Văn hóa đọc và ngày hội sách
(ANTĐ) - Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: là chiếc chìa khoá vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới.
Đọc sách, báo đang trở thành một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam |
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hoá đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25-10 đến 16-11-1995), UNESCO (Tổ chức Văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23-4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền Thế giới” (World Book and Copyright Day), trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ.
Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thoả mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hoá, văn minh xã hội của nhân loại. Là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.
Hơn 10 năm qua, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: chiến dịch đặc biệt đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới “Tặng một cuốn sách-tặng một đoá hồng”, “Chia sách cho bạn cùng đọc”… đã thu hút được nhiều người tham gia, nhất là xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện-nhà xuất bản-cơ quan phát hành-và bạn đọc. Đây thực sự là ngày hội của những người yêu quý sách trên khắp hành tinh.
Ý tưởng về “Ngày sách và bản quyền Thế giới” bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23-4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23-4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại.
Ngày này cũng là ngày sinh hoặc là ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, K.Laxness, Vladiamir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejiá Vallejo. Chính vì vậy, UNESCO mong muốn “Ngày sách và bản quyền Thế giới” sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng-những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hoá nhân loại; dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.
Tại Việt Nam, “Ngày sách Thế giới” được tổ chức hàng năm do Hội đồng Anh (British Council) khởi xướng từ hơn 10 năm nay, Trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội-L’espace, Đại sứ quán Tây Ban Nha cũng có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tuyên truyền cho văn hoá đọc. Từ năm 2006 Bộ Văn hoá Thông tin-Thể thao và Du lịch đã quyết định chọn ngày 23-4 hàng năm làm ngày hội đọc sách của Việt Nam, hoạt động này do Thư viện Quốc gia làm chủ trì nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế, nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay.
Hoạt động này đã được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhiều nhà xuất bản, phát hành, trường học từ phổ thông đến đại học, đại sứ quán của nhiều nước bạn, với nhiều nội dung phong phú như: Quyên góp sách tặng trẻ em thiệt thòi và xây dựng thư viện tại các vùng sâu, vùng xa, thư viện tại các vùng biên giới. Thi thiếu nhi vẽ trang theo sách, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Kể chuyện sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp; Trưng bày và bán sách với giá ưu đãi của các nhà xuất bản, trao đổi kinh nghiệm đọc sách, đố vui, bốc thăm trúng thưởng, nói chuyện về cảm thụ văn học, về kỹ năng sống, các hiểu biết xã hội khác.
Các bậc phụ huynh cũng có nhiều thông tin thú vị và mới mẻ về vấn đề “Làm thế nào để khuyến khích con trẻ đọc sách” do các chuyên gia tâm lý giáo dục trình bày và “Đọc sách thúc đẩy trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ em”. Chương trình giao lưu về các bộ sách văn học nổi tiếng trong và ngoài nước… chương trình “Cùng đọc cùng chia sẻ” là những hoạt động mang đậm tính nhân văn và nét văn hoá của người Việt được các thư viện trên cả nước phát động nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng đã để lại dư âm tốt đẹp về một xã hội văn minh, hiện đại. Tuy nhiên nếu được đầu tư và tổ chức chuyên nghiệp hơn, thường xuyên hơn sẽ là những hoạt động văn hoá có ý nghĩa thực sự và kết quả mỹ mãn hơn nữa.
Năm nay, ngày hội đọc sách ở Việt Nam với chủ đề “Chào mừng 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” được tổ chức vào ngày 22-4-2010 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam với sự hợp tác của Cục Xuất bản, nhiều cơ quan phát hành, các trường đại học, đại sứ quán của một số nước với nhiều hoạt động sôi nổi sẽ là dịp để bạn đọc tìm hiểu, tiếp cận với sách báo và khám phá thêm những điều kỳ diệu còn chứa đựng trong kho tàng văn hoá tri thức của đất nước.
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, sự kiện “Ngày sách Thế giới” ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách báo cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội và rất cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để Văn hoá đọc sách luôn là nhu cầu không thể thiếu của những người văn minh trong thời đại ngày nay. Mong muốn “Ngày hội đọc sách” sẽ được tổ chức khắp trên 63 tỉnh, thành nhằm thúc đẩy và tôn vinh những ngành nghề liên quan đến thư viện, xuất bản, phổ biến sách báo trên cả nước.
Ngọc Bích
(Thư viện Quốc gia Việt Nam)