Xét tặng danh hiệu, giải thưởng Nhà nước:

Vẫn chưa có hồi kết

ANTĐ - Hôm qua, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức cuộc họp báo xung quanh việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, danh hiệu NSND và NSƯT năm 2011. Cuộc họp báo được kỳ vọng là sẽ giải quyết hết những thắc mắc của dư luận suốt nhiều tháng qua.

Dù có nhiều cống hiến, và được xét đặc cách, nhưng Bùi Công Duy vẫn không đạt 100% phiếu

Trượt rồi lại trúng

Mọi câu hỏi đều đã được lãnh đạo bộ, cùng các hội chuyên ngành trả lời. Song cũng có nhiều chuyện, càng trả lời càng… rối. Ví như trường hợp của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và nhạc sĩ Ngọc Khuê. Cả hai nhạc sĩ này đều trượt từ vòng xét tuyển đợt 1. Song không hiểu có phải Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngại chuyện kiện tụng không mà “linh động” đưa các nhạc sĩ này vào diện xét tuyển đợt 2. Và ở lần này, cả hai nhạc sĩ đều đàng hoàng có tên trong danh sách trình lên Hội đồng duyệt cấp Nhà nước.

Lý giải về chuyện trượt rồi lại trúng, ông Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, ban đầu các nhạc sĩ này gửi cụm tác phẩm tham gia xét giải. Ở lần xét duyệt đầu tiên, số phiếu mà mỗi cụm tác phẩm đó đạt được không quá 75% nên trượt. Và ở lần xét duyệt thứ 2 (tức là sau khi các nhạc sĩ gửi đơn khiếu kiện), Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã không xét giải theo cụm tác phẩm mà gỡ ra, xét từng tác phẩm cụ thể. Và thế là hai nhạc sĩ lại có “giấy báo đỗ”. Qua trường hợp trên, có thể thấy vì sửa sai, chúng ta đã tạo ra một tiền lệ xấu. Người đã trượt ở vòng 1 (Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL khẳng định công tác chấm chọn hoàn toàn công tâm và minh bạch) thì tại sao lại đưa tiếp vào xét duyệt lần 2? Lần xét tuyển này, có rất nhiều tác giả ở các lĩnh vực như điện ảnh, múa, nhiếp ảnh, sân khấu… tham dự với đề xuất trao giải cụm tác phẩm. Nếu có luật gỡ từ cụm tác phẩm để xét từng tác phẩm cụ thể như việc mà Hội Nhạc sĩ đã làm, thì có lẽ, Hội đồng xét giải cũng nên áp dụng hình thức đó với tất cả các mảng còn lại.

Cuộc họp báo cũng xoay quanh nhiều thắc mắc như trường hợp của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy hay chuyện đề cử Giải thưởng Nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thước. Trường hợp của  Bùi Công Duy được lý giải rằng, anh về Việt Nam chưa được bao lâu, chưa đủ năm cống hiến. Hơn nữa, khi hồ sơ của anh được đưa ra Hội đồng cấp Bộ để xét thì không đủ 100% phiếu bầu (Theo quy chế, người được xét đặc cách phải có đủ 100% phiếu bầu). Hội đồng xét duyệt khẳng định, việc đạo diễn Nguyễn Thước đề cử 3 bộ phim tài liệu gồm: “Sự nhọc nhằn của cát”, “Những công dân @” và “Chất xám” là không sai. Song, nếu không có sự đồng thuận của 2 nhà biên kịch là Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú thì việc xét giải cho đạo diễn Nguyễn Thước cũng phải… chờ.

Còn nhiều điều tiếng

Cũng trong cuộc họp báo chiều qua, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự kiến phương án quy đổi giải thưởng ở các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và múa. Giải thưởng qua các kỳ hội diễn trong và ngoài nước được quy đổi ra huy chương. Ví dụ ở lĩnh vực điện ảnh sẽ lấy Bông sen Vàng, giải thưởng chính thức của Liên hoan phim Việt Nam làm chuẩn. Nghệ sĩ nào được 2 Bông sen Vàng thì đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (tuy nhiên, các nghệ sĩ bắt buộc phải có một Bông sen Vàng chính thức và một Bông sen Vàng có được do quy đổi). Theo dự kiến, nếu nghệ sĩ đạt được 1 giải cao nhất của Cánh diều Vàng (giải của Hội Điện ảnh) thì sẽ được tính bằng 1/2 Bông sen Vàng. Tương tự, nếu nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, cũng sẽ được tính bằng 1/2 Bông sen Vàng… Theo kỳ vọng, việc quy đổi này sẽ tạo sự công bằng cho các nghệ sĩ trong việc xét giải thưởng Nhà nước. Nhưng, xung quanh việc quy đổi này còn nhiều điều đáng để bàn luận. “Giải thưởng quốc tế” phải được hiểu theo nghĩa nào. Có những Liên hoan phim Quốc tế, giải trao ầm ầm, nhưng thực chất việc trao giải chỉ vui là chính. Vậy có nên đề cao giá trị các giải này ở trong nước không? Và việc tác giả, tác phẩm được trao những giải quốc tế thì có được “tính điểm” hay không?

Bàn rộng ra nữa, chúng ta có nên xem lại cách thức tổ chức cùng những quy định về việc trao giải thưởng Nhà nước. 2 năm một lần có phải là thời gian thích hợp? Một tác phẩm ra đời, cần phải trải qua thời gian thẩm định và thẩm thấu… có khi cả vài chục năm. Trong khi chúng ta cứ áp thời gian 2 năm để trao những giải thưởng danh giá. Nếu cứ áp dụng cái mô hình đã cũ từ vài chục năm nay thì việc phong tặng hẳn sẽ lạc hậu so với thế giới và chuyện cãi vã, kiện tụng sẽ không bao giờ chấm dứt.