Tự kiểm điểm thời Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ai từng là công chức từ thập kỷ 70-80 thế kỷ trước hẳn không lạ gì bản kiểm điểm công tác cuối năm. Dù làm việc ở bất cứ cơ quan Nhà nước nào thì cuối năm cũng đều phải có một bản tự kiểm điểm quá trình công tác. Phần lớn tự cho rằng mình hoàn thành nhiệm vụ được giao và tự nhận xếp hạng Lao động tiên tiến.

Tôi không phải ngoại lệ, chỉ khác các đồng nghiệp ở chỗ chưa bao giờ nhận mình là Lao động tiên tiến, vì biết chắc danh hiệu này có chỉ tiêu trên giao xuống hẳn hoi. Không bao giờ con số được giao là 100%. Nếu tất cả đều tự nhận đạt danh hiệu thì đương nhiên lại phải họp hành bình bầu xét duyệt. Tự mình đã không nhận rồi thì ít nhất cũng tránh được một cuộc họp bình bầu.

Tuy nhiên cuộc họp ấy năm nào cũng vẫn diễn ra, bởi vì chỉ một người không nhận danh hiệu như tôi thì vẫn còn quá chỉ tiêu. Đấy chỉ là một cư xử “ma mãnh”, lặt vặt khi còn làm công chức. Tôi chắc cũng có người áp dụng nó dù không nhiều, bởi vì nó có gắn đến tí teo quyền lợi. Đại khái nếu đạt danh hiệu ấy thì có thể được mua thêm vài mét chun quần ở căng-tin, chiếc lốp xe đạp hoặc vài chiếc nan hoa xe đạp, cũng có lúc là vài bánh xà phòng rúc rích hôi. Thế cũng là quá tốt khi mà chế độ tem phiếu hoàn toàn không bao cấp những món hàng ấy. Muốn có nó phải mua ngoài “chợ đen” với giá đắt gấp vài lần.

Giờ thì chẳng biết cái bản kiểm điểm có phần giả tạo ấy kể cả từ thao tác tự khai cho đến chất lượng công việc thật sự có còn lưu hành ở các cơ quan Nhà nước hay không. Tôi cũng đã hầu như quên hết “bài văn mẫu” kiểm điểm tự khai ấy rồi. Đơn giản vì đã nghỉ chế độ 179 kể từ ngày 1-1-1990. Ngày ấy gọi là “về một cục”. Mỗi năm công tác được trợ cấp 1 tháng lương để nghỉ. Tôi nhận 10 tháng lương ấy cũng không mang về được đến nhà. Lương anh giáo đại học quèn lúc ấy chỉ hơn sáu chục đồng, mười tháng hơn sáu trăm đồng, đủ tiền mời bạn bè, học trò một bữa bia hơi thịnh soạn gần cổng trường.

Gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành trên cả nước và khắp thế giới với đầy chuyện lo âu sợ hãi, nhưng với tôi lại là lúc có thời gian nghĩ đến cái bản tự kiểm điểm ngày nào. Công việc của hơn ba chục năm tự giao cho mình hóa ra chưa từng bao giờ được tổng kết dù chỉ cho riêng mình. Bởi vì những kế hoạch lớn lao dài hạn hầu như đã được hoạch định ngay từ lúc quyết định làm công dân tự do rồi. Dự định chỉ còn tính trong ngày, hàng ngày. Sáng ngủ dậy là đã nhẩm kỹ trong đầu phải làm gì trong ngày, thậm chí tập thể dục xong là đã có sẵn địa chỉ ăn sáng ở đâu. Chẳng bao giờ ra đường rồi mới băn khoăn tìm món.

“Chợ Phiên” Minh họa của nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn

“Chợ Phiên” Minh họa của nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn

Công việc hàng ngày khá đều đặn. Uống cà phê và về nhà lúc 7 giờ sáng. Cầm bút lông lên đánh vật với màu sắc, vải và giấy vẽ chừng 3 giờ đồng hồ. 10 giờ xách xe máy ra đường làm vài vòng phố xá. Tiện tay thì chụp vài bức ảnh. Tiện chân ghé vào chỗ vài người bạn ngồi tán gẫu chuyện phố phường. Buổi trưa nhóm vài người uống một trận bia rượu tùy theo sức khỏe của cả ví lẫn người. Chiều về lại ngồi hí hoáy bút lông chừng 2 giờ nữa. Rửa bút dọn đồ nghề xong nghỉ ngơi bằng bàn phím, gõ ra máy tất cả những thứ vừa có trong đầu. Khi thì cái tản văn ngắn, cũng có lúc là tiểu thuyết dài hàng 400 trang…

Thoắt cái cũng đã hết 32 năm Hà Nội. Hai năm vừa rồi dịch giã cũng không có gì thay đổi nhiều. Vẫn có 3 cuốn sách được hoàn thành, 2 cuốn đã được in ra là “Miên man phố lạ” (Tuyển tập truyện ngắn - Nhà xuất bản Văn học) và “Hà Nội - chút bụi trên vai người” (Tản văn - Nhà xuất bản Trẻ). Cuốn còn lại đang in ở Nhà xuất bản Trẻ là “Lan man nghìn năm phố” (Tản văn).

Cùng với nó là vài chục bức tranh mỗi năm. Tôi chưa bao giờ đếm nên cũng chẳng thể biết số lượng chính xác. Có cần không khi mà mọi sáng tác từ nhiều năm nay vẫn diễn ra như thế?! Tôi là người không bán nhiều tranh nên hầu như mọi thứ vẫn cất ở nhà, cũng hoàn toàn chưa bao giờ có kế hoạch xem lại chúng. Phần lớn công việc sắp xếp bảo quản tranh ở nhà là do vợ con và cháu ngoại đảm nhiệm. Họ là những khán giả bất đắc dĩ của tôi từ rất lâu rồi, giờ vẫn thế.

Cái thay đổi tưởng chừng như rất ít trong 2 năm chống dịch hóa ra lại ảnh hưởng nhiều đến nếp sinh hoạt quen thuộc. Nói ảnh hưởng là bởi với lũ U70 chúng tôi ở Hà Nội thì nơi ăn chốn ngủ hầu như đã thành nếp khó bỏ. Không bao giờ ăn sáng, uống cà phê ở những hàng lạ. Thậm chí ở hàng quen ngó vào thấy chỗ của mình hàng ngày đã có người ngồi trước rồi cũng quay ra tìm hàng khác.

Những ngày giãn cách toàn thành phố ở mức độ thấp vẫn còn hàng quán mở bán cho mang về. Cũng không thể nào ăn được bát phở mua từ hàng đem về nhà. Nó cứ thấy giống như “phở ốm” ngày xưa. Mỗi lần được phụ huynh mua về cho bát phở thì có nghĩa là phải ốm khá nặng rồi. Cảm cúm vừa vừa cũng cố mà lê ra hàng ngồi ăn cho đúng vị. Bát phở mang về nhà nước bắt đầu nguội, bánh bắt đầu trương đặc lên rồi. Loanh quanh tìm quả ớt mang rửa và pha xong bát nước mắm dấm tỏi là vừa vặn nguội hẳn. Bỏ. Nhưng vẫn còn có thể mua được bánh dầy, bánh giò, bánh cuốn và xôi, bánh mì. Những thứ ấy mang về nhà vẫn ăn được tuy thiếu không khí quán xá. Chỉ những món nước bún, phở, miến, mì đành chịu.

Đến hồi giãn cách toàn diện lâu dài mới thật sự là gian nan. Buộc phải tự tổ chức nấu những món ấy ở nhà bởi không thể cứ ăn xôi, bánh mì mãi được. Vợ chồng con cái hấm hứ đọc cho nhau nghe những công thức nấu nước dùng từ thời chiến tranh bao cấp. Là cứ đọc thế thôi chứ làm sao mua được mớ sá sùng mà cho vào nồi nước nấu phở gà. Làm sao có sẵn những quế, những hồi như cách đây hơn 30 năm vẫn còn tự nấu phở bò ở nhà được.

Đến cây hành xanh cũng phải mất vài lần mua về để lâu ngày bị hỏng mới tìm ra cách bảo quản. Rửa sạch thái sẵn cho vào ngăn đá. Lúc lấy ra cho vào nồi va lanh canh như rắc hạt ngô, vẫn còn xanh là may mắn lắm rồi. Đó là những công việc không thể rút kinh nghiệm được. Lần mò tìm mua về trữ sẵn đủ những gia vị ấy thì cũng lại là lúc thành phố dỡ bỏ lệnh giãn cách. Đành phải tự an ủi mình bằng cách chưa quên công thức nấu gói mì ăn liền. Vẫn còn có cà chua, thịt băm và hành xanh cho vào bát mì thì chất lượng là tạm ổn như kí ức chưa từng suy chuyển.

Đợt giãn cách lâu dài bỗng phát hiện ra một điều chưa từng có trong hơn ba chục năm làm người tự do. Tự nhiên thời gian biểu của tôi bị thừa ra mất mấy giờ một ngày, đó là những lúc giải lao, có thể ra đường mà cũng có thể tụ bạ bạn bè ở nhà, giờ thừa ra những khoảng thời gian ấy. Không thể tụ bạ uống rượu, cũng không thể nghe nhạc ở nhà vì vướng thằng cháu lớp 11 đang cắm cúi online học bài.

Nửa thế kỷ uống rượu giờ mới biết mình hoàn toàn không có kỹ năng uống một mình. Ly rượu rót ra để bàn một lúc là quên, bỏ lại nguyên trên bàn sáng hôm sau mới biết. Hóa ra cái mà ta tưởng là nhu cầu lại không hẳn thế. Rượu với bạn thì cứ thun thút chai năm chai mười ngoài quán. Rượu một mình thường chẳng bao giờ nhớ uống hết ly của mình. Thói quen này thực ra là một phản xạ có điều kiện. Uống với bạn thường là có người mời cụng ly.

Thời gian thừa ra mới chợt giật mình. Chẳng còn đủ sách để đọc trong vài ngày. Đã phải lục lọi trong tủ sách những cuốn thơ yêu quý của nhiều nhà thơ nghiệp dư tặng mình từ lâu lắm. Cũng là một dịp nhớ lại những gương mặt thơ hừng hực khí thế một thời. Hóa ra độ tự tin của các bạn thơ qua từng trang sách ấy là có thật và có lý. Nếu chịu khó đọc cẩn thận từ đầu đến cuối thể nào cũng được ít nhất một câu trong cả quyển. Tôi đọc được câu này trong tập thơ của một bạn không thân lắm. “Gió, gió và rất gió…”. Ngày thường rất có thể nếu bạn giết tôi cũng không bao giờ tôi cho rằng đấy là thơ. Nhưng ngày giãn cách bỗng thấy cũng có chút gì đó thơ mộng gợi cảm. Hóa ra mình thiếu chút gió giời đã hơn một tháng rồi…

Thế nhưng sinh hoạt thường nhật cũng không thể đứt đoạn quá lâu. Tìm ra cách tụ bạ bạn bè cũng chẳng khó khăn gì. Ngày giãn cách chưa triệt để thì chịu khó tìm nơi mua đồ ăn thức uống về nhà. Tụ họp cũng theo khuyến cáo đầy đủ dưới 5 người. Ra quán quen vẫn có thể đóng cửa ngồi kín đáo bên trong. Lúc ấy cũng tự nhiên mới thấy, hóa ra những người bạn của mình đủ thân thiết trong mỗi cuộc tụ tập ấy cũng không có quá 5 người. Chẳng cần tuân thủ khuyến cáo thì cũng chỉ có ngần ấy thôi. Và bạn mình cũng chỉ có ngần ấy người biết giữ ý. Nghĩa là không có chuyện cơi nới thêm thành viên như ngày thường vẫn thế. Thế nhưng chuyện ấy vẫn phải hạn chế hết mức có thể, phải chờ cho cả nhà tiêm đủ 2 mũi rồi mới dám.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Những ngày đầu giãn cách luôn tâm niệm một điều, chỉ mong đến lượt mình được tiêm chủng. Chuyện ấy không dễ như mình tưởng. Loại già nghỉ việc đã quá lâu như mình đương nhiên khó lòng được nhớ đến. May còn con cái đi làm Nhà nước. Chúng nó phải đăng kí cho ông bà và cháu đi tiêm theo diện thân nhân. Chủ trương ấy là đúng, bởi chẳng có nghĩa gì khi anh chỉ tiêm một mình rồi lại về nhà sống chung với mọi người chưa tiêm.

Thế nhưng thực hiện nó lại không dễ. Phải sắm sanh khẩu trang loại tốt và kính chống giọt bắn. Số lượng thân nhân cán bộ ở đấy ít nhất đông gấp vài lần số cán bộ có thực. Dù có né tránh bảo vệ mình thật cẩn thận thì cũng không thoát khỏi cảnh ngồi theo dõi sau tiêm có đến hàng trăm người trong một khu vực nhỏ. May mắn là không ai việc gì. Dù rằng mũi đầu tiên còn phải test nhanh Covid-19. Mũi thứ 2 không cần nữa bởi đã có mũi đầu.

Thời gian thừa ra vẫn chưa thể tiêu thụ hết. Người già còn một trò chơi cuối cùng mà trước đây rất ngại, đó là gây một vườn phong lan. Giờ thì cả cây và những phụ kiện chăm sóc đều bán sẵn đầy trên phố. Nhưng cũng chẳng còn thiết tha đọc sách tìm hiểu như hồi chơi chim cảnh nữa. Mớ kiến thức chim cò ấy có được cũng mất ít nhất vài chục năm. Nghe lời thằng cháu ngoại, ông cứ mua về những giò phong lan đã có sẵn nụ rồi, chắc chắn được chơi hoa từ giờ đến Tết chỉ bằng vài lọ hóa chất nhỉnh hơn ngón tay một tẹo thôi.

Giờ thì mọi thứ có liên quan đến dịch bệnh đều đã ổn định đến mức bình thường rồi. Chẳng còn phải lò mò trên mạng tìm nơi bán và ship những thứ hàng ngày như cà phê, thuốc lá, đồ ăn sáng. Tất cả đã nằm trong bộ nhớ điện thoại. Hơn thế nữa, tôi còn biết chắc chắn vị trí để hộp ớt tươi, hộp đường pha cà phê, và cả lọ mì chính nhà mình thì nằm trong ngăn nào trên mênh mông chiếc tủ bếp có hàng trăm chiếc lọ…

Hà Nội, tháng 12-2021