ĐBQH: Sách giáo khoa là hàng thiết yếu, không thể vì lợi nhuận của ai đó mà đẩy giá lên…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, sách giáo khoa là hàng thiết yếu nên cần phải định giá cho phù hợp, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được…
ĐBQH Phan Viết Lượng trả lời báo chí sáng 27-5

ĐBQH Phan Viết Lượng trả lời báo chí sáng 27-5

Câu chuyện giá bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần bộ sách giao khoa cũ (năm 2017 về trước) cũng như việc sách giáo khoa chỉ dùng một lần… tiếp tục là chủ đề được báo chí, dư luận và nhiều ĐBQH quan tâm.

Bên hành lang Quốc hội sáng 27-5, trả lời báo chí, đại biểu Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trả lời ý kiến của ĐBQH tại phiên họp hôm trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã giải thích vì sao sách giao khoa hiện nay đắt hơn trước.

“Bộ trưởng nói giá sách đắt hơn là vì giấy tốt hơn, khổ to hơn, in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa. Bộ trưởng nói thế là đúng rồi. Nếu vật liệu tốt, in đẹp, cách làm công phu thì rõ ràng giá thành sách phải cao hơn trước. Nhưng…” - ông Sơn nói.

Tiếp tục ý diễn đạt của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề: “… Nhưng vấn đề là với sách giáo khoa có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không?”

Theo ĐB Sơn, làm sách giáo khoa cần phải tính đến tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng và phải cân nhắc chất lượng in, vật liệu cho phù hợp. Sách giáo khoa phải có giá phù hợp nhất để tất cả mọi đối tượng học sinh đều có thể tiếp cận được chứ không phải ai cũng có điều kiện để mua sách in đẹp, bìa to, nhất là khi tuổi thọ của sách không cao.

“Sách giáo khoa là dịch vụ thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá…” - ông Phan Viết Lượng nói và cho biết, việc cử tri băn khoăn về giá sách giáo khoa là đúng, các bộ ngành liên quan cần phải trả lời cho rõ, còn nếu để lâu sẽ gây hoài nghi trong dư luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết thêm, ba năm trước, Ủy ban này đã có giám sát, báo cáo gửi đến các bộ ngành về vấn đề sách giáo khoa. Qua đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng cường quản lý giá sách.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Anh Trí trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với báo trí bên hành lang Quốc hội sáng nay, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) – người đã phản ánh vấn đề giá sách giáo khoa tại phiên họp vừa qua - cho biết, thông qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi họp tổ, ông đã hiểu rõ sách giáo khoa hiện nay có thể dùng lại được, không phải là sách dùng một lần.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí còn băn khoăn với việc sách giáo khoa có thể sử dụng lại. Đó là việc các trường được chọn bộ sách giáo khoa dạy cho từng cấp học, trong từng năm. Ngoài ra, trong các bộ sách giáo khoa, học sinh có thể làm bài tập ngay trong đó.

“Năm nay trường chọn bộ sách này, nhưng sang năm họ lại chọn bộ sách khác thì lớp học sinh sau có dùng lại được nữa hay không? Còn việc học sinh lớp trước giải luôn bài tập trong sách giáo khoa, thì các em sau này chưa làm đã biết hết quả rồi”- ông Nguyễn Anh Trí nói và cho rằng đó là “kỹ thuật” của những người làm sách.

Vị đại biểu này cũng nêu rõ, sách giao khoa hiện nay giá đắt hơn trước vì như Bộ trưởng GD&ĐT lý giải là do in giấy tốt hơn, khổ to hơn, in đẹp hơn…, nhưng giá sách như vậy đã trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo. Do đó, đề nghị nhà nước có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa.