Trói người, buộc mình

ANTĐ - Hạnh phúc tan vỡ, thay vì đối diện với thực tế, nhiều người tìm cách “trả thù” bằng việc nhất định không ly hôn. Tuy nhiên, “trói người” cũng có nghĩa buộc mình vào đau khổ, bất hạnh. 

Bỗng dưng mất tích

Chị Trần Thu Nga (quận Hai Bà Trưng) lấy chồng được 6 năm nhưng chỉ sống với chồng có 2 năm. 4 năm trước, chồng nói theo bạn đi buôn bán ở Lạng Sơn nên thường vắng nhà lâu ngày. Trước thì 2-3 tuần về nhà một lần, sau thì vài tháng, đến nửa năm. Cuối cùng anh ta biệt tích hẳn. Chờ đợi vô vọng trong 4 năm, chị Nga đưa đơn ra toà án, yêu cầu tuyên bố mất tích để tìm kiếm hạnh phúc mới.  

Nhưng thông báo chưa được ít lâu thì chồng chị Nga đột ngột trở về. Anh ta cho biết, mình đi buôn bán, mải việc chứ nhất định không chịu bỏ vợ con. Trong khi đó, chị Nga đang yêu một người khác, chỉ chờ xong thủ tục ly hôn thì vui duyên mới. Việc chồng chị trở về, khăng khăng đòi “giữ vợ” khiến chị rối như tơ vò. Người bạn trai mới thấy vậy cũng nhãng ra. Chị chẳng còn chút tình cảm nào với chồng nhưng không thể đuổi anh ta ra khỏi nhà. 

Thẩm phán Đinh Công Thế (Tòa án quận Hoàng Mai) cho biết, nếu người nào đó bỏ đi khỏi nơi cư trú trong vòng 2 năm thì người nhà có thể yêu cầu Toà án ra tuyên bố người đó mất tích. Toà án sẽ thụ lý hồ sơ, tiến hành các thủ tục, xác minh, đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 4 tháng, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích không xuất hiện thì Toà sẽ ra thông báo, sau đó sẽ tiến hành ly hôn vắng mặt nếu được yêu cầu. 

Theo ông Đinh Công Thế, những trường hợp người chồng hoặc người vợ “bỗng dưng” đi biệt tích như vậy thường rơi vào cảnh gia đình khó khăn, người vợ hoặc người chồng làm nghề tự do, nay đây mai đó, đến lúc tìm được một nơi “khấm khá” thì theo luôn, chẳng nhớ gì đến quê hương hay vợ con ở nhà nữa... Họ không muốn quay lại cuộc sống vất vả trước kia hoặc không dám đối mặt với sự trách móc, dằn vặt của người thân. Nhưng cũng có người sau khi bị tuyên bố mất tích lại đột ngột trở về “đòi quyền lợi” khiến những người trong cuộc dở khóc, dở cười. 

Trốn chạy thực tại

Anh Hà Ngọc Hải (quận Đống Đa) cũng trong tình trạng dở khóc dở cười khi người vợ đã bỏ đi biệt tích nay trở về kiện anh vì tội “chung sống như vợ chồng” với người khác. Anh Hải lấy chị Yến được 2 năm, con gái mới 1 tuổi thì mâu thuẫn trầm trọng. Chị Yến cho rằng chồng ngoại tình, gia đình chồng hành hạ nên bế con về nhà mẹ đẻ. Cho dù chồng van xin quay lại nhưng chị Yến vẫn nằng nặc không chịu. Hai vợ chồng chỉ còn trên danh nghĩa. Bận việc, cũng ngại giấy tờ rắc rối, ra Tòa mất thời gian nên anh Hải và chị Yến cũng chẳng tính đến chuyện ly hôn. 

Sau đó, chị Yến ra nước ngoài du học 2 năm. Trong thời gian đó, anh Hải yêu một cô gái và tính đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, khi anh đến nhà xin địa chỉ chị Yến để gửi hồ sơ ly hôn thì gia đình chị Yến không cho. Nghĩ rằng, hai vợ chồng chỉ còn trên danh nghĩa, anh Hải vẫn lấy vợ mới (chưa đăng ký kết hôn) và có 1 con riêng. 

Sau khi về nước, nghe người nhà kích động, chị Yến đã gửi đơn kiện anh Hải về tội “chung sống như vợ chồng với người khác” trong khi vẫn có vợ con. Theo Luật, ngoài chuyện phạt tiền, anh Hải có khả năng bị tù hoặc tù treo. “Tình nghĩa không còn, vợ chồng đoạn tuyệt quan hệ đã 5 năm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản cô ấy về nước sẽ làm thủ tục ly hôn là xong. Tôi không hiểu cô ấy còn níu giữ tôi để làm gì?” – anh Hải đau khổ. 

Tương tự, chị Bùi Thị Trúc (Ba Đình) lấy nhau được 9 năm thì chị nghi ngờ chồng ngoại tình, tìm đến cơ quan đánh ghen ầm ĩ. Tình địch thì không bắt được nhưng chồng chị được một phen xấu hổ. Không chỉ thế, chị thường xuyên theo dõi chồng, gọi điện kiểm soát, lên tận phòng làm việc của chồng bóng gió về việc chị sẽ cho “con hồ ly tinh thân tàn ma dại nếu còn quyến rũ chồng bà”. Chồng chị từ mệt mỏi đến chán ngán. Thấy thế, chị càng lồng lộn, mắng chửi chồng vô ơn bạc nghĩa. Trong trận chiến cuối cùng, chị Trúc còn mang cả bố mẹ chồng ra đề nghị “dạy con trai cho tử tế”, chồng chị đã quyết liệt viết đơn ly hôn. Nhưng chị Trúc nhất định không ký vì “bao năm tôi vất vả gây dựng gia đình, nuôi chồng trơn lông đỏ da, quyền cao chức trọng, lại thả để anh ta đi theo con trẻ đẹp khác hay sao”. 

Chị Trúc không ký đơn ly hôn, chồng chị vẫn đơn phương gửi đơn ra Toà án quận. Khi toà có giấy triệu tập, chị cũng không ra. Tổ hoà giải đến chị không tiếp… Chị cho rằng mình cứ giả câm giả mù nhất định không chịu “xuất đầu lộ diện” thì anh làm sao mà ly hôn được. 

Tuy nhiên, thẩm phán Đinh Công Thế cho biết, theo Luật Hôn nhân gia đình, sau khi Toà án phối hợp với địa phương, làm công tác hoà giải không thành và nguyên đơn vẫn khăng khăng ly hôn thì muộn nhất là sau 4 tháng Toà sẽ xử đơn phương ly hôn. Đến lúc như vậy quyền lợi của những người vợ, người chồng tự cho mình “mất tích” trước pháp luật như vậy sẽ rất thiệt thòi. Họ từ chối quyền được trình bày trước Toà án, yêu cầu phân chia tài sản và quyền trợ cấp nuôi con theo luật định. 

“Khi hôn nhân rạn nứt đến độ không thể cứu vãn, hai vợ chồng không còn sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau thì mỗi người nên bình tĩnh tìm cách giải quyết thấu đáo. Việc đóng chặt cánh cửa giao tiếp, quay lưng lại với thực tại, kiên quyết không ly hôn không phải là cách để bảo toàn hạnh phúc. Bởi vì, khi đối phương không còn tình cảm thì sự trả thù chỉ khiến mình tổn thương mà thôi. Khi hôn nhân đã cạn tình, ly hôn không phải là lựa chọn cuối cùng mà là một lối thoát mới, một tương lai mới đang chờ bạn” – chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.