Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh hoạ Trần Văn Cẩn (13-8-1910/13-8-2010):
Vệt sáng chiếu rọi
(ANTĐ) - “Danh hoạ Trần Văn Cẩn với tôi còn là một người thầy. Hai thầy trò chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm khi tôi là một trong những học trò của thầy. Tôi luôn biết ơn thầy, người thầy có ý nghĩa quyết định đưa tôi đến với sự thành công trong hội hoạ”. Đó là lời tâm sự của Giáo sư Trần Huy Oánh - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam khi ông nhớ lại những cảm xúc về một người thầy, một danh họa tên tuổi của Việt Nam - Trần Văn Cẩn. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa, Báo ANTĐ xin được ghi lại những lời tâm sự của người học trò này.
Chân dung hoạ sỹ Trần Văn Cẩn do GS Trần Huy Oánh vẽ năm 1983 |
“Nó dạy nó”
Khi tôi học hệ Trung cấp Mỹ thuật của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, thì thầy Trần Văn Cẩn đang giữ trọng trách Hiệu trưởng. Chúng tôi là những học sinh khoá II của trường Mỹ thuật kể từ khi hoà bình lập lại. Khi ấy, học cùng lớp với tôi có nhiều anh chị em đã vẽ rất thành thạo. Họ là những cán bộ văn hoá, học sinh mỹ thuật đang học dở tại trường thì đi kháng chiến rồi quay lại học. Bản thân tôi là “chân trắng”, vẽ còn non nớt. Nhìn các anh chị vẽ ngang dọc trên giấy mà tôi thấy hoang mang, không biết mình làm thế nào để theo được họ. Thế nhưng, thầy Trần Văn Cẩn đã xuất hiện và mang lại cho tôi sự vững tâm.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh của thầy trong giờ thực hành vẽ mẫu năm ấy. Thầy đang sửa một bài vẽ lem nhem cho một anh bạn cùng lớp tôi học. Tôi thấy thầy ngồi rất lâu trước giá vẽ ngắm nghía mẫu vẽ mà không vội vàng sửa ngay. Thầy cầm que đo, dây rọi nâng lên đặt xuống. Vẫn chưa vội vàng vẽ. Thấy lạ, tôi dừng việc, lại gần đứng sau giá vẽ nhìn thầy dạy học trò. Lúc đó, tôi đã nghĩ: “Tưởng thế nào, chứ thầy mà cũng phải dùng que đo và dây rọi để vẽ thì có gì cao siêu”. Thế rồi, thầy bắt đầu vẽ, nét nào trúng nét ấy. Mỗi nét vẽ thầy đặt xuống tôi thấy như một vệt sáng chiếu rọi trong trí óc tôi. Tôi mừng vì mình đã nắm được phương pháp vẽ. Và cứ vẽ theo phương pháp ấy, từ một học sinh cuối bảng tôi đã vươn lên đứng đầu lớp ở năm thứ 2 hệ trung cấp.
Thầy Cẩn có vóc dáng cao lớn như người nước ngoài, sống mũi cao và thẳng nhưng đi đứng nhẹ nhàng. Tính thầy điềm đạm, kiệm lời, các học trò rất tôn trọng và nể phục ở đức độ và tài năng của thầy. Khi dạy học, bài vẽ nào đạt, thầy không tán dương nhiệt liệt mà chỉ nói nhỏ “đẹp”, “tốt”. Còn bài nào chưa tốt thầy sẽ sửa nhưng là sửa thị phạm chứ không vẽ hộ. Phương pháp lấy “nó dạy nó” của thầy đã được tôi tiếp bước khi trở thành giảng viên của trường sau khi tốt nghiệp cho đến tận ngày hôm nay khi đã trở thành Giáo sư, và từng làm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bản thân tôi thấy đó là một phương pháp dạy học hay. Nghệ thuật không giống như các ngành khoa học chính xác. Sự phát hiện của học trò là điều đáng khích lệ và người thầy cần biết khuyến khích và dùng chính sự phát hiện đó để làm học sinh vỡ vạc ra nhiều điều.
Một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp
Những ngày mới đi làm, tôi ở nội trú trong trường, còn vợ con ở quê. Thầy Cẩn ở một mình trong ngôi nhà dành riêng cho Hiệu trưởng cạnh trường nên những lúc rảnh rỗi tôi thường xuyên qua chơi thăm thầy. Ngôi nhà được bày biện đơn sơ. Tầng 1 chỉ đặt 1 chiếc bàn và 2 chiếc ghế để chủ khách cùng ngồi đàm đạo và tuyệt nhiên trong nhà không có giường. Tầng 2 thầy dành để nơi làm việc, và có một chiếc thảm trải làm giường rồi lại được cuốn lên gọn gàng mỗi khi thức dậy. Mọi công việc từ nội trợ đến giặt giũ quần áo thầy đều tự tay làm. Vì thế, thầy nấu ăn rất ngon và khéo. Cho tới giờ, rất nhiều học sinh vẫn còn nhớ các món ăn do thầy tự tay làm trong các chuyến đi ngoại khoá. Nhiều người nghĩ, thầy là danh hoạ chắc rất giàu có nhưng những năm tháng ấy, sự ưu ái của Nhà nước cũng chỉ giúp thầy có được cuộc sống vừa đủ. Tác phẩm thầy vẽ rất nhiều nhưng chỉ có một địa chỉ duy nhất mua tranh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi nhớ, có lần triển lãm, Bảo tàng mua toàn bộ tranh của thầy mà số tiền mang về chỉ đủ để mua một chiếc tủ lạnh và mời anh em bạn bè đến ăn vài bữa đã hết veo.
Tác phẩm sơn dầu nổi tiếng “Em Thuý” của danh hoạ Trần Văn Cẩn |
Thầy Cẩn rất yêu thích thiên nhiên pha chút lãng mạn. Năm 60 tuổi, thầy còn đạp xe từ Hà Nội đi gần 100 cây số về quê tôi ở gần Nam Định chơi dưới cái nắng tháng 8 cháy rám trái bưởi. Rồi 2 thầy trò cùng nhau rong ruổi trên 2 con “chiến mã” bằng sắt vào tận Thanh Hoá thăm học trò đang thực tập. Trong chuyến đi ấy, tôi mới thấy thầy Cẩn lãng mạn, lịch lãm và say nghề như thế nào. Thầy không những chỉ nhạy cảm với cái đẹp, với phong cảnh hữu tình, con người trong chiến đấu mà thầy còn “bắt sóng” rất nhạy với 2 từ “hạnh phúc”.
Chả là, đi đến đâu, nhìn từ xa thấy ngôi nhà có khung cảnh đẹp lại cảm thấy hạnh phúc, 2 thầy trò mới xin nghỉ nhờ. Và khi bước chân vào ngôi nhà đấy mới thấy linh cảm của thầy là đúng. Thầy rất chịu khó ghi chép bằng ký hoạ. Vẽ đâu được đấy. Đến xã Hoàng Trường, Thanh Hoá, nơi có lão dân quân bắn rơi máy bay trong kháng chiến chống Mỹ, 2 thầy trò đã ghi chép được hòm hòm tư liệu về các anh chị dân quân. Để rồi từ đấy, mỗi người đều có tác phẩm cho riêng mình. Thầy tôi có bức “Lão dân quân” rất nổi tiếng được sáng tác bằng những cảm xúc và ghi chép thực tế của ông. Còn tôi thì có tác phẩm khắc gỗ “Ông cháu”. Với cách ứng xử nho nhã, thầy được nhiều người dân quý mến. Và thầy trân trọng khi tặng các tác phẩm của mình cho các cụ dân quân. Vẽ xong thầy không tặng ngay mà đem về Hà Nội đóng khung cẩn thận rồi mới gửi theo đường bưu điện kính tặng. Đó là một chuyến đi quá nhiều kỷ niệm với tôi. Và người thầy tôi yêu quý đã dạy tôi nhiều điều về nghệ thuật, cuộc sống và cách ứng xử. Luôn là một phong thái điềm đạm, lịch sự và nghệ sỹ chuẩn mực.
Phạm Thu Hương (Ghi)