Truyện tranh thương hiệu Việt Nam: Hướng đi đúng

(ANTĐ) - Truyện tranh là một loại hình giải trí thu hút rất đông sự quan tâm của thiếu nhi và cả lứa tuổi HS-SV. Sự sinh động, hài hước và ngộ nghĩnh trong từng câu nói, hình vẽ của các bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới: Doremon, Bảy viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppy… cho thấy sức hút và sự lan rộng đã khiến dòng truyện này tràn ngập, thống trị hoàn toàn thị trường truyện tranh Việt Nam một thời gian dài.

Truyện tranh thương hiệu Việt Nam: Hướng đi đúng

(ANTĐ) - Truyện tranh là một loại hình giải trí thu hút rất đông sự quan tâm của thiếu nhi và cả lứa tuổi HS-SV. Sự sinh động, hài hước và ngộ nghĩnh trong từng câu nói, hình vẽ của các bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới: Doremon, Bảy viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppy… cho thấy sức hút và sự lan rộng đã khiến dòng truyện này tràn ngập, thống trị hoàn toàn thị trường truyện tranh Việt Nam một thời gian dài.

Tuy nhiên, sự du nhập thái quá đã kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, lối sống, đạo đức của con trẻ. Những bộ truyện tranh với không ít lời nói thiếu văn hóa, cư xử không phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc, chưa kể đến những bộ truyện kích dục, yêu đương nhăng nhít, kích động chiến tranh, bạo lực đã làm đau đầu các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hóa.

Phải làm điều gì đó để cân bằng thị trường và tạo lập “style” truyện tranh của Việt Nam? Thực ra, truyện tranh mang dấu ấn của các nhà văn, họa sỹ Việt đã nhiều lần xuất hiện với các kế hoạch lớn, nhỏ khác nhau, như: Siêu nhân Việt Nam, Thần đồng đất Việt, Quạt mo Thần … nhưng tất cả chỉ là sự “ bộc phát”, manh mún, thiếu tính ổn định, chưa nói đến việc hình thành một phong cách riêng. 

Với ý tưởng “Truyện tranh Việt cho người Việt”, nhiều năm nay, “cặp bài trùng” Thiên Vương - Hùng Lân đã đi tiên phong trong hoạt động xuất bản và phát hành truyện tranh ở TP.HCM khi cho “ra lò” những bộ truyện: Dũng sĩ Hesman, Siêu nhân Việt Nam tạo nhiều lý thú với độc giả nhí trong thập kỷ 90 thế kỷ XX. Tuy nhiên mãi đến tháng 1-2011 này, một phong cách riêng cho truyện tranh Việt mới dần hình thành.

Những bộ truyện tranh thương hiệu Việt Nam
Những bộ truyện tranh thương hiệu Việt Nam

Giám đốc Công ty TVC Dương Thiên Vương cho biết: Muốn truyện tranh Việt mang dấu ấn người Việt, bản thân các nhà văn, họa sỹ phải có nền tảng tri thức lịch sử, văn hóa, vốn sống đầy đặn. Bên cạnh đó, sự tâm huyết, sự tập trung cao độ khi thể hiện, tính sáng tạo cá nhân trong từng vấn đề lựa chọn cũng là những yếu tố quan trọng khi tập hợp đội ngũ họa sỹ, tác giả kịch bản thực hiện bộ truyện tranh thuần Việt.

Để thực sự “Truyện tranh Việt cho người Việt”, cả năm 2010, giới làm truyện tranh TP.HCM đã tiến hành nhiều khảo sát xác định vị trí của sản phẩm mình làm ra trong quan hệ cung cầu với thị trường, đưa ra nhiều điều chỉnh định hướng thị hiếu độc giả để từ đó tiến tới xây dựng một đội ngũ và phong cách sáng tác riêng.

Có lẽ với những tiêu chí thực hiện bài bản và chắc chắn, chỉ trong thời gian ngắn, tháng 1-2011, thị trường văn hóa phẩm TP.HCM đã xuất hiện hàng loạt truyện tranh mới “Made in Việt Nam” như: Hiệp ước Rồng, Ngày nảy ngày nay, Vó ngựa Sài Gòn, Tư Ếch phiêu lưu ký, Chuyện lớp Mười A1, Hiệp khách trời Nam, Lam Sơn tiểu hiệp… và 2 bộ truyện tranh dành cho người lớn: Xác ướp và Truyền kiếp…

Tuy nhiên, để từ bạn đọc đến người phê bình, từ giới kinh doanh văn hóa phẩm đến lực lượng sáng tác, làm cho truyện tranh Việt Nam vượt qua được khúc quanh bão hòa của truyện tranh Nhật Bản và sự xa lạ của truyện tranh comic Âu, Mỹ… còn là quá trình dài hơi và vô cùng vất vả. Truyện tranh không phải là sản phẩm rẻ tiền chỉ dành cho thiếu nhi. Nhưng khi các nhà làm truyện tranh Việt Nam thay đổi được quan niệm ấy, đưa văn hóa, lịch sử và hơi thở cuộc sống vào truyện tranh, chắc chắn truyện tranh do chính lực lượng sáng tác trong nước thực hiện sẽ thu hút sự quan tâm của không chỉ thanh thiếu niên mà cả nhiều bộ phận bạn đọc khác.

Công Cẩn