- Người đi trong phố cũ Hàng Trống
- Nhà thờ Lớn Hà Nội và dấu tích nữ thánh tử vì đạo duy nhất của Việt Nam
- Sự tích đền Bạch Mã linh thiêng và món ngon phố Hàng Buồm
Cột cờ Hà Nội là công trình cao nhất của Hoàng thành Thăng Long còn sót lại và cũng từng là công trình cao nhất của Hà Nội trước khi Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng. Và trong các các bức ảnh cũ chụp về vùng đất rồng bay lên, Cột cờ Hà Nội luôn có một vị trí nổi bật bởi chiều cao và cảnh quan xung quanh.
Cột cờ Hà Nội: Một biểu tượng của Thủ đô
Cột cờ Hà Nội là công trình xây dựng của triều Nguyễn. Việc xây dựng bắt đầu từ năm 1805 và đến 1812 mới hoàn thành, đủ biết quy mô và độ phức tạp, cầu kỳ của kiến trúc. Trải qua nhiều năm tháng, Cột cờ Hà Nội là địa điểm duy nhất còn nguyên vẹn như thuở ban đầu trong quần thể Hoàng thành Thăng Long và từ lâu đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội có nhiều tầng, có cầu thang xoắn đi lên tới đỉnh và ở trên điểm cao nhất, có thể bao quát một vùng rộng lớn. Công trình được xây dựng bởi nhiều lớp gạch dầy nên dù mùa hè oi bức nhưng khi vào trong lòng tháp vẫn có một cảm giác mát dịu. Độ thoát nước của kiến trúc này cũng rất tốt, dù mưa lớn nhưng trong lòng tháp hầu như không bị dột ướt.
Có một câu chuyện kể rằng vị Tổng thống nổi tiếng của nước Venezuela, ông Hugo Chavez khi đến Việt Nam, xe đi qua đường Điện Biên Phủ, nhìn thấy kỳ đài cổ kính đã quyết định ghé vào thăm. Vị Tổng thống ở đất nước Nam Mỹ xa xôi đã leo lên tận đỉnh Cột cờ và khi xuống đã viết những dòng lưu niệm đẹp đẽ. Ông Hugo Chavez đã rất ấn tượng trước biểu tượng đặc biệt của Hà Nội này.
Cột cờ Hà Nội giờ nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi trưng bày rất nhiều hình ảnh, hiện vật thú vị mà có lẽ đáng chú nhất là những loại máy bay, các phương tiện chiến đấu dùng trong chiến tranh mà khi tham quan, du khách luôn có một ấn tượng khó quên. Đó là những quả bom khổng lồ bên trong chứa lóc nhóc những quả bom con, xác một chiếc máy bay B52 khổng lồ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ngoài ra, còn có loại súng thần công cổ, những khẩu pháo nòng dài và cả một khẩu pháo cực lớn được mệnh danh là “vua chiến trường” của quân đội Mỹ cùng rất nhiều hiện vật đáng chú ý khác.
Những tấm gương ái quốc, trung dũng, bất khuất
Nhưng đường Điện Biên Phủ không chỉ có Cột cờ Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự, con đường này vốn là một trong những cạnh thành của Kinh thành Thăng Long năm xưa mà mỗi dấu vết của nó đều mang trong mình một quá khứ bi tráng của một thời.
Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Tri Phương, vị chủ tướng đã cầm quân và bảo vệ thành Hà Nội vào năm 1873. Và chính ở phía cổng thành mạn phía Đông Nam trên phía đường Điện Biên Phủ bây giờ, chủ tướng Nguyễn Tri Phương đã bị thương trong trận giao tranh với thực dân Pháp xâm lược do F. Garnier dẫn đầu.
Quyết không thỏa hiệp với kẻ thù, Nguyễn Tri Phương đã từ chối mọi phương tiện cứu chữa và cuối cùng ông đã tuyệt thực để giữ trọn khí tiết. Một con đường chạy qua khu vực Hoàng thành khi xưa đã được mang tên ông để tri ân sự lòng ái quốc và bất khuất của người con trung dũng.
Nối tiếp Nguyễn Tri Phương, một nhân vật nữa cũng liên quan tới việc giữ thành Hà Nội và chống lại quân Pháp là Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 1882, khi bị thực dân Pháp tấn công, lực lượng quá chênh lệch, Hoàng Diệu biết không thể giữ thành nhưng quyết không đầu hàng và không chịu bị nhục. Ông đã vào Võ Miếu và thắt cổ tự sát. Vị trí của Võ Miếu chính là khu tam giác giao giữa ba trục đường Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Lê Hồng Phong bây giờ. Nhà văn Nguyễn Anh Vũ đã từng viết một truyện ngắn có tên “Cửa Bắc” rất xúc động về sự hy sinh lẫm liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu ở khúc bi tráng này.
Nhà văn Uông Triều
Đường Điện Biên Phủ: Qua thăng trầm của lịch sử
Đường Điện Biên Phủ thời Pháp có tên là đại lộ Puginer. Puginer là ai? Đó chính là vị Giám mục có công xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Và sau khi Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng thì Cột cờ Hà Nội mới mất danh hiệu công trình cao nhất thời đó. Cột cờ Hà Nội cao 33m, còn Nhà thờ Lớn Hà Nội cao 34m.
Tên đại lộ Puginer sau được đổi thành đường Cột Cờ. Và một điều đặc biệt là vào ngày 7-5-1964, sau đúng 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đường Cột Cờ được đổi tên một lần nữa, thành đường Điện Biên Phủ.
Nhưng cái tên Cột Cờ vẫn không mất đi, nó đã được lưu dấu trong một câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu mà rất nhiều người thuộc.
“Nhà tôi 24 Cột Cờ
Ai yêu thì đến, hững hờ thì qua”.
Trên đường Điện Biên Phủ còn có một công trình cũng được nhiều lần thay đổi tên gọi theo những bước thăng trầm của lịch sử. Ở đây trước đó có một vườn hoa người Pháp đặt tên là Robin và xây một cụm tượng đài để kỷ niệm những binh lính thuộc địa đã tử trận khi đi làm lính viễn chinh cho nước Pháp.
Vườn hoa này sau được Thị trưởng Trần Văn Lai đổi tên là Vườn hoa Chi Lăng và đến bây giờ mang tên Lênin vì có một bức tượng toàn thân vị lãnh tụ cộng sản rất lớn được đặt ở đây. Còn số phận những pho tượng ở cụm tượng đài khi xưa cùng với một số tượng khác do người Pháp tạo dựng đã một phần hòa chung vào pho tượng A Di Đà khổng lồ ở chùa Ngũ Xã bây giờ.
Chỉ trên một trục đường không dài lắm mà đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Từ một cạnh tây của kinh thành trở thành đại lộ và tên gọi được thay đổi nhiều lần. Điện Biên Phủ giống nhiều con đường khác ở Hà Nội luôn mang mình những câu chuyện lịch sử và dấu vết thời gian.
Và bây giờ đi trên con đường ấy, ngước nhìn Cột cờ Hà Nội phong sương với thời gian nhưng vẫn có một vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính, thấy thêm yêu quý, trân trọng những gì cha ông đã để lại. Thành phố luôn mang trong mình nét tinh tế quá khứ và vẻ mạnh mẽ hiện đại của một đô thị đang trên đà phát triển.