Tự phát tán hình ảnh của các thành viên trong gia đình mà không được phép là bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một điểm mới trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là quy định hành vi phát tán hình ảnh riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó là bạo lực gia đình và bị nghiêm cấm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình tờ trình ra Quốc hội chiều 27-5

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình tờ trình ra Quốc hội chiều 27-5

Tiếp tục chương trình làm việc tại Quốc hội chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Dự luật lần này bổ sung thêm những hành vi bạo lực mới như: bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp;

Một hành vi bạo lực mới được bổ sung nữa là: phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới;

Luật cũng bổ sung các hành vi: cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép mang thai, phá thai; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, để ngăn chặn, bảo vệ người trong gia đình có thể tiếp tục bị bạo hành, thậm chí phải viết đơn đề nghị cấm tiếp xúc với người hành vi có bạo lực, dự luật bổ sung quy định về Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã và cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó có giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội

Liên quan tới nội dung cấm tiếp xúc, trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đây là biện pháp cần thiết.

Ủy bản xã hội đề nghị bổ sung quy định để Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối . Việc này tương tự như Tòa án nhân dân ra quyết định cấm tiếp xúc nhằm bảo đảm sự an toàn cho nạn nhân, tránh “bạo lực kép” sau khi nạn nhân có đơn yêu cầu hoặc thể hiện sự đồng ý.

Ngoài ra, quá trình xây dựng luật và thực tiễn giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao, trong một số trường hợp có tác động ngược.

“Ví dụ biện pháp phạt tiền người có hành vi bạo lực gia đình, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực gia đình phải lấy tiền của gia đình để nộp tiền phạt” - Chủ nhiệm Ủy ban xã hội nói.