Từ "Hội những người muốn tự sát" đến hàng loạt vụ người trẻ tự tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng loạt vụ tự tử của các bạn trẻ là học sinh, sinh viên diễn ra gần đây đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót và đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến việc họ muốn kết thúc sinh mạng của chính mình?

Từ“Hội những người muốn tự sát”

Mới đây, nam sinh Nguyễn Văn Nghĩa (ở Bình Định) đến TP.HCM nhập học ngày 12-2, mất tích sau đó tử vong và được kết luận do tự tử. Sau đó ít ngày, một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) cũng đã nhảy từ tầng 3 xuống tự vẫn.

Trước đó, tại Thanh Hoá, người dân phát hiện có một thi thể nổi lên, cách cầu Hàm Rồng khoảng 800m về phía hạ nguồn. Nạn nhân sau đó được xác định là nữ sinh Lê Thị T, SN 2005, học sinh lớp 11, trường THPT Đào Duy Anh, thành phố Thanh Hóa.

Chỉ cần vào mạng xã hội Facebook gõ thông tin trong mục tìm kiếm, trong vài giây chúng tôi đã dễ dàng tìm được các hội nhóm như “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người muốn tự sát” hay “Những người muốn chết”… với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thành viên tham gia.

Trong các nhóm này, hầu hết các thành viên đều chia sẻ những câu chuyện gây áp lực trong cuộc sống của mình đồng thời bày tỏ ý định muốn tự sát.

Bạn T.V - một học sinh lớp 12 viết: “Các môn tự nhiên là nỗi ám ảnh của mình, đặc biệt là môn Toán nhưng bố mẹ bắt mình học Khối A để thi kinh tế. Họ ép mình vào các lớp học thêm, thuê gia sư về tận nhà để kèm cặp, dạy dỗ hàng ngày.

Do không có hứng thú với các môn học này, kiến thức bị mất gốc nên kết quả học tập của mình vẫn rất bi đát và mình chắc chắn không thể thi đỗ đại học. Mỗi ngày khi nhận được điểm số của mình qua tin nhắn, bố mẹ mình ngồi giáo huấn, mắng nhiếc mình không tập trung học, không biết tiếc tiền, đồng thời yêu cầu gia sư đến dạy tăng cường.

Chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi, mỗi khi nhìn thấy những dãy số những công thức toán, hoá học mà mình muốn nổ tung. Mình muốn kết thúc ở đây. Có ai biết cách tự tử ít đau đớn chỉ giúp mình với”…

Nhiều người trẻ tìm đến cái chết do không vượt qua được áp lực trong cuộc sống (ảnh minh hoạ)

Nhiều người trẻ tìm đến cái chết do không vượt qua được áp lực trong cuộc sống (ảnh minh hoạ)

Còn tài khoản có tên H.N lại chia sẻ, “mình 19 tuổi, từ nhỏ sống với bà ngoại vì mẹ mất sớm, bố lấy vợ mới. Mình yêu một người hơn mình 10 tuổi đã được 2 năm và đó là coi đó là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của mình.

Vài tháng trước qua mạng xã hội, mình nhận được tin nhắn của người phụ nữ xưng là vợ của người yêu mình, cả hai người đã có con chung 3 tuổi. Chị ta gửi luôn cả ảnh Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, ảnh cưới của 2 vợ chồng đồng thời nhục mạ, sỉ vả mình không tiếc lời, nói mình là kẻ cướp chồng. Mình tuyệt vọng quá”…

Những thông tin chia sẻ trên nhận được khá nhiều bình luận của các thành viên trong nhóm. Bên cạnh những lời động viên, đồng cảm thì còn không ít ý kiến khá lạnh lùng “đừng hi vọng thay đổi phụ huynh, họ chỉ quan tâm sĩ diện của bản thân mình”, “lúc trượt đại học cuộc sống mới thực sự là địa ngục, nên kết thúc sớm”, “yêu đương mù quáng không tìm hiểu kỹ chết là đúng rồi”, “thích chết thì thiếu gì cách, sống mà như chết thì chết quách cho xong”…

Chết có phải là hết?

Trước tình trạng người trẻ tự tử ngày càng gia tăng, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, dường như tự tử đã biến thành “trào lưu” của giới trẻ…

Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng giới trẻ bây giờ “thiếu sức đề kháng”, thiếu khả năng đương đầu với khó khăn, nghịch cảnh do được sung sướng, nuông chiều, chưa được dạy dỗ đúng cách?

Nhận định trên chưa hẳn đúng. Nhiều bạn trẻ không phải vô tư như người lớn nghĩ mà hàng ngày họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Họ chịu áp lực về học tập, thi cử, những bế tắc trong các mối quan hệ yêu đương, bạn bè…

Khi rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản, tuyệt vọng, nếu không có ai để chia sẻ, không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện, không có cách giải tỏa thì lâu dần họ sẽ bị mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí trầm cảm và cuối cùng là buông tay và tìm đến cái chết với mong muốn được giải thoát.

Cũng theo Tiến sỹ Cẩm Tú, chết không phải là hết. Đằng sau phản ứng tiêu cực đó là sự thiếu trân quý cuộc sống của bản thân người trong cuộc và nỗi đau của những người ở lại.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, không là con đường bằng phẳng mà luôn có những thử thách mà mỗi người cần vượt qua.

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi bạn trẻ khi gặp khó khăn, áp lực thay vì cố chịu đựng hãy mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng, tập cách suy nghĩ và xây dựng cảm xúc tích cực hằng ngày…

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con trẻ, thường xuyên trò chuyện, gần gũi, lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ của chúng và đừng đặt kỳ vọng quá lớn kẻo vô tình sẽ trở thành áp lực đè nặng lên con em mình - Tiến sỹ Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.