Ngõ ngách quà vặt

ANTD.VN - Có những thứ trên đời tồn tại bởi ý nghĩa không hẳn là tốt đẹp của nó. Quà vặt chưa bao giờ mang hàm nghĩa tốt đẹp. Đồng dao xa xưa đã có câu “Thìa la thìa lẩy/ Con gái bảy nghề/ Ngồi lê là một/ Dựa cột là hai/ Nói dai là ba/ Ăn quà là bốn…”. Lại có ca dao cổ nói về chị em hay quà vặt “…Đi chợ thì hay ăn quà/ Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm…”

Phố cổ Hà Nội về đêm luôn náo nhiệt với những hàng quà vặt 

Quà vặt dĩ nhiên có xuất xứ từ những ngôi chợ làng quê. Chợ làng cho đến tận bây giờ vẫn không thể thiếu khu bán hàng quà vặt. Nhiều khi là những gánh hàng lớn bán đồ ăn thức uống cho nhiều người. Bình thường là vài gánh bún, cháo lòng tiết canh, mươi bìa đậu phụ nướng bày lên mẹt…thế là thành khu quà vặt. Ở Hà Nội vẫn còn khu quà vặt trong các chợ cũ như Đồng Xuân, chợ Hôm…Ở chợ Đồng Xuân còn có cả một Ngõ Chợ Đồng Xuân bán quà vặt. Đủ hết các món từ bún ốc, bún riêu cho đến phở trộn, miến, và bánh trái…

Hà Nội từng được gọi là đất Kẻ Chợ từ thế kỉ XVI. Hiểu nôm na ra là vùng đất của chợ búa buôn bán. Hàng quà vặt vì thế mà đông đúc hơn bất cứ nơi nào. Nó không còn gói gọn trong khuôn viên những ngôi chợ nữa. Hàng quà vặt len lỏi khắp phố phường cũng có thể được hiểu như nó đang hành nghề trong một ngôi chợ rất lớn.

Nghĩa của chữ quà vặt vốn không phải nói về những món ăn no như cơm. Người Việt cho đến tận bây giờ vẫn có nơi chưa đủ cơm ăn. Cho nên cái mong ước ngàn đời vẫn chỉ là “Bát cơm đầy với quả cà to”. Tục ngữ cổ có câu “Đói thì thèm thịt thèm xôi/ Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đường” hay “Không chim gì bằng chim gà/ Không quà gì bằng quà cơm” đủ thấy miếng cơm quan trọng như thế nào trong đời sống cư dân lúa nước. Nhiều món ăn bây giờ đã biến tướng không thể gọi là quà vặt được nữa.

Những con ngõ lớn Cấm Chỉ, Tạm Thương, Yên Thái, Ấu Triệu, Phất Lộc, Hàng Hành xưa nay đã nổi tiếng về quà vặt. Đó là những quán hàng cố định và giá bán không hề rẻ nhưng đồ ăn đúng là “đắt xắt ra miếng”. Buổi sáng chỉ cần lên Hàng Hành ăn đĩa xôi gà và thêm bát nhỏ bún thang là có thể cảm thấy đẫm đầy phong vị không đâu có. Ăn xong là cà phê các loại tùy theo sở thích từng người.

Ông “Lâm Toét” bán cà phê dạo, ông Tư Lùn bán phở xe đẩy ngày trước được gọi là hàng quà vặt. Người ta ăn bát bún, bát phở, bát miến lươn, uống cốc cà phê vào buổi tối hoặc sáng sớm như một món quà vặt chẳng thể no. Bún hoặc phở ngày ấy được bán bằng chiếc bát chiết yêu rộng miệng thót chân, nhỏ hơn cả chiếc bát ăn cơm bây giờ. Chỉ gọi là ăn lót dạ được thôi.

Giờ thì những thứ quà vặt dạng bún phở đã mang nghĩa khác. Nó là hẳn một bữa ăn no có thể vào buổi sáng, trưa và tối. Bát phở ở những vùng bên ngoài khu phố cổ Hà Nội thường lớn gấp rưỡi những hàng trong phố. Và chất lượng thì không bằng một nửa.

Quà vặt ở phố những năm chiến tranh bao cấp vẫn len lỏi khắp phố phường. Những khu vực cổng trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim là nơi tập trung đông đảo nhất. Những chợ quà vặt di động như vậy có đến hàng trăm thứ quà. Từ hoa quả, bánh kẹo cho đến ốc luộc, bún miến, xôi, ngô khoai sắn luộc đủ cả. Những món quà kẹo kéo, kẹo bông, bánh chín tầng mây, kẹo mạch nha, dầu cháo quẩy, bánh quấn thừng, táo dầm là món yêu thích của lũ trẻ ở trường.

Nhà văn Đỗ Phấn

Thanh niên nam nữ tay trong tay đến rạp xem phim thể nào cũng cầm theo búp giấy lạc rang mua ở cửa rạp. Người bán lạc rang đeo chiếc thùng gỗ lặc lè chống một chân đứng dựa vào tường nom rất vất vả thiểu não. Thế nhưng bàn tay điêu luyện ấy khi múc chiếc chén gỗ vào thùng lạc nóng hổi chưa bao giờ nhầm lẫn. Một búp lạc tối đa chỉ có đến 12 hạt là cùng. Ngồi 90 phút trong rạp xem phim các cô các cậu phải căn thời gian sao cho hạt lạc cuối cùng sẽ được thưởng thức vào lúc màn ảnh hiện lên dòng chữ “hết phim”.

Thành phố xây dựng hiện đại lên cũng đồng thời phải chỉnh trang lại gương mặt nhếch nhác vỉa hè. Quà vặt không còn được ngang nhiên bày bán trên phố nữa. Thế nhưng bán hàng quà vặt là việc nuôi sống nhiều gia đình. Có nhà trở thành nghề gia truyền, cũng có người chỉ mới tấp tểnh quang gánh ra chợ. Tiêu thụ quà vặt cũng là một nét truyền thống lâu đời của thị dân.

Hàng quà vặt buộc phải xâm lấn vào những ngõ ngách phố phường. Ngồi cố định cũng có, vãng lai cũng nhiều. Gần như tất cả những con ngõ nhỏ phố Đội Cấn đoạn từ Ngọc Hà ra mãi tận Liễu Giai đều là nơi hàng quà vặt chiếm lĩnh. Ngõ lớn như 140 Đội Cấn là hàng quà suốt từ bảnh mắt cho đến tận nửa đêm. Sáng sớm là hàng bún, hàng xôi, hàng bánh mì, hàng trứng vịt lộn, bánh chưng rán kê bàn ghế căng bạt che suốt chiều dài con ngõ. Buổi trưa là vài hàng cơm bụi tiếp quản cho đến chiều.

Tối đến là cả một “công trường” bánh xèo, ốc luộc, nem nướng ngổn ngang đun nấu dưới ánh đèn tù mù và bàn ghế nhựa ngồi sát đất. Nếu gọi con phố Đội Cấn là phố “Bánh xèo” thì kể cũng không ngoa. Cả mặt đường và trong ngõ đoạn phố này có đến hơn ba chục hàng bánh xèo.

Bánh xèo vốn không phải là món ăn bản địa Hà Nội. Nó thịnh hành chính là bởi thói quen quà vặt của thị dân mà thôi. Món này thời chiến tranh được làm bằng bột mì trong các gia đình chủ yếu là để ăn no thay cơm gạo. Cách làm tối giản đến mức trẻ con cũng làm được. Bột mì pha loãng với nước để nửa tiếng sau đem ra tráng như tráng trứng là xong. Giờ đây nó được biến tấu tùy theo khả năng tưởng tượng của mỗi người nhưng ít nhất phải có khoảng 15 thứ gia vị kèm theo. Nó được chia làm hai công đoạn. Xào nhân thập cẩm và tráng bánh gói vào.

Những con ngõ lớn Cấm Chỉ, Tạm Thương, Yên Thái, Ấu Triệu, Phất Lộc, Hàng Hành xưa nay đã nổi tiếng về quà vặt. Đó là những quán hàng cố định và giá bán không hề rẻ nhưng đồ ăn đúng là “đắt xắt ra miếng”. Buổi sáng chỉ cần lên Hàng Hành ăn đĩa xôi gà và thêm bát nhỏ bún thang là có thể cảm thấy đẫm đầy phong vị không đâu có. Ăn xong là cà phê các loại tùy theo sở thích từng người.

Ngõ ngách quà vặt Hà Nội chắc sẽ còn tồn tại lâu dài trong phố. Dù nghèo đói chiến tranh hay dư giả hòa bình thì nhu cầu quà vặt vẫn luôn là một nét sinh hoạt thị dân sang trọng mà bình dị.