Cổng vào và mặt tiền ngôi nhà
Lạc vào một thế giới khác
Bước qua cánh cổng kiên cố theo đúng kiểu kiến trúc Pháp, ngôi nhà cổ Bình Thủy nổi bật trên một khoảng sân rộng, được bao bọc bởi chùm hoa đủ màu, các chậu cây cảnh quanh năm xanh tốt. Đi men theo dọc cầu thang hình cánh cung bước vào ngôi nhà, du khách có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Mọi vật trong ngôi nhà thu gọn trong kiến trúc cổ được sắp đặt theo lối truyền thống.
Theo lời chị Nguyễn Hồng Thắm, hướng dẫn viên tại đây thì nhà cổ Bình Thủy vốn là công trình của gia đình họ Dương xây dựng với mục đích thờ tự. Bình Thủy được xây dựng trên một khoảnh đất rộng 6.000m2 vào năm 1904 và đến tận 7 năm sau, tức là năm 1911 mới hoàn thành. Dương Chấn Kỷ, một thương gia trí thức giàu có chính là chủ nhân của Bình Thủy. Với đầu óc tân tiến, ông đã nghĩ ra việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa đặc trưng kiến trúc Tây Âu cho dáng vẻ bên ngoài ngôi nhà, nhưng bên trong tuyệt nhiên là kiến trúc thuần Việt.
Ở gian nhà giữa, chủ nhân của Bình Thủy bố trí làm nơi thờ tự, gồm các bàn hương án, khánh thờ, liễn… được làm bằng gỗ khảm xà cừ. Toàn bộ căn nhà được nâng đỡ bởi 24 chiếc cột làm bằng gỗ căm xe, cà chất đặt trên các bệ đá, kết nối với hệ thống vì kèo truyền thống đặc trưng của kiến trúc Nam bộ.
Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa thời kỳ đó. Nhà sau tách biệt hẳn với gian thờ tự, là nơi ở của con cháu dòng họ Dương cho đến tận bây giờ. Hiện nay, trong nhà cổ Bình Thủy còn lưu giữ nhiều dấu vết của chủ nhân ngôi nhà như bức ảnh ông Dương Chấn Kỷ treo trên bệ cửa ra vào hay gia phả dòng họ Dương…
Một bí kíp khi xây nhà
Có một điểm lý thú là tọa lạc ở vùng khí hậu nóng, ẩm quanh năm nhưng bước vào căn nhà cổ Bình Thủy, du khách luôn cảm thấy mát mẻ dẫu trong nhà không hề có sự xuất hiện của quạt máy hay điều hòa nhiệt độ. Hỏi ra mới biết ngôi nhà được xây cách mặt đất đến 1m, được đổ một lớp muối hột trước khi lót nền bằng gạch. Ngoài ra, công trình cũng được lợp tới 3 lớp ngói, trong đó lớp ngói cuối cùng được lót vôi bột trắng cũng với tác dụng cách nhiệt, tạo sự thông thoáng, mát mẻ cho cả không gian.
Nhà cổ Bình Thủy với nhiều nét kiến trúc pha trộn Đông - Tây
Nếu nhìn tổng thể có thể thấy nhà cổ Bình Thủy vừa mang dáng dấp sang trọng, quyền quý vừa toát lên vẻ tao nhã, hòa hợp tuyệt đối với không gian xung quanh. Có được điều này là do chủ nhân ngôi nhà rất chú ý đến bài trí cảnh quan, khi cho trồng rất nhiều loài hoa, cây cảnh. Chẳng thế mà nơi đây còn được ví von là Vườn lan Bình Thủy, do hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ Dương là ông Dương Văn Ngôn rất mê và trồng nhiều hoa lan trong vườn. Hiện nay, nhà cổ Bình Thủy đã trở thành một điểm tham quan ưa thích với du khách khi đặt chân đến thành phố Cần Thơ. Năm 2009, nhà cổ Bình Thủy được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Quốc gia.
Dấn ấn bộ phim “Người tình” trong căn nhà
Đậm nét văn hóa xưa
Không biết có phải do kiến trúc độc đáo, Đông - Tây quện hòa mà vẫn đậm chất Nam bộ hay không mà nhà cổ Bình Thủy rất có duyên với các dự án điện ảnh. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất được bấm máy tại đây đó là “Người tình” (L’Amant) - bộ phim kể về mối tình trái ngang của một cô gái người Pháp và một người Hoa giàu có, do đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud thực hiện.
Hỏi ra mới biết một trong những lý do quan trọng mà đoàn làm phim thời điểm đó quyết định chọn ngôi nhà cổ này để khởi quay vì chính dấu ấn văn hóa xưa đậm nét của nó. Để quay một vài cảnh ở đây, đoàn làm phim đã mời nhà văn Sơn Nam đi cùng để sắp xếp lại bàn thờ trong ngôi nhà cho phù hợp bối cảnh, hay để tư vấn một loại vải gấm để may màn. Cảnh quay tốn kém nhất phải là đêm mưa gió khi chàng trai Hoa kiều (do diễn viên Lương Gia Huy thủ vai) quỳ lạy cha mình để xin lấy cô gái Pháp (Jane March đóng).
Ê-kíp đã phải căng vải trắng lên toàn bộ khu vườn rồi dùng vòi rồng phun nước lên để có được khung cảnh não lòng như trên phim. Đến sau này, đạo diễn Jean-Jacques Annaud cũng rất cảm kích trước thịnh tình của chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Minh Hiển, một người theo ông là rất “ý nhị và lịch lãm”, nhất là ông đã cho phép hàng chục, hàng trăm con người sục sạo từng ngõ ngách ngôi nhà để lấy từng góc máy ưng ý. Được biết, ông Dương Minh Hiển cũng rất rộng rãi khi chỉ lấy 4 triệu đồng cho tổng cộng 10 ngày quay...
Không quá lời để nói rằng chính nhờ sức ảnh hưởng của bộ phim “Người tình” mà nhà cổ Bình Thủy đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng và lọt vào “mắt xanh” của nhiều đạo diễn phim truyện lẫn điện ảnh. Sau này, những “Công tử Bạc Liêu”, “Những nẻo đường phù sa”, “Người đẹp Tây Đô”, “Nợ đời”… cũng lần lượt lấy bối cảnh quay tại nhà cổ Bình Thủy. Và chẳng thể phủ nhận, nhà cổ Bình Thủy đã góp phần lột tả, tô đậm chất đằm thắm, duyên dáng, nghĩa tình rất Nam bộ trong các thước phim của Việt Nam và thế giới.