Vệt sáng của ký ức

(ANTĐ)- Rừng Xiêm Riệp, Campuchia. Dạo ấy vào mùa mưa.

Vệt sáng của ký ức

(ANTĐ)- Rừng Xiêm Riệp, Campuchia. Dạo ấy vào mùa mưa.

Gió vụt qua ngàn lá, xé toang nền trời xám chì thành nước quãi xuống xối xả, thế gian trắng bụi mưa. Từ muôn ngả lũ dồn về, mỏm đồi tiểu đội bộ đội tình nguyện trú chân bỗng thành ốc đảo. Cái khe dưới chân đồi đã đầy lắm nhưng nước vẫn hằm hè, muốn nhổm lên vùi lấp tý chon von đất trên kia. Lính ta hãi, cánh nữ dân công tải lương bị kẹt lại càng rúm ró. Chốc chốc lại có cây khộp già bị quật tung gốc lôi phăng đi.

Trên lán tạm, mọi người ngao ngán nhìn trời, nhìn nước rồi nhìn Đông. Chiếc sạp tre cu cậu nằm rung lên từng hồi bần bật, thỉnh thoảng có ai đó rên rỉ: “Nó lại đái ra máu” cả lán xúm lại, lặng người. Từ gầm sạp, dòng chất lỏng đỏ quạch cứ tong tong nhỏ xuống, Đông vật vã.

Giời đày! Đang cơn thủy vượng thế này lại lăn ra ốm. Suốt tháng luồn rừng choảng nhau với Pôn Pốt cả chục trận chẳng sơ sảy, giờ về chốt an toàn lại ăn đòn của muỗi. Trong rừng lính hãi nhất là muỗi, muỗi như trấu vãi, con nào con ấy cứ trùi trũi, mầm mẫm, nằm phục kích vài buổi về mà không bị sốt rét mới là chuyện lạ, nhưng sốt rét cũng có dăm bảy kiểu, loại thường thì vài viên ký ninh là cắt cơn, nhưng sốt “xuất huyết cầu tố” - nghĩa là đái ra máu thì thực sự kinh, chết mười mươi nếu không cấp cứu kịp thời. Đông sốt cao, lẽ ra tiểu đội đã cáng đưa cu cậu ra trạm xá tiền phương cách đó mấy giờ đi bộ, ngặt nỗi nước to quá, có cánh cũng chẳng thể bay ra, đành nhìn Đông quằn quại, lưỡi hái của thần chết đang từ từ kề vào cổ anh.

Thương Đông còn trẻ quá, mới 18 tuổi cậu trai Hà thành buông sách bút, theo bạn tòng quân. Vài tháng huấn luyện qua nhanh, trung đoàn anh nhận lệnh tác chiến giải phóng Phnômpênh, những tháng tiếp theo các anh lại xuôi ngược tìm diệt tàn quân Khơ me đỏ. Trận mạc liên miên, anh em thương vong không ít, vậy mà Đông ra bom vào đạn cứ như đùa, thoát chết trong gang tấc cả chục trận, cao số đến thế là cùng. Nhưng lần này, có lẽ thần may mắn không đến nữa, đã ba ngày trời anh vật vã, rên rỉ. Thằng đồng hương Hà Nội không thể chịu đựng hơn, ghé tai thì thào: “Hay để tao cho mày một viên, đi nhanh đỡ khổ Đông ơi”, tiểu đội trưởng trừng mắt, tất cả nín lặng, òa vỡ rồi lại khắc khoải, chờ đợi điều kỳ diệu nào đó lại đến...

Đêm thứ tư, chiếc đèn bão treo ở cửa lán cạn dầu bỗng vụt sáng. Đông cũng tỉnh lại, cả lán vẫn kèn kẹt trong giấc ngủ khó nhọc. Đông hiểu, cái chết đã đến bên anh rất gần, đồng đội đâu có thể làm gì ngoài mấy lời động viên rằng anh hãy cố sống. Trời ơi! Có ai hiểu Đông thèm được sống đến mức nào không, chưa bao giờ cái khao khát ấy thiêu đốt anh đến thế, anh muốn sống, dẫu què cụt cũng được - chỉ cần trở về được đến nhà. Ngày Đông nhập ngũ, mẹ đã không còn nước mắt để khóc nữa, anh là con út... Cuộc chiến này rốt cuộc sẽ về đâu? Anh sẽ nằm lại nơi nào trên mảnh đất xa lạ này? Vậy là hết, chẳng thà dính vài viên đạn địch, không kịp cảm nhận cái đau, chứ chết thế này, buồn quá! Từ khóe mắt người lính bất giác bò ra chút gì ươn ướt, xa lạ...

Đột nhiên, có bàn tay ai lay lay vai Đông, thì thào: “Đằng nào chả chết, dám vượt lũ không tau đưa đi?”. ánh đèn đỏ ối hắt vào khuân mặt khắc khổ đối diện, Đông tỉnh hẳn, hất chăn ngồi dậy. Trước mặt, bà tổ trưởng dân công hỏa tuyến đang đứng nhìn anh chờ đợi. Bâng quơ, Đông hỏi:

- Vượt lũ à? Bằng gì?

- Tau đưa mi đi - người đàn bà quả quyết.

- Bơi à?

- Bơi!

- Ha, ha - đột nhiên Đông thổ ra tiếng cười khô khốc, mệt nhọc. Buồn cười quá, một bà chị ốm tong teo lại định dìu ông lính to gấp rưỡi vượt lũ!

Cách này tiểu đội đã đặt ra, nhưng khả năng thành công là bằng không. Ơ mà, đằng nào chả chết, chết trong hy vọng thú hơn là chết mòn trong tuyệt vọng! Vả lại, chết kiểu này có bạn cũng đỡ lạnh lẽo. Cái nhỏ nhen, ích kỷ đến tột độ khi ở ranh giới giữa sống và chết, cùng bản năng sống rất động vật bốc cháy ngùn ngụt, nụ cười chua chát trên môi Đông vụt tắt, nhìn “bà góa” - anh hay gọi chị ta như vậy, vì chị hơn anh dễ có đến chục tuổi, tính lại khó như ma, Đông hỏi dồn:

- Đưa tôi đi cầm chắc là chết, sao chị phải liều vậy? Có chắc sang được bờ không?

- Tau không biết. Tau không thể nhìn mi chết từng ngày được, có chết tau chết với mi.

- Đi!

Đông bước xuống sạp, vẹo vọ. Người đàn bà ghé vai, khó nhọc vắt cánh tay của Đông qua cổ mình, vơ lấy chiếc cọc mùng làm gậy, chị từng bước dìu anh đi xuống chân đồi. Nhận ra con mồi, dòng lũ réo ùng ục chờ đợi...

...

Chuyện thật lạ lùng xảy ra ở bờ bên kia, xế trưa hôm sau, mấy cô gái Khơ me đi hái măng rừng tìm thấy anh lính tình nguyện và một phụ nữ, tay trong tay, kẹt lại giữa chùm rễ cây mọc vươn ra ven dòng lũ. Cả hai cùng bất động, thoi thóp.

Mất bốn ngày trên giường bệnh ở trạm xá tiền phương, Đông mới lơ mơ tỉnh lại, trong ký ức của anh vẫn ùng ục tiếng nước réo, tiếng bà dân công quát “bám chặt lấy tau”, anh nhớ đã phó thác tất cả cho đôi vai gầy guộc của người đàn bà ấy, chiếc cọc màn, bản năng sống kỳ diệu lúc ấy và một cái gì đó Đông không thể gọi tên ra được... đã dìu họ lặn ngụp tới lúc đến bờ bên kia. Phải bốn hôm nữa chị mới tỉnh, anh lao đến bên chị rồi lùi lại. Lúc này, sự sống đã tràn ngập, lung linh. Đông lại phân vân, anh tự hỏi: Chị là ai? Là mẹ? Là chị? Hay thiên thần? Vì lẽ gì mà người đàn bà mỏng manh ấy dám chết để đưa anh về cõi sống? Đông không lý giải nổi, chỉ thấy mình đã nhỏ nhen, ích kỷ đến thảm hại trước một tấm lòng.

Chị nằm thiêm thiếp, trông chị đẹp quá, đẹp hơn mọi người phụ nữ anh từng gặp. Một cảm giác kỳ lạ dạt sóng trong Đông - anh thấy yêu chị vô cùng. Tình yêu ấy không phaỉ là một sự báo ơn, nó không tẻ nhạt như thế. Thật trang trọng, Đông tiến đến, đặt vào khuôn mặt vẫn còn bợt ra vì nước ấy một nụ hôn đầu đời của thằng con trai. Với anh, việc ấy thiêng liêng lắm, nó mạnh hơn bất cứ mọi tuyên bố, cam kết nào trong rừng. Chị hé mở mắt, ngạc nhiên khi anh nói sẽ lấy chị làm vợ khi trở về đất mẹ.

Quê chị miền trung cát trắng, nghèo xác xơ, lớn lên xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, chị vào dân công rồi theo bộ đội hành quân sang nước bạn và ở miết trong rừng. Trong trung đội nữ dân công tải lương chị là cả, gần “băm” rồi nhưng với chị hạnh phúc đôi lứa vẫn là cái gì đó thật xa xăm. Bộ đội chết nhiều quá, người đàn ông chị mến cũng đã ra đi trong một trận đánh. Chị đau đớn, âm thầm vật vã, từ đó chị đâm sợ nỗi đau chia cắt mất người thân, có lẽ vì thế mà chị không muốn Đông chết, từ lúc trên lán chị đã miên man, xót xa cho Đông còn trẻ, còn có gia đình ở Hà Nội, hết chiến tranh còn phải về đi học. Rồi chị đã làm cái điều chị cho là đáng làm. Chị thương nó. Bây giờ nó lại nói sẽ lấy chị làm vợ, chị hiểu là nó không đùa, thằng này là chúa ngang tàng nhưng cương trực, nó nói là thật đấy. Cứu nó rồi, giờ giật mình cũng thấy hãi, mình cũng phải về quê chồng con như mọi đứa con gái chứ. Nó tỏ tình bất ngờ quá, mà nó cũng đẹp trai, to khỏe đấy, lấy nó chắc cũng đỡ khổ. Người đàn bà trong chị trỗi dậy, chị thèm được yêu thương, được che chở như ai.

Tựa đầu vào ngực anh, trong niềm vui bất ngờ mà giản dị ấy, chị nhận lời lấy Đông.

...

Trong lễ rút quân tình nguyện năm đó, có tên Đông và chị, họ vẫn đinh ninh lời ước hẹn ở trạm xá tiền phương ngày nào, họ bắt đầu bàn nhau lo chuyện tiền nong cho lễ cưới. Về đến Hà Nội, ngày ngày Đông xoay trần chữa xe đạp ở hè phố còn chị về quê buôn len. Dạo ấy ngăn sông cấm chợ, buôn len là việc phi pháp, là chuyện tày đình, nhưng rất có lãi. Chị theo, mỗi chuyến mua len từ biên giới về bán lại lãi gấp đôi, gấp ba. Ngày cưới đến gần, chị dốc vốn “đánh” một quả đậm, định bụng kiếm thêm ít tiền trang trải cho đám cưới thêm tươm tất.

Đêm hôm ấy tàu về đến ga Hà Nội, chị xách bọc len 27 cân luồn lách qua những toa xe bỏ không chuồn ra đầu ghi, mọi lần chị toàn đi như thế. Bỗng có tiếng quát: “Con này, đứng lại! ”. Chết rồi! Lão mặt mụn! Giật mình thảng thốt, chị nhận ra đó là lão cán bộ quản lý thị trường ga - hung thần của cánh buôn chuyến. Năn nỉ mãi nhưng gã vẫn ôm khư khư bọc len của chị trên tay, bỗng mắt gã lóe lên tia bí hiểm, cười cười cợt cợt rồi bảo: “Muốn thả hàng phải cho tao... một cái, nhất trí thì lên toa xe trống đằng kia!”. Quân khốn nạn, đồ bẩn thỉu! Nhưng nếu mình không nghe, hàng nó thu hết thì lấy gì mà lo đám cưới, tiền của một đống đang trong tay nó, thôi thì đã “chót phải chét” cho xong - người đàn bà buôn chuyến trong chị tự nhủ.

No xôi chán chè, gã cán bộ mất nết vất lại bọc len, kéo khóa quần huýt sáo bỏ đi, chị ngồi lại, ê chề: Mình đã làm gì vậy? Trời ơi! Len ơi là len! Vất lại bọc len chỏng chơ dưới sàn toa tầu vắng, chị chạy thục mạng đến nhà anh. Thuật lại câu chuyện, ngẹn ngào chị xin anh hãy quên không còn có chị trong đời, chị không xứng. Nói rồi, chị vụt biến vào bóng đêm. Đông bàng hoàng, khi sực tỉnh thì chị đã không còn ở đó nữa...

Những năm tháng còn lại, Đông vẫn lang thang, đau đáu tìm chị. Lâu lâu, lại có tin, khi thì tả ngạn sông Hồng, lúc bờ bắc sông Lam... người ta vớt được xác phụ nữ trôi sông, dân địa phương chôn cất, khói nhang tử tế.

Mỗi lần được tin, ruột gan theo thắt, cồn cào. Đông chỉ muốn tin, rằng ở một góc biển, chân trời nào đó, chị vẫn bình an, khỏe mạnh, rồi thời gian cũng khâu lành vết thương lòng ấy... Nhưng, nếu chẳng may, trong số những người đàn bà bạc mệnh hay quyên sinh kia, có chị - thì với anh, đó chỉ là sự ra đi của một thân xác, của cái hữu hạn trong sự vô cùng là tình yêu thương của chị đã dành cho cuộc sống và cho anh. Mà cái vô cùng ấy đâu có thể chết, nó sẽ sống mãi, dẫu cho chớp bể mưa nguồn thế nào.

Đến như dòng lũ Xiêm Riệp ngày ấy, hung tợn nhường vậy cũng đã phải oằn mình, cung tiễn tấm lòng của một người đàn bà như thế.

Truyện ngắn của Đào Trung Hiếu