAND trong xử phạt vi phạt hành chính ở lĩnh vực du lịch được quy định: Chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng. Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.... Cao nhất là Cục trưởng các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an như Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Tương tự, tại điều 2 của dự thảo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao cũng ghi rõ thẩm quyền của các lực lượng chức năng như thẩm quyền của Thanh tra, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã tới tỉnh, thẩm quyền của CAND, thẩm quyền của Cảnh sát biển, thẩm quyền của bộ đội biên phòng...

Tại đây, thẩm quyền của CAND trong xử phạt vi phạt hành chính ở lĩnh vực thể thao được quy định: chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng. Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.... Cao nhất là Cục trưởng các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an như Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.”

Đồng thời, dự thảo cũng bãi bỏ một số điểm của Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và thay thế một số cụm từ của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Thay cụm từ “có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” bằng cụm từ “có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” tại điểm c khoản 1 Điều 64; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 65; điểm c khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 66; điểm c khoản 3 Điều 67; điểm c khoản 4, điểm c khoản 5 Điều 68; điểm c khoản 3 Điều 69; điểm c khoản 2 Điều 70 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Thay cụm từ “Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn” bằng cụm từ “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn” tại điểm c khoản 3 Điều 70 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Ý kiến đóng góp gửi về địa chỉ: http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=reply&_piref135_27935_135_27927_27927.id=4349