"Tứ đại đồng đường"

ANTD.VN - Thành ngữ cổ nói về khao khát trường thọ của người Việt này giờ đây không mấy người còn mặn mà lắm. Đơn giản vì mới hơn nửa thế kỉ trước thôi tuổi thọ bình quân của người Việt còn rất thấp. Chỉ khoảng 40 tuổi vào quãng năm 1960. 

"Tứ đại đồng đường" ảnh 1“Tứ đại đồng đường”rồi “tam đại đồng đường” chẳng biết tự khi nào đã trở thành bài toán nan giải ở phố thị (Ảnh minh họa)

Tuổi thọ ấy mà mong đến tam đại đồng đường cũng là quá khó. Người ta thường ngưỡng mộ những gia đình “Tứ đại đồng đường” cũng là phải thôi.

Ở Hà Nội với những chăm sóc y tế có khá hơn các vùng nông thôn khác nhưng lũ trẻ đi học thập kỉ 60 cũng không nhiều đứa còn ông bà, cả nội lẫn ngoại. Đứa nào còn dù không đầy đủ lắm cũng là ao ước của đứa khác. Nhiều bậc phụ huynh phải tìm cách nhận bố mẹ nuôi chỉ để cho các con mình có ông bà. Tất nhiên là cứ nhận về mặt tinh thần thế thôi chứ cũng chẳng ai nuôi nấng các cụ được ngày nào bởi vì chế độ tem phiếu của mỗi người ngày ấy chỉ đủ nuôi thân một cách tùng tiệm nhất.

Tam đại đồng đường ở Hà Nội ngày trước cũng đều phải sống chung trong một căn nhà. Ngoài việc khó khăn về chỗ ở ra còn có vấn đề đạo lí rất được thiên hạ quan tâm. Ông bà mà ở riêng ắt hẳn là con cháu có vấn đề về cư xử, rất mang tiếng. Nhiều khi miễn cưỡng sống chung chỉ là để giữ gìn cái danh tiếng chẳng dùng vào việc gì ấy. Lũ trẻ được dạy dỗ nghiêm cẩn từ lời chào cho đến bữa ăn mời cơm phải theo một thứ tự nhất định. Cái thứ tự ấy ngày nay xem ra có vẻ bất bình đẳng giới nghiêm trọng. Nhiều cụ bà là người lo toan việc kiếm sống chủ yếu trong gia đình nhưng khi ăn cơm lũ trẻ vẫn phải mời cụ ông trước. Nhưng đã chẳng một ai ở Hà Nội có ý định sửa chữa nó cho đến tận bây giờ.

Gọi là khao khát “Tứ đại đồng đường” thế thôi nhưng hầu hết các cụ cho đến tận bây giờ cũng hiếm khi chuẩn bị gì đó khi có chắt nội ngoại. Có vài bậc trí giả khi về già nhận ra rằng mình sống hơi lâu. Phần lớn là không. Thật ngạc nhiên là người ta có thể bỏ thuốc bỏ rượu nhằm kéo dài tuổi thọ nhưng hầu như đã chẳng một ai có kế hoạch gì cho việc sống lâu của mình.

Khi tuổi thọ trung bình của người Việt được nâng cao lên như bây giờ là khoảng 73,5 tuổi thì chẳng cần khao khát mấy người ta vẫn có thể “Tứ đại đồng đường” được. Nó đã không còn là khao khát nữa. Và dĩ nhiên cũng ít người còn cảm thấy tự hào phúc đức gì. Ở nông thôn còn có mảnh vườn, con gà, con lợn làm vui. Ở thành phố gần như chỉ có cái ti-vi làm bạn. Cụ nào giỏi công nghệ còn có thể chơi facebook.

Những cụ không rành về internet đành ra quán cà phê đọc báo ké. Đấy là những cụ còn có lòng thương con cháu. Vài cụ thích vào bệnh viện nằm để có người nói chuyện mới là vấn đề đáng quan ngại. Ít nhất thì những cụ chưa già lắm hàng con phải đôn đáo thăm hỏi hàng ngày. Hàng cháu chắt cũng phải một tuần một lần đến thăm các cụ. Ở nhà thì không bao giờ tự đi lên tầng hai nhưng vào viện khỏe ra trông thấy. Thoăn thoắt leo lên tầng 4 một mình chẳng cần gậy.

"Tứ đại đồng đường" ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Chẳng chuẩn bị gì cho tuổi già có lẽ là tâm lí thị dân mới có sau ngày hòa bình 1954. Chế độ bao cấp cùng với khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội hình như đã gạt bỏ những việc không cần thiết và cũng không thể chuẩn bị. Người già sẽ sống cuộc sống hưu trí đủ đầy tem phiếu nếu như là cán bộ công nhân viên nhà nước. Dân thường sẽ đi chợ cho đến tận lúc mắt mờ chân chậm như một lẽ đương nhiên.

Tất nhiên số này ở thành phố như Hà Nội là ít. Họ chuẩn bị cho tuổi già một cách vô thức như vậy nhưng hóa ra lại là sự chuẩn bị kĩ lưỡng hoàn hảo nhất. Thế nhưng những người này ngày một ít đi bởi nhiều ngôi chợ trong phố đã biến thành siêu thị. “Cán bộ” bán hàng siêu thị dĩ nhiên cũng phải nghỉ hưu đúng tuổi. 

“Tứ đại đồng đường” chẳng biết từ lúc nào đã trở thành một bài toán nan giải ở phố. Và có vẻ như bài toán này ngày một phổ biến với mọi gia đình thị dân. Nhất là khi cái ăn cái mặc và thuốc men không còn thiếu thốn như trước nữa. Một cuộc khủng hoảng thừa thời gian của người già ngày một lan rộng và tăng cao không còn ở qui mô gia đình mà toàn thể xã hội.

Đã có nhiều người già chọn cho mình lối sống ở các trại dưỡng lão khỏi phiền đến con cháu. Thế nhưng chưa chắc đã bớt phiền hơn bởi thường thì các trại dưỡng lão chẳng bao giờ gần nhà mình. Con cháu sẽ mất tương đối thời gian vào việc thăm hỏi. Đó là còn chưa kể đến tiền bạc và những dị nghị của bàn dân thiên hạ.

Trong lúc chưa tìm ra lời giải cho bài toán thì người già vẫn phải sống. Người có chuẩn bị cho mình những thú vui về già chắc chắn cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng tiếc thay đó là những việc hết sức cá nhân chẳng thể phổ biến cho mọi người, mọi hoàn cảnh được.