Trên 230.000 lượt người dự Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 12 ngày tổ chức liên tiếp, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã bế mạc vào tối 28/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đặng Thị Phương Hoa cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội.

Ban tổ chức cho biết, Lễ hội đã thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp nhân dân.

Lần đầu tiên, một Lễ hội diễn ra ở xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước.

12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu.

Cùng với đó, Lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Đồng hành với Lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm; 90 cơ quan báo chí với hơn 1.000 tin, bài viết về Lễ hội.

Thống kế của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho thấy, trong 12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm “chuyến tàu di sản”, tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Một tiết mục biểu diễn tại lễ bế mạc

Một tiết mục biểu diễn tại lễ bế mạc

Các hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, hội nghị, hội thảo diễn ra tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người. Đáng chú ý là Lễ khai mạc diễn ra tối 17/11 với sự công phu, hoành tráng, đặc biệt chương trình nghệ thuật “Dòng chảy” được trình diễn theo phong cách thực cảnh và sân khấu đương đại vừa chuyển tải được văn hóa nghìn năm vừa toát lên tinh thần sáng tạo Hà Nội.

Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội thu hút sự tham gia của các đại biểu nước ngoài là các thành phố thành viên của Mạng lưới tại ASEAN và các thành phố có sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ Hà Nội tích cực trong khu vực châu Á.

Không gian nhà máy Xe lửa Gia Lâm được khoác lên mình tấm áo mới nhờ sự sáng tạo của cộng đồng thiết kế.

Không gian nhà máy Xe lửa Gia Lâm được khoác lên mình tấm áo mới nhờ sự sáng tạo của cộng đồng thiết kế.

Tọa đàm quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” có sự tham dự của 3 thành phố sáng tạo Vương quốc Anh đã tham vấn nhiều giải pháp tích cực để Hà Nội phát triển Thành phố sáng tạo.

Hội thảo: “Đề án xây dựng công viên văn hoá cảnh quan bãi giữa sông Hồng – Tầm nhìn và giải pháp” do Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc, UN- HABITAT và các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên tổ chức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình hành các không gian xanh, an toàn, tiện ích nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp văn hoá…

Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội diễn ra từ ngày 17 – 28/11/2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố. Lễ hội do UBND.TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức; với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan.

Mùa tổ chức lần thứ 3 của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo chính thức khép lại, chờ đợi vào mùa tổ chức thành công hơn nữa trong năm 2024.
Mùa tổ chức lần thứ 3 của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo chính thức khép lại,

chờ đợi vào mùa tổ chức thành công hơn nữa trong năm 2024.

Lễ hội nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm.

Bên cạnh đó còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận huyện thị xã tại Hà Nội. Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành cùng chương trình.

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã vinh danh các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội.