Từ vườn hoa Canh Nông đến công viên Lênin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cứ theo như Bản đồ Hà Nội năm 1831 ấn hành dưới triều Minh Mạng, rồi đối chiếu với thực địa, thì Hoàng thành Hà Nội thời Nguyễn nằm ở phía Tây khu phố cổ. Nó được giới hạn bởi các phố ngày nay là Phan Đình Phùng ở phía Bắc, Lý Nam Đế phía Đông, Trần Phú phía Nam và Hùng Vương phía Tây. Thành có dáng dấp một hình vuông đều đặn, mỗi cạnh dài chừng 1km.
Tượng đài Lênin từ năm 1975 đến ngày nay

Tượng đài Lênin từ năm 1975 đến ngày nay

Dấu xưa lối cũ

Sử sách còn chép lại, ngày 25-4-1882, giặc Pháp đem nhiều chiến thuyền neo đậu bến Sông Hồng. Sau nhiều ngày bắn phá và chiếm được thành Hà Nội, từ đấy chúng ra sức củng cố bộ máy cai trị đẩy mạnh công cuộc bình định và bắt đầu mở mang khai thác tài nguyên trên toàn cõi Việt Nam. Ở Hà Nội, khoảng từ năm 1894, chính quyền thực dân bắt đầu cho thực thi chương trình xây dựng khu phố mới trên cơ sở một bản quy hoạch kiến trúc tổng thể.

Theo đó, một con đường lớn khởi đầu từ bờ sông Hồng chạy thẳng qua phía Nam hồ Gươm, kéo dài về phía Nam hồ Tây, nơi sẽ được xây dựng những công trình đồ sộ như Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) và khu công viên thảo mộc Jardin Botanique (nay là vườn Bách Thảo). Con đường đó (là trục đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ… ngày nay ) sẽ trở thành trục giao thông chính của “khu phố Tây”. Trong bản quy hoạch tổng thể, trục này được phóng tuyến chạy cắt chéo một góc thành Hà Nội.

Để triển khai xây dựng, chính quyền thực dân đã cho đấu thầu phá tường bao quanh Hoàng thành và nhiều công trình trong thành cổ để lấy gạch đá, vật liệu xây mới các công trình khác. Trúng thầu phá thành cổ Hà Nội là cô Tư Hồng, một phụ nữ Việt có chồng là viên quan tư người Pháp có thế lực trong quân đội thực dân lúc bấy giờ. Thành sau khi bị phá, phần lớn diện tích được để dùng để xây dựng khu phố Tây. Phần còn lại gồm cổng thành Cửa Bắc và một số đền đài vẫn được giữ lại rồi cơi nới, xây dựng thêm nhiều công trình xen kẽ làm nơi đóng quân và là trụ sở Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ.

Sau khi bị phá dỡ và quy hoạch lại thì diện tích thành Hà Nội bị thu hẹp chỉ còn non nửa. Theo đó, tường phía Đông giữ nguyên vị trí chạy dọc con phố Rue Maréchal Joffre (tức phố Lý Nam Đế ngày nay). Mặt Bắc cũng nguyên vị trí cũ chạy dọc phố Boulevard Carnot (nay là phố Phan Đình Phùng). Tường thành mặt Tây được xây lại theo hướng tịnh tiến sâu vào trong và chạy dọc đại lộ Victor Hugo (nay là đường Hoàng Diệu). Còn mặt phía Nam thu hẹp và cắt chéo theo tuyến phố mới có tên là đại lộ Puginier (nay là đường Điện Biên Phủ). Thế là về hình dáng, các mặt tường thành Hà Nội vẫn giữ nguyên đường nét, chỉ có mặt Nam là chạy vát chéo và bị khuyết một góc lớn.

Mặt chính của cụm tượng tại vườn hoa Canh Nông (tức vườn hoa Robin) trước 1945

Mặt chính của cụm tượng tại vườn hoa Canh Nông (tức vườn hoa Robin) trước 1945

Ở góc Tây Nam bên trong thành cổ thời nhà Nguyễn có một cái hồ lớn. Đây là nơi hàng ngày quân lính đem đàn voi chiến ra tắm táp, bởi vậy hồ được gọi là Hồ Voi. Đến khi thành cổ bị phá thì Hồ Voi đã bị san lấp hoàn toàn. Đại lộ Puginier nằm vắt chéo một phần đất Hồ Voi, phần đất còn lại của hồ mọc lên một vườn hoa có tên Robin. Mảnh vườn hoa hình tam giác này được giới hạn bởi các phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ và Trần Phú ngày nay.

Ở góc Tây Nam vườn hoa Robin chính quyền thực dân cho dựng một cụm tượng đài lớn bằng đồng. Trung tâm cụm tượng là bệ cao bằng đá hoa cương, trên đó có tượng 2 lính Pháp, một tên giương súng trường chĩa thẳng về phía cột cờ Hà Nội, tên kia vung tay ném lựu đạn cũng về hướng đó.

Quây quanh là nhóm tượng đặt dưới thấp hình hoa đào 4 cánh, trên đó có tượng 4 nhân vật đại diện cho 4 giai tầng cơ bản của xứ An Nam là Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ là ông thầy đồ đang ngồi viết chữ. Nông là anh nông dân đang gánh chiếc cày chìa vôi đi sau con trâu. Công là anh thợ rèn đang gò chiếc nồi đồng. Thương là một cô gái áo dài thắt vạt đang gánh đôi thúng đi chợ. Có lẽ, tượng người nông dân gánh cày dắt trâu đặt ở phía trước và choán không gian nhiều hơn cả nên dân gian quen gọi cả nhóm tượng đài này là tượng Canh Nông.

Và rồi vườn hoa mang cái tên Robin đó cũng không ai nhớ nữa, mọi người chỉ gọi là vườn hoa Canh Nông. Có điều lạ là sau hàng thế kỷ, vườn hoa này cũng đã mấy lần đổi tên, thế mà cái tên Canh Nông ban đầu vẫn cứ lưu truyền trong đông đảo dân cư Hà Nội. Đến hôm nay, nếu có việc đi đến mạn Ba Đình, cứ thử hỏi thăm vườn hoa Canh Nông ở đâu, chắc chắn sẽ được nhiều người chỉ dẫn tường tận.

Tượng Bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam trước 1945

Tượng Bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam trước 1945

Trầm tích thời gian

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, phát xít Nhật dựng nên ở Việt Nam một chính quyền do Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Thị trưởng Hà Nội khi ấy là bác sĩ Trần Văn Lai. Ông là một người yêu nước và có tư tưởng dân tộc nên việc đầu tiên trên cương vị Thị trưởng là cho kéo đổ tất cả các bức tượng mang dấu ấn thực dân.

Thế là chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt bức tượng như tượng Nữ thần Tự Do mà dân ta quen gọi là tượng Bà Đầm xòe ở vườn hoa Neyret (vườn hoa Cửa Nam bây giờ), tượng toàn quyền ở vườn hoa Paul Beau (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay), tượng Jean Dupuis đầu phố Cửa Bắc ngày nay…. Và tất nhiên, tượng ở vườn hoa Canh Nông cũng cùng chung số phận.

Cũng trong khoảng thời gian rất ngắn đó, hầu hết các con phố ở Hà Nội mang tên Pháp đều được thay bằng tên các danh nhân và địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Có điều thú vị là trong số những tượng đồng bị kéo đổ thì thật ngẫu nhiên mà bức tượng Canh Nông đã được gom lại để 4 năm sau trở thành nguyên liệu để đúc thành tượng Phật A-Di-Đà nổi tiếng. Bức tượng được Phật giáo Hà Nội thi công từ 1949 đến 1952 hoàn thành, cao 3,95m (không kể bệ), nặng 10 tấn tọa lạc tại chính điện chùa Thần Quang số 44 phố Ngũ Xã cạnh hồ Trúc Bạch ngày nay.

Thực dân Pháp tấn công cửa Đông Nam thành Hà Nội ngày 20-11-1873

Thực dân Pháp tấn công cửa Đông Nam thành Hà Nội ngày 20-11-1873

Vườn hoa Robin khi ấy được đổi thành vườn hoa Chi Lăng để ghi nhớ chiến công oanh liệt của nghĩa quân Lê Lợi chém tướng Liễu Thăng tại ải Chi Lăng ngày 10-10-1427. Còn nhóm tượng đài Canh Nông tuy bị kéo đổ, nhưng tất cả hệ thống bệ tượng bằng đá vẫn còn nguyên chỗ cũ cho đến năm 1982.

Để tỏ lòng kính trọng với V.I.Lênin - vị lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới - chúng ta đã dựng tượng đài Lênin tại vườn hoa Chi Lăng với sự giúp đỡ của nhà nước Liên Xô. Bức tượng Lênin đúc bằng đồng, cao 5,2m đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m. Tượng được đặt ở vị trí gần sát nhóm tượng đài Canh Nông khi xưa. Ngày 20-8-1975, công trình được chính thức khánh thành, vườn hoa Chi Lăng cũng được đổi thành công viên V.I. Lênin.

Ngày nay, góc khuyết của thành cổ Hà Nội khi xưa, nơi đã trải qua biết bao vần vũ nắng mưa thời đại, chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử mà vẫn lớn lên cùng năm tháng, tiếp tục hoàn thiện mình theo thời gian chỉ để sàng lọc lại, trầm tích lại một phần không gian kinh đô, văn hiến nghìn năm mà thôi.