Trường học không phải là “ốc đảo”

ANTĐ - Khẳng định trường học không phải là nơi học sinh có thể tránh được mọi thói hư tật xấu dưới tác động nhiều chiều của xã hội, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng việc giáo dục đạo đức học sinh cần xem lại về nội dung chương trình, tránh ôm đồm, thiếu chiều sâu và tận dụng được mọi sự tham gia của các lực lượng.
Trường học không phải là “ốc đảo”  ảnh 1
Học sinh có thể tiếp thu bài học rèn luyện đạo đức qua nhiều hoạt động tập thể phong phú


Hậu quả lớn từ chuyện nhỏ

Những phát ngôn, hành vi phản ứng quá khích của nhiều học sinh đang làm cho các bậc phụ huynh lo ngại về quan điểm, lối sống của thanh thiếu niên hiện nay. Vấn đề giáo dục đạo đức, rèn đức, rèn người trong nhà trường lại được lật lại khi không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra chỉ vì người lớn không kịp nắm bắt, giải quyết những bức xúc, khó khăn về tâm lý của lứa tuổi mới lớn.

“Vụ việc khiến chúng tôi suy nghĩ mãi là phản ứng quá mức của một nữ học sinh ngoan của trường THCS Tiền Phong, huyện Mê Linh. Chỉ vì mất khoản tiền quỹ lớp 500.000 đồng để chúc mừng các thầy cô nhân dịp 20-11, nữ học sinh này đã quyết định tự tử. Nếu như nhà trường, gia đình sớm tiếp cận được với suy nghĩ của học sinh đó để đưa ra những biện pháp định hướng khắc phục đúng đắn thì chúng ta đã không mất đi một học sinh ngoan” - ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ. Rất nhiều các vụ việc tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại dẫn đến hậu quả đau xót như va chạm trong giờ chơi hay tình cảm không được đáp ứng, nhiều học sinh đã chọn giải pháp đánh nhau gây thương tích hay tự làm mình thương tổn...

Dẫn chứng về trường hợp một học sinh Hà Nội có ý định tự tử , TS. Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý trường ĐH KHXH&NV, người tham gia tư vấn cho học sinh THCS cho biết, chỉ thiếu một bước khuyên nhủ, phân tích thì hậu quả khôn lường khi học sinh này đã quyết định tự tử vì gia đình mâu thuẫn, bố mẹ li dị. Vấn đề ở đây là học sinh đang ở độ tuổi chưa ổn định về tâm lý nhưng lại chỉ được tập trung quá nhiều cho học kiến thức mà thiếu văn hóa ứng xử, cách đối mặt với sức ép của cuộc sống, cách xử lý tình huống dẫn tới những hành vi bạo hành hay làm hại bản thân, TS. Phạm Mạnh Hà chỉ rõ.

Giáo dục đạo đức chưa đủ

Một thực tế mà ông Nguyễn Chí Thành, Trợ lý Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rút ra từ các cuộc khảo sát do đoàn giám sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại nhiều trường phổ thông cho thấy có vấn đề như nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế trong môn Đạo đức, Giáo dục công dân ở bậc học phổ thông. Băn khoăn về nội dung giảng dạy trong trường học, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng ngày càng có nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để đầu tư các khóa học rèn nếp, rèn người bên ngoài trường học. “Phải chăng với 1 tiết/tuần, 35 tiết/năm học, giáo dục đạo đức  chưa thực sự đi vào chiều sâu?” - ông Nguyễn Hiệp Thống đặt vấn đề. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, đạo đức học sinh hiện nay bị nhiều yếu tố tác động như môi trường xã hội, gia đình, Internet vì vậy trường học không phải là “ốc đảo” để các em tránh được mọi thói hư tật xấu. 

Thực tế trong các trường học, bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên cho biết, tiết Giáo dục công dân chỉ chiếm chưa đến 4% thời lượng các môn học, trong khi vấn đề rèn đức, rèn người lại là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy bên cạnh việc giáo dục đạo đức cho học sinh qua môn học này, nhà trường phải kết hợp với các bộ môn khác cùng các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể... 

Tuy nhiên, khó khăn mà bà Lý Thị Lương đưa ra là việc thiết lập quan hệ giữa nhà trường, gia đình với các cơ quan đoàn thể trong việc giáo dục đạo đức học sinh là cần thiết nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. “Cha mẹ học sinh còn nhiều người  chỉ đánh giá cao việc lĩnh hội kiến thức mà lơ là rèn luyện đạo đức của con em, hay nhiều phụ huynh mải lo mưu sinh nên chưa thật sự quan tâm đến sinh hoạt, học hành của con em, thậm chí có phụ huynh còn phó thác toàn bộ việc dạy dỗ cho nhà trường” - bà Lý Thị Lương cho biết. Cũng theo thực tế giáo dục nhiều năm, bà Lương nhấn mạnh việc phụ huynh chưa nêu gương tốt cho con em mình trong giao tiếp, hành xử, trong quan niệm, nếp sống khiến cho việc giáo dục đạo đức trong nhà trường vấp phải không ít khó khăn khi có độ chênh giữa bài học và thực tế.