Vết trượt của một con người
(ANTĐ) - Lần thứ hai luật sư Việt vào Trại tạm giam. Chờ đến nửa tiếng, bị can Đặng Ngọc Hùng mới được dẫn giải ra ngoài. Việt nhìn từ xa và anh không thể ngờ một người với khuôn mặt sáng sủa, có vẻ hiền lành lại lao sâu vào con đường phạm tội như thế. Lần đầu, cách đây đúng một tuần, Việt cũng vào đây với tư cách luật sư chỉ định để gặp bị can.
Anh muốn có thêm tài liệu khác ngoài những trang hồ sơ với mong muốn sẽ có được nhiều bằng chứng xác thực và sinh động nhất để biện hộ cho bị can. Tiếc rằng, Hùng kêu đau đầu, không muốn làm việc với luật sư. Anh đành ra về với một tâm trạng buồn bực, bởi anh chưa bao giờ gặp phải một tình huống như thế.
Làm luật sư đã 5 năm nay, ngoài việc tư vấn pháp lý tại văn phòng, Việt cũng tham gia tranh tụng tại một số phiên tòa hình sự. Có phiên tòa người nhà bị hại, bị cáo thuê, lại cũng có phiên tòa theo yêu cầu của pháp luật, anh tham gia làm luật sư chỉ định. Hầu hết những bị can, bị cáo đều có sự hợp tác tích cực với anh bởi họ hiểu, anh là người họ có thể trút mọi tâm sự và với nhiệm vụ của mình, anh sẽ đưa ra được luận cứ có lợi nhất cho họ.
Giờ thì Hùng đã ngồi trước mặt anh. Mới 16 tuổi nhưng nó có vẻ già dặn trước tuổi. Cậu ta luôn cúi mặt, ngón tay trỏ gạch những đường vô nghĩa lên mặt bàn. Như những trường hợp khác, Việt không đi ngay vào câu chuyện mà hỏi han Hùng về việc ăn ngủ, sinh hoạt, sức khỏe... Hùng chỉ đáp lại anh bằng những câu hỏi cộc lốc, có hoặc không... Thời gian trôi chậm chạp qua căn phòng nhỏ, trong đó chỉ có một chiếc bàn, hai chiếc ghế. Trên cao, một ô cửa sổ tràn ngập nắng vàng. Câu chuyện vẫn tiếp tục rời rạc cho tới khi Việt hỏi về gia đình, cậu ta mới ngước mắt lên nhìn Việt với ánh nhìn giận dữ. Rất tự nhiên, Việt đặt bàn tay mình lên tay Hùng:
- Nếu có gì uẩn khúc, em cứ kể. Anh sẽ nghe tất cả và hy vọng chúng ta có sự hợp tác tốt. Em có thể được nhận mức án thấp nhất, nhưng chính em cũng phải biết tự bào chữa cho mình.
Hùng khẽ chớp mắt. Khuôn mặt có phần giãn ra. Và cậu bắt đầu câu chuyện của mình bằng một giọng buồn, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt ứa ra và rơi xuống mặt bàn...
...
Ngay từ nhỏ, Hùng đã có tiếng là một cậu bé hiếu động nhưng rất thông minh. Bố mẹ Hùng trước làm công nhân, sau chuyển ra ngoài buôn bán theo sự lôi kéo của những người bạn. Sau lần sinh Hùng, mẹ cậu ta bị bệnh nên không thể sinh tiếp được nữa. Lẽ đời, khi cuộc sống khó khăn, con người thương yêu, quan tâm tới nhau nhiều hơn.
Từ ngày bố mẹ Hùng chuyển sang việc làm khác, đời sống có khấm khá nhưng tính cách cũng thay đổi theo. Họ không còn dành nhiều thời gian cho con cái mà mải mê lao vào những vụ làm ăn với hy vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Sự thay đổi đáng buồn hơn cả chính là người bố của Hùng. Từ chỗ là người không thích bia rượu thì giờ đây, ông có thể ngồi hàn huyên, bù khú với bạn bè từ tối tới đêm mới về.
Ông thường về nhà trong tình trạng say khướt rồi gây sự với vợ con. Khi vợ cãi lại, ông sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ không thương tiếc. Một trong những lý do để ông gây sự với vợ mà cậu bé Hùng nhớ nhất là việc trước khi lấy ông, mẹ cậu đã có quan hệ thân thiết với một người đàn ông khác. Vì gia đình người đàn ông này không đồng ý, cho rằng không môn đăng hộ đối nên hai người phải chia tay. Từ lý do này mà bố Hùng thường ám ảnh trong đầu với ý nghĩ người vợ vẫn có quan hệ với người đàn ông kia. Và rất có thể, Hùng không phải là giọt máu do ông sinh ra...
Mọi lý lẽ biện hộ của người vợ như đổ thêm dầu vào lửa khiến ông càng thêm tức tối. Những trận đòn vẫn diễn ra như thế, thậm chí có lần mẹ Hùng phải vào bệnh viện vì rạn xương ống chân. Sự chịu đựng của con người bị kéo căng tới đỉnh điểm để rồi kết cục tất yếu phải đến, hai người ly hôn.
Hai năm sau, người đàn bà thứ hai xuất hiện trong ngôi nhà bố con Hùng. Hai người không làm đám cưới mà tự nguyện về sống chung với nhau và chỉ mấy năm sau, hai đứa trẻ lần lượt ra đời. Mẹ kế ở nhà nuôi con, việc làm ăn của bố Hùng không còn thuận lợi như trước. Những cuộc nhậu nhẹt vẫn diễn ra hàng ngày và lần này, mọi bực dọc, tức tối của người cha trút lên đầu cậu con trai. Hùng không thể nhớ hết người cha đã đánh mình bao nhiêu lần. Thậm chí, có lần cậu tự hỏi: không biết ông ta có phải là cha đẻ của mình không, bởi một người cha thật sự sẽ không bao giờ hành hạ đứa con mình dã man đến thế.
Người mẹ kế lại thường vào hùa với chồng, vậy là trong ngày xảy ra chuyện gì, bà cũng mách chồng rồi cho rằng, Hùng là đứa trẻ hư hỏng, vô tích sự, hay gây gổ với các em và không chịu làm việc nhà. Những trận đòn phũ phàng lại trút lên đầu nó. Đau đớn và uất ức tột độ, nó đã bỏ nhà ra đi vào cái đêm người cha sau khi đánh đập nó không thương tiếc và đuổi nó ra khỏi nhà.
...
Đầu tiên là trộm cắp, sau là cướp giật với sự hỗ trợ của đồng bọn và cuối cùng là dùng hung khí cưỡng đoạt tài sản của những cặp tình nhân. Nó không trực tiếp sử dụng hung khí nhưng là tên đứng ngoài cảnh giới cho đồng bọn hành động. Trừ những trường hợp cần thiết, nó mới lao vào hỗ trợ để đồng bọn thực hiện trót lọt. Trong vụ án mà nó bị bắt cùng 3 tên khác, khi bị hại chống trả quyết liệt, chúng đã thẳng tay rút dao đâm liền mấy nhát khiến bị hại gục xuống trên vũng máu. Ngay ngày hôm sau, cả bọn bị bắt.
...
Đúng một tháng nữa, phiên tòa sẽ khai mạc. Hùng cùng 3 bị cáo khác bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản. Mỗi kẻ phạm tội đều có một con đường riêng, nhưng với bị cáo Hùng, Việt vẫn thấy xót xa, vừa thương, vừa giận.
Trong phiên tòa sơ thẩm, bố Hùng sẽ được triệu tập tới tòa với tư cách người giám hộ. Luật quy định bắt buộc là như vậy, nhưng thử hỏi, ông ta đã làm gì để giám hộ hay chính ông đã đẩy con mình vào vòng lao lý?
Luật sư Việt khẽ thở dài. Anh đã hoàn thành công việc của mình và anh tin sẽ có một bản luận cứ đầy đặn cho bị cáo tại phiên tòa. Nhưng anh biết, những ngày sau đó, anh sẽ bị chìm vào sự day dứt hình ảnh bị cáo cùng với những bi kịch mà cậu ta đã trải qua. Dẫu biết đó là số phận của con người, nhưng sao số phận đó nghiệt ngã thế? Nếu Hùng được sinh ra và lớn lên trong một môi trường khác yên ổn, đầm ấm, chắc chắn cậu sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Còn những người làm cha, làm mẹ, hẳn cũng sẽ rút ra cho mình những bài học bổ ích từ câu chuyện đau lòng này.
Việt Hà