Trưng bày “Mặt khác” tấm lòng của những người con Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trưng bày “Mặt khác” - cuộc chơi của 3 “trai phố cổ” Nguyễn Việt Hà, Lê Thiết Cương và Đinh Công Đạt không chỉ đẹp về tính nghệ thuật mà còn ở cả tấm lòng khi các nghệ sĩ quyết định sẽ dành tặng toàn bộ số tiền bán tác phẩm cho quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của An ninh Thủ đô, nhằm giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống.

Nghĩa đồng bào trong lúc hoạn nạn

Đây không phải lần đầu tiên, Báo An ninh Thủ đô và các nghệ sĩ chung tay giúp đỡ nhân dân trong lúc gặp khó khăn. Trước đó, vào năm 2020, giữa “cơn bão” đại dịch Covid-19 cướp đi mạng sống của nhiều người, Báo An ninh Thủ đô đã phối hợp cùng Công ty Indochine Art tổ chức đấu giá tranh trực tuyến, nhằm tiếp sức đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Sự kiện đã lan tỏa và tạo điểm nhấn trong bối cảnh nhà nhà, người người cách ly, giao thông ngưng trệ. Chương trình “Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid-19” đã thu được hơn 500 triệu đồng sau 6 phiên đấu giá.

Lần này, trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra cho người dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, Báo An ninh Thủ đô tiếp tục cùng 3 nghệ sĩ Hà Nội là họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, nhà văn Nguyễn Việt Hà gây quỹ, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Với tên gọi “Mặt khác”, buổi trưng bày giới thiệu tới người xem 150 mặt nạ giấy bồi và gốm, được trang trí, viết chữ nhằm tôn vinh Hà Nội. Nguyễn Việt Hà viết câu văn từ cuốn sách đã in của mình lên những chiếc mặt nạ của chính bản thân, Lê Thiết Cương dùng các câu kinh đã từng viết lên gốm, còn Đinh Công Đạt lại dùng những ô màu, hoa văn họa tiết từ các con phố và món ăn quen thuộc.

Nhà báo Chu Quốc Dũng - Phó trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô gửi lời cám ơn họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã đồng hành cùng tòa soạn An ninh Thủ đô hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3

Nhà báo Chu Quốc Dũng - Phó trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô gửi lời cám ơn họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã đồng hành cùng tòa soạn An ninh Thủ đô hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3

Trưng bày “Mặt khác” tôn vinh sự đa dạng và phong phú của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Với họ, Hà Nội không chỉ là một địa danh với những danh thắng và kiến trúc đẹp mà còn là một thế giới văn hóa sâu sắc, đa chiều, nơi mà mỗi con người, mỗi đường phố đều mang trong mình một câu chuyện ý nghĩa cũng như sự đặc biệt riêng. Bằng đam mê và tâm huyết, các nghệ sĩ đã làm nổi bật những giá trị tinh túy của Hà Nội khiến thành phố này trở thành một biểu tượng vĩnh cửu, chứa đựng những con người, những câu chuyện văn hóa không thể nào quên.

Không gian trưng bày “Mặt khác” tại 22 Hàng Buồm, Hà Nội

Không gian trưng bày “Mặt khác” tại 22 Hàng Buồm, Hà Nội

70 tác phẩm được bán hết trong vòng 1 giờ

Có thể thấy, trong trưng bày “Mặt khác”, 3 nghệ sỹ đã có cách tiếp cận khác. Họ không cố tạo ra sự khác biệt mà đã sử dụng các yếu tố quen thuộc và kỹ thuật truyền thống để truyền đạt thông điệp của mình. Họ tạo ra sự khác biệt bằng chính những hình thức cũ kỹ, chủ đề cũ kỹ, đối tượng nghệ thuật cũ kỹ. Với 150 tác phẩm mặt nạ, họ chỉ muốn đưa ra điều duy nhất: Hà Nội là sự tinh tế, lịch lãm và sẽ mãi mãi tồn tại.

Triển lãm thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật tới thưởng lãm các tác phẩm (Ảnh: Thuần Thư)

Triển lãm thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật tới thưởng lãm các tác phẩm (Ảnh: Thuần Thư)

Nghệ sĩ Piano Trần Khôi Việt biểu diễn trong chương trình (ảnh: Thuần Thư)

Nghệ sĩ Piano Trần Khôi Việt biểu diễn trong chương trình (ảnh: Thuần Thư)

Đến tham quan trưng bày, chị Đỗ Thanh Hương ở 61 phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị thấy vừa thân quen, vừa mới lạ khi nhìn ngắm những chiếc mặt nạ nghệ thuật. Bởi với những người sống lâu ở khu phố cổ, “Mặt khác” tôn vinh những “phố Hàng” thân thương, ẩm thực Hà thành nức tiếng bốn phương. Đặc biệt, cùng chị Thanh Hương tới triển lãm là một người bạn ngoại quốc và anh đã mua ngay 2 tác phẩm. Thậm chí anh còn muốn sở hữu một số tác phẩm khác nhưng đã chậm chân hơn so với một số nhà sưu tập người Việt.

Chia sẻ tại lễ khai mạc trưng bày, nhà báo Chu Quốc Dũng - Phó trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô chia sẻ, ông đã được xem tác phẩm của 3 nghệ sĩ được trình bày trên bản in và bản điện tử của Báo An ninh Thủ đô. Tuy nhiên, khi xem tận mắt mới cảm thấy rõ hơn, ấn tượng hơn về cái đẹp trong từng tác phẩm. Mỗi mặt nạ cùng triết lý viết trên nó như có sự ngưng đọng trong không gian phố cổ ở trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, đó là điều lý thú và tuyệt vời với mỗi người thưởng lãm.

Du khách nước ngoài thưởng lãm tác phẩm

Du khách nước ngoài thưởng lãm tác phẩm

Và điều tuyệt vời hơn là 3 nghệ sĩ đã nghĩ đến Báo An ninh Thủ đô để có sự đồng hành, sẻ chia cùng người dân các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. “Cám ơn các nghệ sĩ, các nhà hảo tâm, các độc giả của Báo An ninh Thủ đô đã nghĩ đến nghĩa đồng bào trong thời điểm này. Chúc 3 nghệ sĩ sẽ bền lâu bên nhau và có thêm nhiều dự án nghệ thuật ý nghĩa” - nhà báo Chu Quốc Dũng nhấn mạnh.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Tác phẩm của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Đáng mừng, chỉ sau 1 tiếng đồng hồ kể từ khi khai mạc, 70 tác phẩm đã được sưu tầm. Toàn bộ số tiền mua tác phẩm sẽ được chuyển về tài khoản của Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô để góp phần sẻ chia với đồng bào bị bão lụt. Trưng bày “Mặt khác” sẽ còn kéo dài tới 1 tháng, do vậy những người làm công tác tổ chức có quyền hy vọng về việc bán hết toàn bộ tác phẩm.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chúng tôi là mặt chùa, mặt phố và mặt chợ

Cách đây 6 tháng, chúng tôi bàn nhau về việc làm một dự án nghệ thuật chung. Ý định là sẽ tổ chức vào dịp Trung thu, mà vào dịp trăng tròn, đồ chơi của trẻ em là mặt nạ.

Bên cạnh đó, 3 chúng tôi đều sinh ra và lớn lên tại khu phố cổ, khu lõi của Hà Nội. Ban đầu chỉ có như vậy, nhưng sau đó nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã tạo hình mặt nạ từ gương mặt thật của 3 chúng tôi. Từ đó, mỗi người sẽ tự đưa ý của mình lên tác phẩm. Đối diện nhà tôi là chùa Lý Quốc Sư nên tôi sẽ là “mặt chùa”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cùng những người bạn tham dự khai mạc triển lãm

Họa sĩ Lê Thiết Cương cùng những người bạn tham dự khai mạc triển lãm

Còn anh Nguyễn Việt Hà là “mặt phố” bởi anh Hà là nhà văn viết nhiều tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn về Hà Nội. Đinh Công Đạt là “mặt kẻ chợ”, vì sinh ra ở phố Hàng Buồm. Từ “mặt chùa”, tôi nghĩ ra thể loại mặt nạ giấy bồi và mặt nạ gốm. Tất cả những mặt nạ gốm tôi ghi những câu kinh điển của nhà Phật. Mặt nạ giấy bồi tôi ghi những câu nổi tiếng của các thiền sư, nhà thơ nổi tiếng thời Lý, Trần như Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông... Nhiều người hỏi tôi về ý đồ bán tác phẩm gây quỹ từ thiện. Thực ra tôi không có ý gì cả, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, mình là họa sĩ thì chỉ biết vẽ tranh, vẽ mặt nạ rồi bán cho nhà sưu tầm, để có tiền làm việc thiện.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: Dám đưa cái mặt của mình ra để chơi đùa

Gần 30 năm ngồi với nhau không thể nói là gặp gỡ, quen biết mà là chịu đựng nhau. Nói gặp gỡ không thể tả hết nỗi niềm 30 năm ấy đâu. 30 năm mà không làm cái gì chung thì cũng thật kỳ quặc. Cách đây khoảng 1 năm, tôi nghĩ sẽ làm một dự án nghệ thuật chung, trong đó ai cũng phải làm phần của riêng mình. Đề bài là làm một cái chung với nhau nhưng phải rất khác nhau. Cuối cùng, chúng tôi làm 3 mặt của 3 người, vì không bị vướng bản quyền. Hơn thế, mình dám đưa cái mặt của mình ra để chơi đùa.
Cá nhân tôi, dù là một nhà điêu khắc, tôi cũng loay hoay để tôn vinh Hà Nội trên mặt nạ gốm và giấy bồi. Tôi vẫn nhớ, ngày xưa có những “tay chơi” nổi tiếng Hà thành là Cường “Hàng Đồng”, Thắng “Hàng Vải”, Trường “Hàng Chiếu”… Tên người gắn với tên phố, tên phố đã gắn với số phận mỗi người. Và tôi nghĩ ra sẽ lấy tên phố và món ăn Hà Nội để đưa vào nghệ thuật. Tôi muốn thánh hóa món ăn chúng tôi ăn hàng ngày, thánh hóa những con phố. Tôi nghĩ, nó đã là thánh rồi, mỗi người nhắc tới một chút thì sẽ trở nên hiện hữu.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Chọn mặt nạ để cùng “múa ba”

- Phóng viên: Là một nhà văn từng có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết viết về Hà Nội, nhưng với trưng bày “Mặt khác”, nhiều người khá bất ngờ khi Nguyễn Việt Hà lại đứng chung sân với các nghệ sĩ tạo hình?

- Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Ở trưng bày “Mặt khác”, tôi vẫn là một nhà văn thôi (cười). Ở đây, tôi lựa chọn các câu văn độ 7 - 8 chữ từng xuất hiện trong các tác phẩm tôi viết về Hà Nội rồi tự tay đề lên mặt nạ do nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tạo dáng. Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt từng nhiều lần hợp tác với nhau mà chúng tôi vẫn hay nói đùa rằng, đó là các cuộc “múa đôi”. Còn lần này, ở cuộc “múa ba” của tôi, Đạt và Cương, chúng tôi lựa chọn thể loại điêu khắc mặt nạ để cả 3 cùng đứng chung trong một cuộc ra mắt của giới tạo hình. Dẫu vậy, phần của tôi được xem như nhẹ nhàng nhất, tôi chỉ viết và viết.

- Dù chỉ với vài câu chữ ngắn gọn trên mặt nạ nhưng cũng đủ để gợi lại những tác phẩm từng xuất bản của anh như “Tuyệt không dấu vết”, “Giọng của phố”… Là một nhà văn yêu Hà Nội và viết về Hà Nội, hẳn anh có chủ ý muốn gửi tới người xem?

- Những quan niệm về phố Hà Nội, Hà Nội có những phẩm tính gì, tôi đã viết trong tiểu thuyết, truyện ngắn. Nhiều lần tôi đã nói, Hà Nội không của riêng ai và ai cũng có một kiểu Hà Nội của riêng mình. Hà Nội là một thành phố văn hóa. Tôi nghĩ, những ai đã sống lâu ở Hà Nội, đến một thời điểm nào đó, đến độ nào đó đều thăng hoa trở thành nghệ sĩ. Có người thì hát, múa, vẽ, còn tôi là viết văn. Thổ nhưỡng của Hà Nội, nền tảng văn hóa của thành phố này rất dày, vì thế Thủ đô có nhiều văn nghệ sĩ, có những con phố có nhiều văn nghệ sĩ sinh trưởng ở đó. Đó là điều đương nhiên, tự nhiên như giời đất, không có gì bí hiểm cả. Tất nhiên, mỗi vùng đất đều có cái hay riêng, nhưng ở Hà Nội, cái độ lãng tử, tài hoa cũng được coi là một phẩm chất. Do vậy, mặt nạ sẽ chỉ là mặt nạ, còn khi được nhìn qua lăng kính nghệ sĩ lại trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

- Giả dụ có thêm một cuộc “múa ba” nữa thì liệu anh có tiếp tục chọn Hà Nội không?

- Chúng tôi đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Mỗi người yêu Hà Nội theo một cách riêng và từng nhiều lần đề cập đến tình yêu ấy trong các tác phẩm của mình. Trước dự án “Mặt khác”, chúng tôi đã dự tính sẽ làm một dự án nghệ thuật về vỉa hè Hà Nội, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Tôi nghĩ, để có thể lôi kéo một nhà văn vào dự án nghệ thuật tạo hình thì cách dễ nhất là để anh ta vẫn đóng vai trò là người viết. Nhà văn sẽ vẫn tiếp tục mạch viết của mình ở mảng mà anh ta yêu thích. Với tôi, đó chính là Hà Nội.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thanh Xuân (Thực hiện)