VCCI: Không nên giới hạn lập văn phòng công chứng ở khu đông dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc quy định phát triển tổ chức hành nghề công chứng căn cứ theo điều kiện kinh tế- xã hội là đưa quy định đã bãi bỏ ở các văn bản trước vào dự thảo mới, không phù hợp pháp luật về quy hoạch.
Nên xem xét lại một số điều kiện thành lập văn phòng công chứng

Nên xem xét lại một số điều kiện thành lập văn phòng công chứng

Tại bản góp ý cho dự thảo Luật Công chứng của Bộ Tư pháp, VCCI cho hay, so với quy định hiện hành, dự thảo bổ sung thêm điều kiện để thành lập tổ chức hành nghề công chứng theo hướng “Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bổ dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập”.

Quy định này có tính chất là quy hoạch đối với ngành nghề công chứng – quy định đã được bãi bỏ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch năm 2018; để phù hợp với pháp luật về quy hoạch.

“Việc dự thảo bổ sung lại quy định dạng này là chưa phù hợp với tinh thần của pháp luật về quy hoạch”- VCCI nêu quan điểm.

Mặt khác, theo nội dung tại Tờ trình “sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng bị bãi bỏ, xuất hiện xu hướng hàng loạt Văn phòng công chứng xin chuyển về đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có Văn phòng công chứng hoạt động.

Một số Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh”. Đây có thể là lý do Dự thảo quay trở lại quy định về quy hoạch trên.

“Hành nghề công chứng” là một ngành nghề kinh doanh (thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư). Vì vậy, dựa vào nhu cầu của thị trường, công chứng viên sẽ thành lập văn phòng công chứng ở những nơi có nhiều khách hàng.

Việc chuyển dịch các văn phòng công chứng về đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã là xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Điều đó cũng cho thấy, trước đây việc Nhà nước áp đặt quy hoạch về số lượng của Văn phòng công chứng theo địa bàn là chưa thực sự phù hợp, can thiệp vào thị trường.

Hơn nữa, theo quy định tại Luật Công chứng, bên cạnh hình thức là văn phòng công chứng do tư nhân thành lập thì còn có Phòng Công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp) do Nhà nước thành lập.

Nếu nhận thấy sự thiếu vắng văn phòng công chứng ở một số địa bàn dẫn tới việc người dân gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục công chứng, địa phương có thể thành lập các phòng Công chứng.

“Dự thảo bổ sung điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng ở trên là chưa phù hợp với pháp luật về quy hoạch, chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên tại khoản 1 Điều 17 và khoản 4 Điều 17 Dự thảo, bỏ cụm từ “phải phù hợp với Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành” tại khoản 1 Điều 23 dự thảo”- VCCI đề xuất.

Ngoài ra, VCCI còn cho rằng không rõ tại sao Khoản 3 Điều 21 dự thảo cấm việc đặt tên gọi bằng tiếng nước ngoài. Những giới hạn về đặt tên khác tại dự thảo được hiểu là để ngăn chặn việc gây nhầm lẫn hoặc tác động đến những yếu tố về văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục trong việc sử dụng tên của Văn phòng công chứng, còn vấn đề về tên nước ngoài, dường như không ảnh hưởng đến những yếu tố này. Do đó, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định này.