Vi phạm tại phòng khám đa khoa phía Nam (2)

Tự do phát tán nguồn lây lan dịch bệnh

ANTĐ - Những sai phạm tại Phòng khám đa khoa phía Nam (934-936 phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là đáng báo động với ngành y tế, chính quyền sở tại trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức hành nghề y, thực hiện quy định thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại.

Nhận thức trong quản lý, xử lý rác thải y tế của chủ và nhân viên nhiều phòng khám đang yếu kém

Quản lý lỏng lẻo

Ít nhất 2 “lỗ hổng” có thể chỉ ra, sau vụ cơ quan công an bắt quả tang nhân viên Phòng khám đa khoa phía Nam tuồn chất thải y tế nguy hại ra môi trường. Thứ nhất: Nhận thức, ý thức trong quản lý, xử lý chất thải y tế của chủ và nhân viên phòng khám này đều yếu kém; Thứ hai: Sự buông lỏng trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn việc phân loại, xử lý chất thải y tế nguy hại của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên môn với cơ sở. Theo bác sỹ Đỗ Phú Đông - Giám đốc Phòng khám đa khoa phía Nam: từ khi ông công tác ở phòng khám (tháng 5-2008) đến khi bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường CATP Hà Nội kiểm tra, phát hiện vi phạm, chưa có cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở việc xử lý chất thải y tế.

Thiếu tá Nguyễn Văn Châm - cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực y tế, thuộc Đội PCTP trong lĩnh vực y tế - VSATTP (Đội 6) Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ của đơn vị này, Hà Nội mới có khoảng 400 bệnh viện, phòng khám, cơ sở, trung tâm y tế ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại với đơn vị có chức năng, thẩm quyền theo quy định của Nhà nước, trên tổng số 2.600 bệnh viện, phòng khám các cấp. Đây thực sự là những con số “biết nói”, đáng báo động. Nhìn nhận công tác quản lý chất thải y tế ở “mảng” phòng khám, Thiếu tá Nguyễn Văn Châm cho hay: Hà Nội hiện có trên 1.500 phòng khám đa khoa - chuyên khoa; 708 phòng khám y học cổ truyền. Hầu hết các phòng khám đều thuê mở tại nhà dân, xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc đều vi phạm việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải y tế. “Nước thải y tế tại các phòng khám hầu hết đều xả thẳng ra môi trường” - Thiếu tá Nguyễn Văn Châm khẳng định.

Vẫn “nóng” nước thải y tế

Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, qua công tác nắm tình hình, kiểm tra các cơ sở y tế, việc xử lý chất thải ở nhiều bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội là không đảm bảo. Việc thu gom, phân loại chất thải “đầu nguồn” tuy được thực hiện, song khâu xử lý với chất thải rắn y tế nguy hại - tiêu hủy trong các lò đốt, nhiều bệnh viện bị phát hiện thực hiện không đúng kỹ thuật, không thường xuyên, thậm chí cố tình làm sai, dẫn tới khả năng tiêu hủy không hiệu quả, làm tăng nguy cơ phát thải các chất độc hại ra môi trường.

Với quy trình giám sát, kiểm tra, phân loại, xử lý chất thải y tế lỏng lẻo như hiện nay, việc “thất thoát” chất thải y tế là điều khó tránh - đại diện cơ quan công an thừa nhận.

Theo quy định hiện hành, tất cả các cơ sở y tế muốn xin cấp phép hoạt động, hành nghề y đều phải xuất trình hợp đồng ký kết thu gom, xử lý chất thải y tế với đơn vị chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng chỉ mang tính hình thức, cho đủ hồ sơ xin giấy phép và đối phó với cơ quan chức năng, không ít trường hợp hợp đồng chỉ kéo dài có 1 năm. Những năm sau đó, do ít bị các cơ quan chức năng kiểm tra, hoặc có nhưng được “tạo điều kiện” cho nộp phạt để tồn tại, nên nhiều chủ phòng khám có tư tưởng “nhờn luật”, coi nhẹ việc này. Cũng cần nói thêm, địa bàn Hà Nội hiện có duy nhất 1 công ty có chức năng, với 2 xe chuyên dùng vận chuyển, xử lý chất thải y tế, trên tổng số 2.600 bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế. Sự khan hiếm các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, có thể coi là một trong những nguyên nhân chính khiến loại chất thải nguy hiểm này không được thu gom triệt để, theo quy định trong vòng 48 giờ, nhất là đối với cơ sở phát sinh ít chất thải.

Việc các phòng khám ký hợp đồng, chuyển giao chất thải y tế cho các đơn vị, cơ quan không có thẩm quyền thu gom, xử lý như trường hợp Phòng khám đa khoa phía Nam là không ít. “Quá trình làm việc với chủ một số phòng khám, bệnh viện tư nhân ở nội thành Hà Nội, họ cho biết có ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế với đơn vị có chức năng, thẩm quyền, song công ty này không thường xuyên tới thu gom chất thải theo quy định, mà để lưu cữu nhiều ngày, dẫn đến việc thất thoát chất thải” - chỉ huy Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết. 

Về thực trạng xử lý nước thải y tế, Thiếu tá Nguyễn Văn Châm cho hay, đa số các bệnh viện cấp Trung ương, bệnh viện lớn ở Thủ đô đã đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên nước thải ở các bệnh viện vẫn chưa được xử lý triệt để vì máy móc, dây chuyền xử lý hay gặp sự cố, không vận hành được thường xuyên, do đó nước thải y tế từ một số khoa, phòng, buồng bệnh vẫn thất thoát ra môi trường, là nguồn phát sinh dịch bệnh. Riêng với các phòng khám, bệnh viện tư nhân, do hầu hết thuê mặt bằng của nhà dân, không có đủ điều kiện để lắp đặt, kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, nên toàn bộ nước thải ở những cơ sở này đang xả trực tiếp ra môi trường. Thực trạng này chắc chắn còn tồn tại một thời gian dài, bởi hầu hết các cơ sở y tế tư nhân đều “khai” xả nước thải dưới 10m3/ngày đêm để “thoát” bị đình chỉ hoạt động, quy định trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nghiêm trọng và Nghị định 117/CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.