Tuấn Hiệp rưng rưng hát nhạc xưa

(ANTĐ) - Sau 10 năm ca hát, ca sỹ Tuấn Hiệp mới trình làng album đầu tay - Bơ vơ. Chạm vào những điều thầm kín của chính mình, Tuấn Hiệp lúc rưng rưng, lúc bật khóc khi hát nhạc xưa.

Tuấn Hiệp rưng rưng hát nhạc xưa

(ANTĐ) - Sau 10 năm ca hát, ca sỹ Tuấn Hiệp mới trình làng album đầu tay - Bơ vơ. Chạm vào những điều thầm kín của chính mình, Tuấn Hiệp lúc rưng rưng, lúc bật khóc khi hát nhạc xưa.

Tuấn Hiệp đích thực là dân tỉnh lẻ bơ vơ bươn chải vươn lên nơi thị thành. Từ làng quê nghèo thuộc Nam Sách - Hải Dương, Hiệp lên Hà Nội theo học Đại học Nông nghiệp 1. Thơ thẩn đi mua dây đàn guitar ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chàng kỹ sư nông nghiệp tương lai tình cờ gặp NSND Quang Thọ. Vừa mở lời chào, danh ca đất mỏ tưởng chàng trai trẻ đến xin học hát chỉ ngay vào phòng NSND Lê Dung để thử giọng. Tình cờ vậy nhưng Hiệp được nhận học ngay và còn được thầy Quang Thọ cho ở nhờ nhà khi thấy cậu học trò nghèo quanh đi quẩn lại chỉ "ăn diện" có vài bộ quần áo. Cứ thế, số phận đưa Tuấn Hiệp đến với khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm 10 tuyệt đối.

Đến bây giờ thì Tuấn Hiệp ít nhiều đã có tên có tuổi trong làng nhạc sau hàng loạt giải thưởng như: Giải Nhất Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hải Dương 2001, giải Nhì Tiếng hát Hà Nội 2001 (giải Nhất thuộc về Hồ Quỳnh Hương)... Liếc qua hồ sơ cá nhân ấy, đã có người hỏi anh, những "chiến tích" đó đáng lẽ giờ Tuấn Hiệp đã có vị trí cao hơn trong làng nhạc. Nhưng biết làm sao được, một thân một mình lập nghiệp trong làng nhạc, Hiệp chỉ tủm tỉm cười: phận bơ vơ, khẳng định mình dần dần kẻo nhanh quá hóa sốc với chính mình.

Cái hay của Hiệp là anh khá "chung thủy" với nhạc xưa. Năm 2005, ngay trong album đầu tiên hát chung với Tùng Dương và Lệ Quyên, Hiệp đã ôm trọn "mối tình đầu" ca hát với dòng nhạc này. Tia chớp đầu đời đó đọng mãi trong anh thành một vệt. Sau này, dù hát thứ dòng nhạc khi đóng quân cho Nhà hát ca múa nhạc Quân Đội rồi Nhà hát ca nhạc nhẹ TƯ nhưng những bài để lại ấn tượng cho người nghe vẫn là những bài hát trữ tình tiền chiến. Có thể kể đến Tà áo xanh, Đường về Việt Bắc mà anh thể hiện khá thành công trong đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh 2010 tại Nhà hát Lớn Hà Nội hay Hoa cúc vàng, Bản tình cuối trong đêm nhạc Hoa cúc vàng tháng 3 tổ chức 5 đêm liền tại Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 3-2010...

Ngay cả khi hợp cùng Ngọc Quy và Trọng Hùng thành một nhóm, tam ca nam của Hiệp vẫn một lòng một dạ với dòng nhạc xưa. Hiệp bảo, dòng nhạc này đã ăn vào máu, cứ hát là động tới tâm can. Với lại, khi người đàn ông đã bước qua tuổi 30 thì những sốc nổi của tuổi trẻ, nhiệt huyết của thanh xuân cũng đã khác đi nhiều rồi, chín hơn và trải nghiệm cuộc sống lắm thăng trầm. Lẽ đó, nên khi làm ông chủ Malaidely ở 92 Trấn Vũ, Hà Nội, Tuấn Hiệp dứt khoát đóng đinh gu nhạc xưa cho phòng trà này. Thừa mạnh mẽ một chút, nhưng Hiệp quả quyết: Nhiều phòng trà hiện nay trình diễn nhiều thể loại nhạc khác nhau, chẳng khác gì món lẩu thập cẩm. Mình là dân nhạc thì quán của mình cũng phải có gu nhạc, đó chính là dòng nhạc xưa.

Người viết đã từng lênh đênh cùng Hiệp trên khắp biển trời quần đảo Trường Sa. Chứng kiến tour diễn 7 đêm trường cùng Hiệp, khá bất ngờ về sự thích ứng, khả năng trình diễn nhiều thể loại nhạc khác nhau của anh. Học hành bài bản, những bài nhạc đỏ mang hơi hướng thính phòng Hiệp mặc sức phô diễn kỹ thuật. Nhạc trẻ Hiệp cũng chuyển tải đến người nghe đầy sức sống. Thậm chí, đôi bài rock Hiệp gằn mình cùng Thái Thùy Linh chẳng khác một rocker chính hiệu… Nhưng nói cho cùng, với dòng nhạc xưa xem ra hợp với Hiệp hơn. Với giọng nam trung, khá ấm Hiệp biết cách chuyển tải những cảm xúc của một người đàn ông hát bằng trái tim mình đến cho người nghe.

Sau chuyến lưu diễn trên quần đảo Trường Sa trở về, Hiệp quyết định ra album riêng. Chẳng lạ khi anh bộc bạch hướng đến dòng nhạc xưa với album này. Nhưng khi lắng lòng nghe album Bơ vơ, tôi thực sự bất ngờ với những tiết chế trong cách hát, lối xử lý kỹ thuật bớt kinh viện của Hiệp. Album có tất thảy 10 bài, điểm xuyết chung là Hiệp để tiếng hát từ trái tim đánh thức trái tim người nghe chứ không phải là lối hát phô diễn kỹ thuật, khiến người nghe gật gù vì “trình” của người ca sỹ học hành bài bản. Ca sỹ Tuấn Hiệp bộc bạch: “Có tới gần hai phần ba bài hát khiến mình run rẩy, rưng rưng xúc động khi thu thanh”.

Không quá ủy mị, nhưng khi cất giọng hát bài Khúc Thụy du của Anh Bằng - thơ Du Tử Lê, Hiệp đã bật khóc. Những lời của người xưa ít nhiều động tới tâm trạng của người ca sỹ bơ vơ bươn chải khẳng định mình này: “Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm/ Tôi tìm đời đánh mất/ Trong vũng nước cuộc đời” . Cảm xúc và biết truyền cảm xúc của người hát, của bài hát đến với người nghe chính là điều quý nhất mà người ca sỹ phải hướng tới. Vì thế, trong album dù có nhiều nốt Hiệp hát nghe cả “vết xước” của âm độ nhưng anh vẫn để nguyên chứ không mix lại cho trơn tru, sạch nước cản. Hiệp bảo, Bơ vơ chính là nỗi lòng của chính mình. Cứ để mộc vậy mới ra chất. Lẽ thế, anh cũng chẳng xúc tiến hay định sẵn ngày phát hành album này. Thân phận album đầu tay của Tuấn Hiệp vì thế có thể bơ vơ trên thị trường nhưng chí ít qua album này, nỗi lòng của nam ca sỹ đang vươn tới độ chín chắn của đàn ông sẽ có nhiều người chia sẻ, đồng cảm.

Phúc Nghệ