Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” kỷ niệm 51 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng ngày 6/12, nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 51 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2023), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến”. 

Trưng bày nhằm giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng Không quân và Hải quân Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu vượt qua mất mát, đau thương, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” .

Trưng bày cũng giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973 – 2023).

Khách tham quan trưng bày

Khách tham quan trưng bày

Tại buổi giới thiệu trưng bày “Thang âm cuộc chiến”, du khách được gặp gỡ 2 nhân chứng lịch sử là: Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đài trưởng đài Radar P35, Đại đội 45, Trung đoàn Radar 291, Quân chủng Phòng không Không quân và ông Nguyễn Văn Hùng, pháo thủ số 1, Trung đội tự vệ nhà máy cơ khí Lương Yên tham gia bắn rơi 1 máy bay F111, tối 22/12/1972.

Ông Nguyễn Văn Hùng, pháo thủ số 1 Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên, người tham gia bắn rơi 1 máy bay F111, tối 22/12/1972 cho biết, ông làm việc tại Nhà máy Cơ khí Lương yên nên được tham gia Liên đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên, Nhà máy Cơ khí Mai Động và Nhà máy Gỗ Hà Nội trực chiến tại trận địa vân Đồn. Trận địa có nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu cầu Long Biên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện 108 và một số mục tiêu khác.

“Tối 22/12/1972, các đơn vị vào trực súng. Khi có lệnh bắn từ chỉ huy, tôi bắn 9 viên, anh Cường (Nhà máy Gỗ Hà Nội) bắn 6 viên, chị Hiếu (Nhà máy Cơ khí Mai Động) bắn 4 viên. Tổng cộng 19 viên. Khói mịt mù. Vài ngày sau, chiếc F111 được xác định rơi ở Hòa Bình. Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng tôi chưa bao giờ quên được khoảnh khắc đó”, Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Ông Thomas - con trai Trung tá hải quân Wilber chia sẻ tại lễ khai mạc trưng bày.

Ông Thomas - con trai Trung tá hải quân Wilber chia sẻ tại lễ khai mạc trưng bày.

Đặc biệt, tại trưng bày, du khách còn được lắng nghe những lời chia sẻ của ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber người bạn từ bên kia chiến tuyến, đã có mặt và chia sẻ những cảm nhận vô cùng xúc động về quãng thời gian cha ông ở Việt Nam, bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò.

Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber sinh năm 1930 tại bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Tháng 4/1968, khi bắt đầu tham chiến tại Đông Nam Á, ông đã có gia đình với 3 con trai và 1 con gái. Ngày 16/6/1968, Walter Eugene Wilber cùng Bernard Francis Rupinski lái máy bay F4J Phantom II, ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chiếc F4J Phantom II bị phi công Đình Tôn, lái máy bat MiG21 bắn rơi tại Đô Lương (Nghệ An). Người đồng đội tử nạn, còn Wilber nhảy dù, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An. Ông bị bắt và chuyển về trại giam Hỏa Lò. Ngày 12/2/1973, Trung tá Hải quân Wilber được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Ông Thomas - con trai Trung tá hải quân Wilber cho biết, ông rất xúc động khi trở lại Việt Nam và có mặt tại nhà tù Hỏa Lò. Đây là lần thứ 43, ông trở lại Việt Nam. Cha ông - Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber đã ở nhà tù Hỏa Lò từ năm 1968 đến năm 1973, một khoảng thời gian không phải là dài so với lịch sử hình thành của nhà tù Hỏa Lò, nhưng đó là thời gian ông phải sống xa bố. Khi nhận được bức thư bố gửi cho ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 17 tuổi từ Việt Nam, ông đã vỡ òa cảm xúc. Những lời căn dặn của bố trong bức thư đó vẫn nhớ cho tới hôm nay.

Bức thư có nội dung: "Chúc mừng sinh nhật con trai. Tuổi 17 là khoảng thời gian thật vui. Chân trời đang rộng mở ra trước mắt và con sẽ trở nên tự tin hơn. Đừng bỏ lỡ bất cứ ngày vui nào của tuổi trẻ, thế nhưng vẫn phải tiếp tục rèn luyện thân thể và tâm trí của mình, đặc biệt là học cách suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Hãy thành thật, nhưng đừng trở nên sợ hãi trước đám đông. Bố không biết gửi cho con thứ gì ngoài tình yêu của bố và những lời chúc tốt lành nhất. Con biết đấy, lòng tin và sự yên lành vốn chỉ là những từ ngữ sáo rỗng cho tới khi ta thực hiện nó bằng cả kỷ luật".

Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” được thể hiện qua 3 nội dung: "Khúc ca chiến thắng", "Dòng ký ức" và "Chung tay hàn gắn", kéo dài đến ngày 30/6/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.