Vết thương sẽ nhắc người lính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Máu đổ, thậm chí tính mạng bị đe dọa, nhưng điều quan trọng nhất là mình đã bảo vệ được sự an toàn cho người dân, đã chặn được tội ác cho cộng đồng” - Thương binh, Đại tá Kiều Quang Phương - Trưởng CAH Ba Vì (Hà Nội) tâm sự.

Người thuyền trưởng ở… vùng cao

Đại tá Kiều Quang Phương nói vui, anh có một cái “nhất” mà 30 chỉ huy công an quận, huyện, thị xã của CATP Hà Nội không vượt được, đó là chịu trách nhiệm công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn… cao nhất Thủ đô. Rất khó để đồng chí Trưởng Công an huyện kể lại trận đánh bắt giữ đối tượng cướp tài sản hồi năm 2003, 2004, khi đang là trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tây (cũ).

“Đối tượng có súng và tớ đã bị thương trong trận đánh ấy” - Đại tá Kiều Quang Phương nhắc lại thời khắc sinh tử năm nào đơn giản như một… cuộc dạo chơi. Với anh và có lẽ cũng như cả nghìn thương binh công an thuộc CATP Hà Nội đã nghỉ hưu hay đang công tác, thì đổ máu hay thậm chí tính mạng bị đe dọa là chuyện hết sức bình thường. Nghề của các anh là đấu tranh chống tội phạm, là ngăn chặn cái ác, bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Thế nên, xác định được những hiểm nguy để đối đầu với nó, để dấn thân, thậm chí chấp nhận là lẽ thường.

Đại tá Kiều Quang Phương - Trưởng CAH Ba Vì trao quà tặng thân nhân gia đình có công với cách mạng

Đại tá Kiều Quang Phương - Trưởng CAH Ba Vì trao quà tặng thân nhân gia đình có công với cách mạng

Ít người biết Đại tá Kiều Quang Phương là thương binh bởi như anh nói: “Mình không thích kể chuyện quá khứ”. Nhưng địa bàn huyện Ba Vì tính từ năm 2015 trở lại đây đã bình yên hơn, ổn định hơn, đời sống người dân khấm khá hơn, thì nhiều người cảm nhận rõ. An ninh, trật tự vững là nền tảng để kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Ba Vì nay đang là điểm đến “hot” của những tour du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, là địa phương có sự giao thoa thú vị giữa người Kinh và bà con dân tộc Mường, Dao. Sự giao thoa mà vẫn giữ được bản sắc ấy tưởng dễ mà không đơn giản, nếu không có một trong những “nhịp cầu” quan trọng là lực lượng công an cơ sở.

Từ xây dựng kế hoạch giữ vững từng thôn, xóm, bản làng, rồi đẩy mạnh tuyên truyền người dân hiểu, chấp hành quy định pháp luật, cho đến tăng cường giám sát, kiểm tra, nhắc nhở xử lý các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật… 31 đơn vị hành chính của Ba Vì từ hơn 1 năm nay đã có công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã. Những bộ khung giữ gìn an ninh, trật tự ở cấp cơ sở nhỏ nhất đã định hình. Song, để hoạt động có hiệu quả, phát huy tối đa hiệu lực, vai trò công an chính quy, thì không thể thiếu vai trò của người “thuyền trưởng”.

Trong 7 năm qua, người thương binh Kiều Quang Phương đã luôn nỗ lực thực hiện vai trò “đầu tàu”. Số vụ phạm pháp hình sự ở Ba Vì được kéo giảm mỗi năm, rất ít xảy ra án đặc biệt nghiêm trọng, không hình thành phức tạp về an ninh tôn giáo, giải phóng mặt bằng. Ở đây, vấn đề an ninh du lịch là một trong những điểm nhấn tích cực, nhiều chủ trương, chỉ đạo lớn của Bộ Công an và CATP Hà Nội liên quan đến công tác cải cách hành chính ghi nhận kết quả khả quan… Trong bức tranh toàn cảnh ấy, thấy rõ vai trò người đứng đầu, đó là: Xung kích, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Dễ hình dung hơn, người thuyền trưởng ấy trong các năm 2018 - 2020 là Chiến sỹ thi đua cơ sở, các năm 2020 - 2021 được Bộ Công an tặng 3 Bằng khen.

“Mình không làm thì đồng đội cũng sẽ làm”

Trung tá Phạm Như Trường - Thương binh, Đội trưởng Đội 3 - Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (CATP Hà Nội) đúc kết như vậy khi được gợi lại diễn biến bắt giữ đối tượng phạm tội về ma túy năm nào. Nụ cười hiền lành, vậy mà mỗi khi đối mặt với tội phạm nguy hiểm đố ai nhận ra “cái lành” của anh.

Cuối tháng 5-2018, cư dân mạng xôn xao truyền nhau đoạn clip ai đó vô tình quay được trên đường phố Hà Nội. Đó là cảnh bắt giữ một đối tượng buôn bán ma túy. Người đàn ông điều khiển ô tô nhãn hiệu KIA điên cuồng lao xe vào các cán bộ công an mặc thường phục đang sử dụng cả xe máy và ô tô để truy bắt. Trong chớp mắt, một trinh sát nổ súng cảnh cáo, đồng thời bắn thủng lốp xe của đối tượng. Liền đó, một chiến sỹ khác lao đến giật cửa xe, khóa tay đối tượng trên ghế lái, thu giữ tại chỗ 1 túi ma túy. Một trong những người tiếp cận chiếc xe và đối tượng ma túy năm ấy, là Trung tá, thương binh Phạm Như Trường. Đối tượng bị bắt giữ là Vũ Lê Nguyên (46 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cùng tang vật 1kg ma túy.

Trung tá Phạm Như Trường bị thương và được công nhận là thương binh trong trận đánh bắt đối tượng Dư Ngọc Vượng (trú tại thôn Ngoại Đô, xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Vượng nghiện ma túy nặng, lại có 2 tiền án về tội danh ma túy nên có rất nhiều cách để biến nơi ở thành điểm bán ma túy với bình quân mỗi ngày 50 - 70 đối tượng nghiện. Lính phòng chống tội phạm về ma túy được tung vào trận và trên tuyến đầu có Trung tá Phạm Như Trường.

Hết sức kỳ công để Trung tá Phạm Như Trường cùng đồng đội dựng lên được đường vào “ma trận” của đối tượng. Đó là căn nhà có 3 lớp cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Ma túy được Vượng nhét vào một ống nhựa, khi con nghiện đưa tiền thì ma túy sẽ được chuyển ra qua đường ống nước phía sau nhà vệ sinh. Xung quanh nhà Vượng đều là những người thân quen, bên cạnh đó đối tượng còn xây hệ thống tường rào cao khoảng 2,5m gắn chi chít mảnh thủy tinh.

Buổi chiều tháng 4-2016, Ban chuyên án triển khai kế hoạch cất vó. Trung tá Phạm Như Trường khi ấy đeo hàm Đại úy, cùng đồng đội vượt bức tường thủy tinh ập vào. Cho đến khi hoàn tất khống chế đối tượng, thu 24 gói heroin và ngăn chặn việc tẩu tán tang vật, Trung tá Phạm Như Trường mới nhận ra vết thương đang đầm đìa máu trong quá trình vây bắt tên tội phạm. Vết thương ấy sau đó khiến anh phải nhập viện phẫu thuật điều trị và đến tận hôm nay nó vẫn đều đặn… trở chứng mỗi khi thời tiết thay đổi.

“Tội phạm ma túy không tên nào không nguy hiểm. Mình không kiên quyết tấn công thì đồng đội của mình cũng sẽ làm” - Trung tá Phạm Như Trường đúc kết. Và anh cảm thấy điều đó như một động lực để những người lính chống tội phạm ma túy càng thêm quyết tâm dấn thân.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Trong đội ngũ chỉ huy của 21 công an phường thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) có một cái tên rất nữ tính: Sơn “công chúa”. Đó chính là Trung tá Nguyễn Hoài Sơn - Trưởng CAP Ô Chợ Dừa. Thế nhưng, trò chuyện với nhân vật có “nick name” thú vị ấy lại tuyệt nhiên chẳng thấy nét “công chúa” nào. “Có lẽ hồi mới vào nghề, da mình trắng nên được anh em gọi tếu vậy. Hay cũng có thể do mặt mình trông hiền lành nữa…” - Trung tá Nguyễn Hoài Sơn dí dỏm.

Rạng sáng 27-11-2016, Trung tá Nguyễn Hoài Sơn đóng vai lái xe taxi để tham gia cuộc giải cứu một nữ bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai bị khống chế, bắt cóc. Khi lâm vào đường cùng, kẻ bắt cóc tay lăm lăm dao sẵn sàng tấn công bất cứ ai có ý định tiếp cận gã. Có lẽ do vẻ ngoài mang dáng dấp “công chúa” nên Trung tá Nguyễn Hoài Sơn đã loại bớt được phần nào sự cảnh giác của đối tượng. Tên tội phạm “cho phép” Trung tá Sơn lái xe đưa gã rời khỏi bệnh viện sau khi yêu cầu anh móc hết túi quần, túi áo xem có giấu súng hay không.

Quãng đường di chuyển mới chỉ được có mấy trăm mét, lợi dụng sơ hở của đối tượng, Trung tá Sơn đã tước được con dao sắc lạnh mà gã đang kề cổ con tin. Và cũng chỉ trong tích tắc, tên tội phạm nguy hiểm đã bị khống chế. Tuy nhiên, ngay sau đó Trung tá Sơn được đưa vào bệnh viện cấp cứu bởi trước khi chịu thúc thủ, đối tượng đã đâm 1 nhát trúng vùng cổ người lính. Về sau các bác sỹ bảo, nếu con dao đi chệch vài ly thì tính mạng Trung tá Nguyễn Hoài Sơn khó có thể đoán định.

Trận đánh năm nào đối với Trung tá Nguyễn Hoài Sơn giờ chỉ là kỷ niệm đẹp. Nhưng nó giúp anh tôi luyện thêm bản lĩnh người chiến sỹ công an của nhân dân, vì nhân dân trên mọi nhiệm vụ công tác. Phường Ô Chợ Dừa từng được xác định có nhiều tiềm ẩn phức tạp của quận Đống Đa nay đã từng bước ổn định. Đơn vị đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm người chỉ huy thể hiện cụ thể, rõ ràng. Công tác hàng năm đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Kết quả ấy có đóng góp quan trọng của người thương binh Nguyễn Hoài Sơn.