Từ những khuôn hình mê hoặc đến chuyện làm tour du lịch nhiếp ảnh

ANTD.VN - Với phong cảnh núi rừng, biển đảo thơ mộng hùng vĩ, đa dạng về văn hóa và phong tục tập quán, Việt Nam trở thành một địa chỉ được yêu thích của các nhiếp ảnh gia khi muốn có những bức ảnh độc đáo về thiên nhiên, cuộc sống, con người.

Du khách nước ngoài thích thú khi lưu lại những vẻ đẹp của Việt Nam 

Đáp ứng nhu cầu của những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, một số doanh nghiệp lữ hành đã “mạnh dạn” xây dựng các tour du lịch nhiếp ảnh. Loại hình tour này không chỉ thêm phần đa dạng, phong phú cho các tour tuyến, các loại hình dịch vụ du lịch mà còn mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp lữ hành.

Đáp ứng niềm đam mê

Ông Thành Tiến Định - Giám đốc Công ty du lịch Ngọc Châu Á cho biết: “Công ty chúng tôi đã tổ chức những tour du lịch nhiếp ảnh trong 3 năm trở lại đây và nhận thấy nhu cầu của du khách rất cao, đặc biệt là thị trường khách châu Âu, nhiều nhất là du khách đến từ Anh và Mỹ”.

Với những tay máy nghiệp dư, họ có thể tham gia một tour du lịch thông thường, những điểm đến nào họ yêu thích và có cảm hứng sáng tác, họ sẽ nán lại lâu hơn. Còn với những tay máy chuyên nghiệp, ngay từ khâu đặt tour, họ đã cần sự tư vấn kỹ lưỡng từ doanh nghiệp lữ hành. Ông Thành Tiến Định chia sẻ: “Người làm tour du lịch nhiếp ảnh nếu biết chụp ảnh là một lợi thế. Bên cạnh đó, phải biết gợi ý cho du khách mỗi vùng, mỗi thời điểm có điều gì hay và đặc sắc, những nơi nào có thể chụp được những tấm ảnh đẹp, lạ”. 

Ông Thành Tiến Định đưa ví dụ: “Nếu du khách đến Việt Nam vào tháng 8 hoặc tháng 9, đi chụp đồng lúa chín ở vùng núi Đông - Tây Bắc là lý tưởng. Hoặc, nếu du khách đến vào đầu tháng 1, phong cảnh phía Nam Việt Nam như biển Mũi Né, Phú Quốc, Sài Gòn nhộn nhịp hoặc các chợ phiên miền Bắc, phố cổ Hà Nội… sẽ là những lựa chọn được ưu tiên”.

Đặc biệt, rất nhiều du khách “mách nhau”, tò mò và mong muốn đi tour chụp ảnh dọc đường ray tàu hỏa chạy qua nội thành Hà Nội, bởi họ chưa từng thấy đất  nước nào có dân sống và sinh hoạt ngay sát đường ray xe lửa. Nhiều người đã dừng chân trên phố Điện Biên Phủ hàng giờ để tìm những góc ảnh đẹp. Nếu không, lang thang chợ hoa một sớm Hà Nội tinh mơ chụp những bức ảnh sắc màu trong không gian thơm ngát cũng khiến nhiều khách Tây mê mẩn.

Tuy nhiên, với những du khách còn chưa thạo cách bấm máy, chọn góc ảnh, nhiều công ty lữ hành đã nảy ra những mô hình “lớp học nhiếp ảnh trên đường phượt”, kết hợp cùng với một số nhiếp ảnh gia để thực hiện tour.

Cầu nối của những nền văn hóa

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt - người nắm giữ kỷ lục với 17 bức ảnh trong Top ảnh đẹp nhất trong ngày do tạp chí National Geographic bình chọn và mới đây vừa giành Huy chương Vàng hạng mục ảnh tự do, cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam là một trong những người có nhiều kinh nghiệm với tour nhiếp ảnh.

Từng tham gia một tour kéo dài 3 ngày 2 đêm tại Sa Pa, anh nhớ lại: “Trong chuyến đi ấy, tôi đã trao đổi kinh nghiệm với nhiều người có đam mê nhiếp ảnh như mình. Chúng tôi hồ hởi giao lưu, có thêm bạn bè mới, chia sẻ những kiến thức để “bắt lại” nét duyên của bản làng, đèo Ô Quy Hồ, dãy Hoàng Liên Sơn… Nhìn những tấm ảnh các bạn trong đoàn đăng tải sau chuyến đi, tôi thấy rõ sự tiến bộ”.

Du lịch nhiếp ảnh ngày một nở rộ, đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những người cầm máy. Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt cho biết: “Những người chụp ảnh chuyên nghiệp lại không hay đi những địa danh quá nổi tiếng. Để tìm ra những góc máy mới, họ phải lăn lộn, trải nghiệm, lâu dần nảy ra bí quyết. Đôi khi, có người còn giấu bức ảnh họ chụp được vì lo ngại sau đó nhiều người đổ xô đến chụp theo, thành ra bão hòa, mất đi tính riêng biệt”.

Nhiếp ảnh luôn có một “quyền lực mềm” trong việc quảng bá văn hóa, du lịch của một quốc gia. Những hình ảnh đẹp của Việt Nam được những người yêu nhiếp ảnh trong nước và quốc tế đăng tải trên các trang báo, tạp chí, các trang mạng xã hội… là một hình thức quảng bá du lịch tự nhiên mà hiệu quả.

Bạn bè quốc tế có thể thông qua những bức ảnh, thấy những điều đặc sắc mà họ chưa bao giờ thấy. Song, để nhiếp ảnh luôn là một cây cầu chắc chắn trong việc kết nối văn hóa, những người làm du lịch, du khách hay bất cứ người Việt Nam nào cũng cần có ý thức giữ gìn di sản, thiên nhiên nước mình để tránh những hình ảnh không đẹp bị ghi lại và lan xa.