Tranh cãi chưa có hồi kết về tác quyền âm nhạc giữa VCPMC và Sky Music

ANTD.VN - Trước việc Sky Music “tố” Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không hợp tác với mình trong việc chi trả tiền tác quyền cho các tác giả, người đứng đầu VCPMC cho biết sẽ kiện Sky Music.

Sự việc được khơi nguồn từ tháng 4-2018 khi nhiều nhạc sĩ đồng loạt lên tiếng tố Sky Music (tên đây đủ là Công ty CP Sky Music có trụ sở tại TP.HCM) đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng các sáng tác của mình mà không trả tiền tác quyền. Trong đó kỷ lục có nhạc sĩ Hoài An khi anh có tới 192 ca khúc bị Sky Music tự ý sử dụng để kinh doanh dịch vụ phát nhạc có thu phí tại các trung tâm thương mại, quán cà phê…Các nhạc sĩ này sau đó đã ủy quyền cho VCPMC đứng ra giải quyết vụ việc. Về phía VCPMC, đơn vị này cũng tiến hành đối soát toàn bộ tác phẩm được Sky Music tuyên bố có bản quyền và phát hiện nhiều tác phẩm do các nhạc sĩ – thành viên của VCPMC sáng tác, đồng thời ủy quyền cho đơn vị mình khai thác, bảo vệ quyền tác giả.

Trước làn sóng phản ứng của các nhạc sĩ, đại diện Sky Music mới đây đã lên tiếng giải thích, đơn vị này cung cấp bản ghi cho các điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, siêu thị…bằng ứng dụng công nghệ. Cụ thể, các bản phát nhạc đều qua thiết bị phần mềm đo đếm nên số liệu các bài hát được sử dụng bao nhiêu lần đều được lưu giữ. Điều này theo đại diện Sky Music là giúp chi trả đúng và đủ tiền tác quyền cho các tác giả, thay vì cách tính khoán như VCPCM đòi áp dụng (trong đó có việc khoán dựa vào diện tích mặt bằng). Cách tính khoán của VCPMC bị Sky Music phản ứng là “không thể kiểm soát được số lượng bài hát sử dụng, bản ghi nào được phát thì không thể có căn cứ trả đúng cho các nhạc sĩ”.

Cũng theo phía Sky Music, đơn vị này chi trả trực tiếp tiền tác quyền cho nhạc sĩ nào ký trực tiếp với mình hoặc trả thông qua VCPMC nếu như họ ủy quyền cho VCPMC. Vấn đề là giữa Sky Music và VCPMC không tìm được tiếng nói chung trong việc thống nhất cách tính tiền tác quyền. Đại diện Sky Music khẳng định đã nhiều lần gửi

công văn nhắc nhưng VCPMC không trả lời rõ ràng có chấp nhận mức phí đó hay không và chỉ muốn áp dụng hình thức thu khoán như trước đây.

“Nếu chúng tôi sử dụng nhạc mà không trả phí sử dụng quyền tác giả là sai nhưng thực tế Sky Music sẵn sàng trả khoản phí này khi có đủ căn cứ phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, VCPMC không hợp tác với chúng tôi.” – đại diện Sky Music cho biết.

Sky Music tự giới thiệu là đơn vị tiên phong trong việc bảo vệ tác quyền và coi việc tôn trọng sức sáng tạo nghệ thuật là sứ mệnh của mình

Liên quan đến sự việc này, hôm nay 19-12, VCPMC đã chính thức có phản hồi thông qua truyền thông. Trong đó, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc VCPMC cho biết, căn cứ vào các quy định của pháp luật, các tài liệu và chứng cứ thu thập được, qua bước đầu xác minh thông tin và lấy ý kiến của các tác giả thành viên, VCPMC đủ cơ sở để xác định Sky Music đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 20 và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Người đứng đầu VCPMC khẳng định: “Hành vi của Sky Music là cố ý, rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả”.

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Sky Music chỉ có quyền đối với bản ghi và quyền liên quan đối với một số lượng tác phẩm nhất định, tuy nhiên khi ký hợp đồng với các đối tác thì Sky Music lại tuyên bố họ có bản quyền tác giả. Trong khi quyền tác giả mới là quyền quan trọng nhất (Điều này trái với thông tin Sky Music cho biết, có những bản ghi họ mua từ phía ca sĩ, nhà sản xuất – đã mua “đứt” từ tác giả, nên đương nhiên trong đó có cả bản quyền tác giả).  Vì vậy, VCPMC cho rằng Sky Music đã tự ý kinh doanh, vi phạm bản quyền của 700 tác giả trong nước lẫn quốc tế, trong đó có 2000 tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ của VCPMC.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định Sky Music đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả

Phía VCPCM nói thêm, 90% sáng tác của các tác giả trong kho dữ liệu của Sky Music thuộc thẩm quyền bảo vệ của VCPMC. Trước sự việc này, VCPMC đã yêu cầu Sky Music đền bù 3,3 tỷ đồng nhưng Sky Music không chấp thuận mà còn 2 lần gửi văn bản đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho rằng VCPCM cạnh tranh không lành mạnh.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, tại kỳ họp thứ 8 Hội nghị BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX, Hội nghị đã ra nghị quyết về việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của VCPMC. Trong đó, BCH Hội yêu cầu VCPMC với quyền hạn và trách nhiệm của một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải tiến hành ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền tác giả. BCH Hội đề nghị trong trường hợp cần thiết, VCPMC yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng pháp luật đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music.

Không dừng lại ở đó, người đứng đầu VCPMC cho biết, VCPMC đã gửi thông tin về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music đối với các tác phẩm âm nhạc, bao gồm cả nhạc Việt Nam và nhạc quốc tế, đến Liên minh CISAC và các tổ chức quản lý tập thể quyền nước ngoài (CMOs) đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương với VCPMC. Hiện nay, một số tổ chức quản lý tập thể quyền của Anh (PRS), Úc (APRA), Canada (SOCAN), Hàn Quốc (KOMCA)… đã gửi văn bản xác nhận trong đó nêu rõ việc các CMOs không ủy quyền cho Sky Music khai thác bất cứ tác phẩm âm nhạc nào và yêu cầu Sky Music chấm dứt việc tự ý khai thác nêu trên.

Phía VCPMC cho biết đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ để khởi kiện Sky Music trong thời gian tới.

Ngay sau khi VPCMC đưa ra phản hồi chính thức xung quanh việc này, trên trang web chính thức của Sky Music đã đăng tải thông tin, công ty này đã gửi hồ sơ ra TAND Quận 10 để khởi kiện VCPMC để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Được biết, vụ việc đang được Tòa án nhân dân Quận 10 – TP.HCM giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.