"Văn nghệ sĩ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong sáng tác VHNT giai đoạn hiện nay"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng ngày 19/5, kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Văn nghệ sĩ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong sáng tác VHNT giai đoạn hiện nay".  

Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định, học tập và làm theo lời Bác dạy, trong đời sống văn nghệ đã hình thành lớp lớp văn nghệ sĩ chiến sĩ đã hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút của mình phục vụ cho cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Nhiều văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến với tiền tuyến lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà và nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến giành lại độc lập, tự do cho non sông, đất nước.

Đất nước ta qua hơn 30 năm đổi mới, bằng những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước kịp thời, năng động, đã từng bước đưa nền kinh tế phát triển khởi sắc; đời sống người dân có nhiều thay đổi, từ chỗ nhà nhà, người người phải tập trung lo “Cơm no - áo ấm”, giờ đây đã chuyển sang nhu cầu “Ăn ngon - mặc đẹp”, thậm chí cao hơn thế là “Ăn kiêng - mặc model”. Tuy nhiên, khi bài toán kinh tế đã và đang giải quyết có hiệu quả thì vấn đề hình thành nhân cách, đạo đức xã hội lại có chiều hướng đi xuống khiến toàn xã hội phải đặc biệt quan tâm, vì đây là vấn đề được xem là gốc rễ, cốt lõi của sự phát triển đất nước bền vững. Vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật được quan tâm, bàn thảo trên nhiều diễn đàn nghị sự.

Trước hết cần nhìn thấy những hạn chế của hoạt động - sáng tác VHNT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học nghệ thuật còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm: ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt chưa tương xứng với vai trò, vị trí của nó; một số tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ còn nhiều bất cập, hạn chế, nội dung và phương pháp lãnh đạo chậm đổi mới…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

"Văn nghệ sĩ Thủ đô cần nghiêm túc lao động sáng tạo và có những quan tâm đặc biệt trong hoạt động, sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật. Trước mắt, đề tài viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận như các văn nghệ sỹ thế hệ đi trước đã có nhiều tác phẩm sáng tác thành công, lay động muôn triệu trái tim là góp phần để cuộc vận động học tập và làm theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu và có tính lâu dài trên diện rộng", NSND Trần Quốc Chiêm nói.

Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Trí Trắc đã bàn luận đến đạo đức của người cầm bút. Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, đạo đức của nghệ sĩ sân khấu Thủ đô luôn có 2 phần. Phần 1 là đạo đức của đời sống hằng ngày, như muôn người khác, phải ứng xử với ăn uống, hít thở, vui, buồn và quan hệ với vợ con, bố mẹ, anh em bè bạn, họ hàng, dân tộc, Tổ quốc.... và phải có nghĩa vụ cao cả hoàn thành xuất sắc những mối quan hệ đó bằng tinh thần “hào hoa thanh lịch” của ngàn năm văn hiến.

Phần 2 là đạo đức của người nghệ sĩ mang tính đặc thù trong sáng tạo hình tượng sân khấu đạt đỉnh cao về tư tưởng theo qui luật của cái đẹp Thủ đô. Hai phần này đều có tiêu chí theo tính lịch sử xã hội và trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nghệ sĩ Thủ đô đã đạt được sự hoàn mĩ, thống nhất biện chứng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Vì, họ đã là “nghệ sĩ – chiến sĩ”, đã “phò chính trừ tà”, đã “vì nhân dân quên mình” và những tác phẩm của họ đã “từ nhân dân mà ra”, đã “soi đường cho quốc dân đi” với nhiều hình tượng “con người mới Việt Nam” xuất sắc, để lại ấn tượng lâu bền trong khán giả Thủ đô... Văn nghệ sĩ Thủ đô rất tự hào về một thời gian vàng son của sân khấu cách mạng – sân khấu đã mang đậm nét đạo đức Hồ Chí Minh.

Đất nước bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, hai phần của đạo đức người nghệ sĩ thủ đô có nhiều biến động mạnh mẽ theo xu hướng “thị trường đơn thuần”, đã đề cao cái tôi hơn cái chúng ta, coi trọng cái thực dụng hơn cái lý tưởng “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”… Vì thế, một thời gian dài, phần lớn sáng tạo chủ yếu vào đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại… mà lảng tránh đề tài đương thời, con người đương thời của cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Hiện tượng này đã trái với qui luật: xã hội nào thì văn nghệ như thế.

Do đó, văn nghệ Thủ đô chưa có nhiều tác phẩm “xứng đáng với dân tộc và thời đại”. Nói cách khác, một bộ phận văn nghệ sĩ, tác giả trẻ hiện nay chưa thật sự thấm nhuần và học tập được tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sáng tác.

Đóng góp tham luận tại tọa đàm, họa sĩ, nhà báo Khánh Châm cho biết, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, những lời dạy của Người về văn hoá văn nghệ là những bài học lớn, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Đối với văn nghệ sĩ Thủ đô nói chung, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc Thủ đô nói riêng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Thấm nhuần tư tưởng cùng những lời dạy của Người đối với các văn nghệ sĩ, Hội Mỹ thuật Hà Nội luôn đồng hành cùng Thủ đô trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. Các tác phẩm tạo hình của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã bám sát thực tiễn, phản ánh kịp thời và sinh động đời sống muôn mặt của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hoà bình, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

Buổi tọa đàm còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhà văn Bùi Việt Mỹ, nhà nghiên cứu, phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, Thạc sĩ Phùng Quang Trung... Các ý kiến này đều làm sáng rõ mảng đề tài sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài mang lại nguồn cảm hứng sáng tác bất tận với các văn nghệ sĩ. Việc sáng tạo các tác phẩm VHNT có giá trị cao bên cạnh tài năng của các văn nghệ sĩ còn là đạo đức của người làm nghề được tu dưỡng, rèn luyện cũng thời gian. Trong đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.