Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024)

Một lần và mãi mãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tôi có may mắn và khẳng định luôn từ tít của bài viết này là “Một lần và mãi mãi”. Lúc đó, tôi mang quân hàm Thiếu úy được đứng chụp ảnh riêng với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ nghĩ vậy thôi đã là “mãi mãi” trong cuộc đời làm nghề của mình rồi!

Đã 20 năm mới đấy! Thời điểm đó, tôi được đồng chí Đại tá Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô gọi vào và giao nhiệm vụ đi làm phim kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với Đài Truyền hình Việt Nam do đạo diễn Nghiêm Nhan và chú Phạm Hùng (con trai cả của vị tướng tài ba Phạm Kiệt, người đầu tiên và duy nhất đưa ra ý kiến “Đánh chắc, tiến chắc”, “… rút pháo ra…”.

Đoàn làm phim tài liệu “Một quyết định sáng suốt” do Đài Truyền hình Việt Nam cùng Báo An ninh Thủ đô phối hợp thực hiện kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức ảnh “Đường lên Điện Biên”

Đoàn làm phim tài liệu “Một quyết định sáng suốt” do Đài Truyền hình Việt Nam cùng Báo An ninh Thủ đô phối hợp thực hiện kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức ảnh “Đường lên Điện Biên”

Dưới đây là những suy nghĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “... Tôi có may mắn được biết và làm việc với anh Phạm Kiệt. Tôi đã gặp anh lần đầu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) trong chuyến được Bác Hồ phái vào mặt trận miền Nam... Đặc biệt, tại mặt trận Điện Biên Phủ..., bản thân tôi đang suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm tác chiến. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh... Tôi đánh giá rất cao ý kiến anh Phạm Kiệt. Tôi càng thấy rõ, anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật không chút ngần ngại...” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “... Nói thẳng, nói thật cũng phải dũng cảm, hy sinh không kém gì xông pha trên chiến trường...”.

Chả phải vì lẽ quan trọng đó, mà tôi - một Thiếu úy mới đúng trong lực lượng Công an nhân dân đã chuẩn bị hết sức chu đáo cho nhiệm vụ quan trọng mà tòa soạn giao.

Tác giả - Thiếu úy Lưu Tường Lâm, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đến nhà riêng phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tác giả - Thiếu úy Lưu Tường Lâm, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đến nhà riêng phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lại nói là năm nay cả nước đang có lễ trọng - kỷ niệm 70 năm chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - “một chiến thắng bằng vàng”… như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá. Trong lúc tôi đang nghĩ phải viết gì cho sự kiện lớn của đất nước hôm nay, thì chú Phạm Hùng bất ngờ gửi cho tôi bức ảnh Quân ủy Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng gia đình cô chú, tôi thực sự ấn tượng và quyết định viết về những cảm xúc của mình về “Một quyết định sáng suốt” - bộ phim tài liệu do Đài Truyền hình Việt Nam cùng Báo An ninh Thủ đô phối hợp thực hiện đã phát sóng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Vậy mà đã qua 20 năm!

“Thủ trưởng là do cấp trên quyết định - ví như bàn tay phải. Thủ lĩnh là do anh em đồng đội tôn sùng - ví như bàn tay trái. Nếu bất cứ đơn vị nào, tổ chức nào có người chỉ huy vừa là thủ trưởng, vừa là thủ lĩnh - tức là tay trái và tay phải chập khít vào nhau thì sức mạnh của đơn vị đó, tập thể đó là vô địch, không có việc gì họ không làm được, không có khó khăn ác liệt nào họ không thể vượt qua, bất cứ kẻ thù hung bạo nào họ đều đánh thắng...”.

Trung tướng Phạm Kiệt (Trích sách “Danh tướng Phạm Kiệt - Bản lĩnh và tài đức”, Nhà xuất bản Công an nhân dân)

Lúc đoàn phim ngỏ ý với gia đình Đại tướng thì sức khỏe Đại tướng cũng không được như mong muốn, nhưng chú Phạm Hùng nói: “Không làm phim dịp này, thì khó có dịp khác”. Và với tư cách như người thân trong gia đình Đại tướng, nên đoàn phim chúng tôi đã được tạo điều kiện hết sức.

Chỉ riêng vào nhà Đại tướng để phỏng vấn cũng mất đến ba lần. Sau đó, đoàn phim phải lên Điện Biên phỏng vấn tiếp và ghi hình về Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuyện thêm một chút là lên tượng đài, chúng tôi may mắn lại được gặp họa sĩ Lê Hiệp - người đóng góp không nhỏ cho ý tưởng thiết kế tượng đài này. Tôi là người phỏng vấn, và sau này khi Báo An ninh Thủ đô đăng bài, thì bố tôi nhận ra họa sĩ Lê Hiệp là người bạn từ thuở hàn vi!…

Đến đoạn cuối, khi đoàn phim xong phần hậu kỳ, thì phải mang phim vào để báo cáo và cảm ơn gia đình Đại tướng, đồng thời có chuẩn bị kính tặng một tấm ảnh cỡ lớn có tên “Đường lên Điện Biên” của một nghệ sĩ nhiếp ảnh trong miền Nam (chụp toàn cảnh con đường lịch sử từ khi mới bắt đầu chiến dịch) mà bao mồ hôi, xương máu của dân tộc Việt Nam đã làm nên “trang sử vàng”, mà trong đó có không biết bao nhiêu những công sức, những hy sinh, những đóng góp hết sức to lớn vào quyết định lịch sử để có chiến thắng này!

Tác giả phỏng vấn họa sĩ Lê Hiệp (bên trái) tại chân Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004

Tác giả phỏng vấn họa sĩ Lê Hiệp (bên trái) tại chân Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004

Riêng với tác giả, xin được khẳng định đây cũng là “Một lần và mãi mãi”. 70 năm “chiến thắng vàng” khiến cả thế giới bàng hoàng. Xin được thành kính dâng một nén tâm hương cho các ông, các bà (gia đình tôi cũng đã có một Liệt sĩ là bác Bùi Tường Vân học pháo binh Trung Quốc và bác Bùi Thị Lý năm nay đã ngoài 90 tuổi, nguyên dân công hỏa tuyến gùi gạo từ Thanh Hóa lên Điện Biên) đã nằm xuống cho Tổ quốc bình yên, trong hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng!

Hà Nội, ngày 5-5-2024