Vẫn một câu hỏi lớn

ANTĐ - Đóng góp ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, kỳ họp có quá nhiều nội dung “nặng”, không nên gò bó về thời gian để đáp ứng tâm tư nguyện vọng của cử tri. Cả Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban Khoa học - Công nghệ, Quốc phòng - An ninh, Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình khẳng định cần đảm bảo mục tiêu “lấy chất lượng chứ không quá gò bó về thời gian”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật còn nhấn mạnh, nếu ghép các dự án luật lại vì không đủ thời gian thì không thể đảm bảo được chất lượng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, nhịp đập của Quốc hội phải luôn nhạy cảm với cuộc sống của nhân dân, của đất nước, không thể đứng ngoài cuộc. Trong khi tình hình kinh tế rất khó khăn, trật tự xã hội nhiều bức xúc, cùng đó Quốc hội lại phải cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, nên thời gian họp không thể không tăng lên.

Dẫn chứng một cách cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 10 vị Bộ trưởng và đầu ngành đọc báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3, mỗi người đọc 15 phút là hết 150 phút, thì còn thời gian đâu cho đại biểu hỏi. Đại biểu không có thời gian hỏi, tức là đọc báo cáo cũng không còn mấy ý nghĩa. Với một quỹ thời gian có hạn, với một kỳ họp có quá nhiều vấn đề “nóng”, Quốc hội vẫn ưu tiên lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất, được cử tri và nhân dân quan tâm nhất.

Ngay sau báo cáo dài 17 trang về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 do Thủ tướng Chính phủ trình trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đọc báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, thay vì gửi các đại biểu để “nghiên cứu”. Sự “ngoại lệ” này cho thấy, nạn tham nhũng ngày càng diễn ra nghiêm trọng, với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành; gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Chính phủ thừa nhận, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn nể nang, né tránh. Một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, “quên” trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. Mới có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Thẩm tra Báo cáo này, Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẳng thắn nhận xét, Chính phủ chưa chỉ rõ bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị nào đã làm tốt hoặc chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng. Nếu không chỉ rõ lĩnh vực, ngành nào để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân “đẻ” ra tham nhũng cũng như phương hướng và “vũ khí” phòng chống hiệu quả thì tham nhũng vẫn còn gây bất bình trong nhân dân, làm suy giảm lòng tin. Phó Chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội nhận định, tham nhũng có mặt ở khắp nơi với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc, như thách đố kỷ cương phép nước. Trong các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, đất đai chính là nơi “màu mỡ” nuôi dưỡng tham nhũng. Nói đến tham nhũng không thể không nói đến đất đai và ngược lại.

Đương nhiên, cử tri và người dân cũng quan tâm tới số vụ, số bị can, tội phạm tham nhũng bị xử lý trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng cơ bản, đất đai, và ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Song một câu hỏi lớn vẫn còn “treo” ở đó: Vì sao chưa thể từng bước đẩy lùi tham nhũng?