Trung úy Chu Thanh Hương đang ấp ủ cuốn tiểu thuyết về đề tài hình sự

ANTĐ - Sau thành công của cuốn tiểu thuyết “Hoa bay” (Đoạt giải Nhất cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2007-2010), Trung úy Chu Thanh Hương cho biết chị đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết mới về đề tài hình sự. Chu Thanh Hương được coi là một nữ tác giả trẻ (26 tuổi) có nhiều triển vọng trong lực lượng nhà văn công an. Hiện chị đang công tác tại Công an tỉnh Lạng Sơn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
 
- Chào Trung úy Chu Thanh Hương, sau cuốn tiểu thuyết “Hoa bay” có rất nhiều điều đổi thay đối với chị, chị có thể chia sẻ về những đổi thay đó được không?

- Nếu có thay đổi rõ rệt nhất thì có lẽ là tôi nhận được nhiều động viên, chia sẻ và cả khích lệ trong việc viết văn từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các bạn độc giả. Thực ra, tôi vẫn chỉ là một kẻ ngoại đạo đến với văn chương vì sở nguyện cá nhân. Điều mới nhất của tôi hiện nay là gia đình tôi có thêm một thành viên tí hon, hơn nữa tôi cũng trở lại với công việc chuyên môn nên bận rộn hơn, cũng đã chiếm mất nhiều thời gian cho việc viết văn của tôi. 

- Sau khi “Hoa bay” đoạt giải chị có áp lực hơn trong sự nghiệp viết của mình?

- “Hoa bay”, tôi đã chắp bút tiểu thuyết này hoàn toàn bằng những cảm xúc của bản thân khi gặp gỡ những người phụ nữ bất hạnh không may bị lừa bán sang Trung Quốc. Thành công của “Hoa bay” là món quà tuyệt vời mà tôi may mắn có được. Cũng chính từ đây tôi đã được gia đình, người thân, đồng đội và nhiều độc giả yêu mến, cổ vũ động viên. Có lẽ vì thế mà tôi thấy vui nhiều hơn là bị áp lực. Nhưng nếu tiếp tục viết về đề tài công an, chắc chắn tôi sẽ lo lắng không biết tác phẩm này có bị ảnh hưởng của “Hoa bay” không? Mọi người có thích nó (và cả mình) nữa không?

- Tôi thì tin là trang viết của chị đã làm lay động tới những trái tim độc giả, vì thế nên sau khi “Hoa bay” xuất bản, nó đã có những hiệu ứng nhất định. Điều này là một niềm hạnh phúc mà không phải cây bút nào cũng có được!

- Quả thật, tôi có nhiều bất ngờ đối với mình sau khi xuất bản cuốn “Hoa bay”. Tôi đã ký hợp động chuyển nhượng bản quyền tác phẩm để xây dựng kịch bản phim truyền hình với Điện ảnh Công an nhân dân. Vừa qua với tác phẩm truyện ngắn “Ước mơ trong bão”, tôi đã vinh dự được nhận Giải nhì Cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi năm 2011 do NXB Kim Đồng tổ chức trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ sáng tác văn học dành cho thiếu nhi được sự tài trợ bởi Hội nhà văn Đan Mạch. Tác phẩm này đã được thai nghén và hoàn thành trong một lần đi công tác tại một phân trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Lạng Sơn, tôi đã bị ấn tượng mạnh mẽ khi thấy những em nhỏ dân tộc thiểu số vượt nhiều gian nan để đến trường.

- Có vẻ như chị dễ bị xúc động bởi những người phụ nữ và những đứa trẻ đáng thương?

- Nếu các nguyên mẫu của “Hoa bay” khiến người khác cảm thương, thì những em nhỏ đó khiến người ta phải cảm phục. Nếu “Hoa bay” phản ánh những gam màu u tối thì tôi đã mong “Ước mơ trong bão” là một gam màu sáng trong, tươi tắn của cuộc sống. Tôi thực sự rất vui vì tác phẩm đã được đánh giá cao.

- Và trong những “mảnh đời” mà chị gặp, chắc cũng có nhiều kỷ niệm?

- Trong một vụ án buôn bán phụ nữ, tôi đã gặp cả nạn nhân và thủ phạm. Nạn nhân là một cô gái trẻ khá xinh đẹp làm nghề đồng nát. Sau khi bị lừa bán, cô ấy đã phải chịu rất nhiều đau đớn tủi nhục, đứa con mới ba tháng tuổi trong bụng cũng bị chủ chứa người Trung Quốc ép làm cho sảy thai. Đến khi cô ấy được giải cứu thì lại bị gia đình chồng hắt hủi, không thừa nhận. Cô đành phải trở về nhà bố mẹ đẻ sống lầm lũi, cam chịu. Vậy mà kể lại cho chúng tôi những ngày tháng đau khổ của mình, cô ấy đã rất buồn nhưng không hề khóc. Cô nói rằng "Em đã khóc quá nhiều rồi". Trong khi đó, thủ phạm của vụ việc cũng là một cô gái trẻ, trước đây từng bị bán ra nước ngoài, nay trở về vì không có công ăn việc làm nên đã nhẫn tâm trở thành tú bà đi lừa bán những cô gái khác. Khi bị bắt, cô ta đã khóc như mưa như gió, kể lể sự tình như thể mình bị oan ức lắm.

- Chị muốn so sánh những giọt nước mắt của nạn nhân và thủ phạm?

- Vâng, đó là những giọt nước mắt đã lặn vào trong và những giọt nước mắt giả dối. Chính điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi, cũng chính từ đây tôi đã chắt lọc đặc điểm của cả cô gái nạn nhân và thủ phạm trong vụ án này để xây dựng nên nhân vật chính Vương Thị Hoa, một người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách, vừa hiền lành cũng vừa độc ác lẫn lộn đan xen. Trong chuyện, Hoa có nhiều khuôn mặt. Khi còn là một cô bé thì ngây thơ trong sáng với những hiềm tị rất trẻ con. Khi trưởng thành là một thiếu nữ thì bồng bột, mãnh liệt trong tình cảm. Khi hận thù thì trở nên xảo quyệt, đáng sợ. Tôi nghĩ trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp những khuôn mặt đó. Vương Thị Hoa đặc biệt chỉ vì đã được tập hợp nhiều cảm xúc, nhiều số phận và hoàn cảnh để tạo thành một câu chuyện thống nhất mà thôi.

- Chị đã có những dự định dài hơi cho mình một phong cách trong hành trình đến với con đường văn chương thời gian tới?

- Thực ra tôi không có khả năng viết những trang sách đạt được sự hoa mỹ của văn học. Tôi chỉ kể lại những câu chuyện mà mình đã chứng kiến, đã cảm xúc để chia sẻ với mọi người. Các nhân vật và tình tiết trong truyện đều là hư cấu, nhưng nỗi khổ mà những người phụ nữ là nạn nhân của tội ác buôn bán người phải chịu đều là có thật.

- Là một chiến sĩ công an, nhưng hình như các tác phẩm của chị lại không trực diện đề cập đến công việc của những chiến sĩ công an?

- Tôi học nghiệp vụ trinh sát điều tra, nhưng sau khi ra trường tôi được phân công công tác tại Đội tham mưu tổng hợp và kiêm nhiệm thêm công tác tuyên truyền trong lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn. Tuy không trực tiếp tham gia phá án, nhưng tôi đã được tiếp xúc với các vụ án hình sự nói chung và buôn bán phụ nữ nói riêng một cách đa chiều, khách quan như được gặp cả nạn nhân, thủ phạm. Qua quá trình phá án của cơ quan điều tra mới thấy rằng, không có vụ án nào là dễ dàng. Bởi với bất kì vụ án nào, dù lớn dù nhỏ thì những người chiến sĩ công an cũng phải dốc hết sức mình để làm sáng tỏ, đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân và bắt giữ thủ phạm đúng người, đúng tội. Trong các tác phẩm của tôi, đằng sau cuộc giải cứu những thân phận con người thì cũng lấp lánh chiến công của những người chiến sĩ công an. Tôi cũng muốn viết để bạn đọc thêm hiểu về sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an nhân dân trong thời đại mới - điều mà không phải ai cũng hiểu.

- Và chắc chắn sẽ có một tập tiểu thuyết viết riêng cho những người chiến sĩ công an?

 - Tôi đang ấp ủ nhiều đề tài cho mình trong thời gian tới, nhưng có lẽ vẫn sẽ là một tác phẩm liên quan đến ngành công an. Đặc biệt là những trang tiểu thuyết về đề tài hình sự.

- Xin cảm ơn trung úy và xin được chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của chị!