Tỷ phú "mổ" lốp xe

ANTĐ - Ông Nguyễn Trầm ở thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi là một trong những người đầu tiên biến lốp xe phế thải thành "vàng" của làng "xẻ thịt" lốp xe. Nhạy bén, kiên trì gắn bó với nghề hơn 30 năm nay, giờ ông Trầm đã có một cơ ngơi như từng mơ ước.

Những năm mới giải phóng, kinh tế còn khá khó khăn, gia đình lại đông con, nên anh thanh niên Nguyễn Trầm bôn ba vào Nam kiếm sống. Những năm tháng sống nơi quê người đã giúp người thanh niên suốt ngày lam lũ gắn bó ruộng đồng nhạy bén tìm ra hướng mới phát triển kinh tế. Và ông Trầm đi ngược về quê hương phát triển nghề tái chế lốp xe phế thải - cái nghề còn khá lạ lẫm đối với người nông dân Quảng Ngãi. Thế nên khi mới lập nghiệp nhìn ông hí húi với những cái lốp xe đen xì, ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Lúc mới bắt tay vào làm, ông gặp vô vàn khó khăn. Thiếu vốn nên ông Trầm chỉ làm nhỏ lẻ tại gia đình, lấy công làm lãi. Mỗi ngày ông Trầm phải xẻ gần trăm lốp xe, rồi phân loại và cần mẫn làm thành phẩm. Lốp xe được tận dụng làm sản phẩm thủ công (gàu múc nước, dây buộc, dép cao su), còn lại dăm và vụn được gom lại rồi bán cho các thương lái chế thành thuốc nhuộm; chỉ bố thì bán lại cho xưởng sản xuất lốp.

Ông Nguyễn Trầm đang "mổ" lốp xe phế thải

Ngày đó các phương tiện vận tải chưa nhiều như  bây giờ, nên việc tìm kiếm nguồn hàng cũng khá khó khăn. Ông phải chạy đôn đáo khắp các huyện để gom đủ số lượng lốp xe cần thiết. Lắm lúc đơn đặt hàng đã sắp đến hạn mà nguồn lốp xe vẫn chưa đủ, khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên.

"Lúc đó, nếu chỗ nào có lốp xe, thì xa mấy tôi cũng đi. Bởi làm ăn cần nhất là chữ tín, phải giao hàng đúng hẹn"- ông Trầm chia sẻ. Làm xong đến khâu giao hàng cũng khiến ông lao đao, vất vả. Bởi vào những năm 1990-1999, thông tin liên lạc chưa phát triển, nên ông phải tự tay mang ra tận Huế, Đà Nẵng để giao và nhận tiền. Đi đi, về về... quần quật suốt ngày, nhưng ông Trầm vẫn kiên trì bám lấy nghề.

Khi tích cóp được số vốn kha khá, ông bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Lúc cao điểm cơ sở sản xuất của ông có đến 100 lao động. Giữ chữ tín trong làm ăn, nên ông rất được các thương lái tin cậy. Đơn đặt hàng từ các tỉnh phía Nam, rồi Đà Nẵng, Huế... đến liên tục. Việc kinh doanh của ông cứ thế "phất" lên. Từ một hộ gia đình khó khăn, đến nay ông đã có cơ ngơi bề thế, cả thảy 6 người con, ai nấy đều vào đại học.

Dần dà thấy nghề tái chế lốp xe phế thải của ông "hái" ra tiền, nhiều hộ nông dân trong xã mon men xin học nghề. Ông san sẻ mối làm ăn và chỉ cách tiêu thụ cho mọi người. Đến nay riêng thôn Hòa Bình đã có gần 100 hộ gắn bó với nghề này.

Khi nghề "mổ" lốp xe ngày càng được nhân rộng ra khắp xã, thì ông bắt đầu tìm tòi hướng đi mới cho mình. Nhận thấy thị trường cây cảnh ngày càng "sốt", ông Trầm bắt đầu mon men chuyển qua trồng cây sanh. Khu vườn rộng của ông có cả trăm gốc sanh được tỉa tót cẩn thận. Vừa chăm chút cho gốc sanh thuộc hàng "cổ thụ", ông vừa khoe "Cây này, tôi chăm chút cho nó ngót chục năm rồi đấy, vừa rồi có người trả hơn 1 tỷ nhưng không nỡ bán".

Mỗi năm nhờ vào vườn sanh, ông kiếm thêm hàng trăm triệu đồng, cộng thêm xưởng "xẻ" lốp xe lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Cơ ngơi ngày hôm nay của ông là thành quả của sự cố gắng không mệt mỏi suốt 30 năm ròng. Thế nhưng người tỷ phú “mổ thịt lốp xe” ấy vẫn chạy tất tả gom lốp xe cùng những người thợ, lấy đôi tay nhem nhuốc bụi cao su quẹt mồ hôi chảy ròng trên trán, ông cười hiền "Khá lên cũng nhờ mấy cái lốp xe nhìn bẩn bẩn thế này đấy!"...