Tráng A Chu ở bản Hua Tạt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Homestay A Chu” của Tráng A Chu nằm ngay bên lề Quốc lộ 6, cách cao nguyên Mộc Châu chừng 15 cây số. Với phương châm phát triển du lịch nhưng không làm mất đi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa của dân tộc, Tráng A Chu không những làm thay đổi cuộc sống gia đình mình, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng. Anh không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn tạo công ăn việc làm, thay đổi nhận thức cho người dân trong bản.

Chuyện là, mấy năm trở lại đây, bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La được nhiều du khách biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, ngoài thiên nhiên khí hậu trong lành mát mẻ, Hua Tạt còn có những “homestay” (lưu trú nhà dân) độc đáo mang đậm phong cách kiến trúc của đồng bào người Mông ở nơi này. Người khởi đầu trong phong trào du lịch cộng đồng ở Hua Tạt và đạt được nhiều thành công bây giờ là Tráng A Chu - chàng trai người Mông của bản.

Hành trình tích lũy để thay đổi cuộc đời

Quay trở lại câu chuyện của Tráng A Chu, thấy nhà có người lạ, ông chủ “homestay A Chu” buông đồ nghề thợ mộc, xoa xoa tay rồi vội ra tiếp khách. Chỉ lại sau lưng ngôi nhà sàn đang dựng dở, A Chu bảo: “Em xây thêm cái nhà để ở, chứ từ hồi làm du lịch đến giờ có nhà để ở đâu, vợ chồng con cái vẫn ngủ tạm ngôi nhà cũ, cũng sắp xong rồi, khi nào xong em mời chị lại lên chơi nhé!”.

Hỏi chuyện hậu Covid-19, Tráng A Chu cười vui vẻ: “Nhà em 80-90% các công ty lữ hành quay trở lại nhưng số lượng khách đặt phòng chưa nhiều như trước”. Hóa ra, khủng hoảng dịch bệnh cũng lại là cơ hội để những người làm du lịch như Tráng A Chu nhìn lại thị trường, xem xét các dịch vụ, bởi lẽ dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen của nhiều du khách, đặc biệt là du khách Việt - chính xác thì đó cũng là một “thắng lợi mới”. A Chu giải thích: “Sau dịch Covid-19, người Việt đã thay đổi căn bản cách đi, cách chơi, cách thụ hưởng. Trước nhiều người còn dò xét “homestay”, cứ nghĩ nó vẫn tẻ nhạt và lạc hậu, nhưng bây giờ thì khác rồi, cuối tuần, khách vẫn kín phòng”.

Tráng A Chu sinh năm 1983, tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đầu tiên của bản Hua Tạt có bằng Kỹ sư đại học. Kể lại những ngày tháng đi học ở Hà Nội, A Chu bảo, bây giờ nhìn lại, đó thực sự là một hành trình tích lũy để có thể hiện thực hóa đam mê của ngày hôm nay. Hồi xa xưa đó, ước mơ đầu tiên của chàng trai người Mông Tráng A Chu là thi Sư phạm Nhạc họa, vì Chu thích vẽ, mê vẽ, dùi mài kinh sử những hơn một năm, ấy thế mà rồi trượt, trường người ta lấy 31 điểm, mình được có 26,5. A Chu hài hước gọi quãng thời gian đó là “hành nghề ôn thi”.

“Nghề ôn thi” rốt cuộc, giúp A Chu có con mắt nghệ thuật, thẩm mỹ để biến bất cứ vật dụng nào trong sinh hoạt thường ngày của người Mông thành những món đồ mỹ nghệ xinh xắn, bày biện, thiết kế, sắp đặt khắp nơi trong

“homestay” nhỏ mà tiện nghi của anh. Từ chỗ bất ngờ chuyển thành thú vị khi những mõ trâu, máng giã bánh giày hay cái chảo nhôm đều được tận dụng để trở thành chụp đèn hay chậu rửa, vòi nước trong “homestay”… Những chi tiết nhỏ mà tinh tế đó thực sự gây ấn tượng thị giác mạnh cho du khách và tất thảy đều do một tay A Chu thiết kế và mày mò lắp đặt.

Lại kể nốt con đường thi cử của chàng trai người Mông Tráng A Chu, sau khi không trở thành được thầy giáo dạy họa, A Chu thi đỗ vào Cao đẳng Bách Khoa rồi học liên thông lên đại học ngành Công nghệ thực phẩm. Tốt nghiệp với tấm bằng trong tay, về quê việc làm chẳng có, làm ruộng thì bà con trong bản trêu: “Mày học đại học rồi về vẫn làm ruộng như chúng tao thì học làm gì?”. Rồi thì cũng phải từ chối bao nhiêu lời gạ gẫm “chạy qua chạy lại” vùng giáp biên “việc nhẹ lương cao”… Tất cả những hiện thực đó, thứ đó cộng dồn lại, trở thành động lực thúc đẩy để Tráng A Chu quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình và cả bản Hua Tạt bây giờ.

Vợ chồng Tráng A Chu và Hàng Thị Sua

Vợ chồng Tráng A Chu và Hàng Thị Sua

Thành công là biết lắng nghe và nhẫn nhịn

Rồi như là cơ duyên, Tráng A Chu gặp được lãnh đạo của một công ty lữ hành. Những bài học đầu tiên về làm du lịch và nghề du lịch được bày ra trước mắt. Hỏi A Chu về quyết định mang tính bản lề ngày đó, A Chu chân thật nói, lúc đó mình như cái quả trên cây ấy, cũng đã bắt đầu chín rồi, đã đến lúc dừng lại để tính lâu dài, không thể bám ruộng làm nương, con đường du lịch đang mở ra trước mắt, thế là lựa chọn bước đi.

Cũng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, giai đoạn 2013-2015 bắt đầu có những đường hướng tương đối rõ nét về phát triển du lịch Mộc Châu và du lịch Vân Hồ, A Chu và cha anh - ông Tráng A Súa là những người đầu tiên trong bản đã quyết định vay vốn, dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Những ngày đầu, A Chu rất vất vả trên hành trình thực hiện dự án. Khó khăn không chỉ đến từ điều kiện địa lý mà còn đến từ tư tưởng cổ hủ, những ý kiến trái chiều của nhiều người trong bản vì họ đã quen với nếp sống cũ.

Chỉ tay lên ngôi nhà sàn sau lưng, A Chu bảo: Ngôi nhà này được một ông bác trong bản bán cho, có 30 triệu tiền đặt cọc mà vay đôn đáo khắp nơi. “Làm du lịch” nó là một khái niệm mơ hồ đến nỗi mà ngay cả những người thân trong gia đình còn e dè thận trọng khi biết được dự định “liều lĩnh” của A Chu ở thời điểm đó. Nhà mua xong, bắt tay vào dựng, năm đầu nợ tiền công anh em trong bản. Cứ vừa làm vừa nghỉ, vừa động viên nhau từng tý một. Xong nhà thì thiếu chăn, thiếu gối, Phòng Văn hóa huyện Vân Hồ lúc đó cũng chung tay hỗ trợ chăn ga gối cùng đường truyền Internet, Wifi… Và “homestay” đầu tiên của Vân Hồ, Sơn La được dựng lên từ những nỗ lực đó.

“Hồi đó buồn cười lắm!” - A Chu vui vẻ kể lại - “Em cãi bác Bình (Bình - Giám đốc công ty du lịch) suốt, em người Mông mà, thẳng tính lại ngang, bác nói gì mà thấy khó là em cãi lại, nhưng may là bác ấy thương thật lòng. Hai vợ chồng bỏ hết việc ở thành phố, lên đây ở nhà em cả tháng để dạy từ cái nhỏ nhất, đến những thứ lớn nhất. Rồi thì dạy cả vợ em nấu ăn. Nghe kể thì nó dễ nó nhanh, chứ đó là cả một hành trình dài để thay đổi từ thói quen cách nghĩ trong đầu…”.

Xong được việc xây dựng, tổ chức, thì tới việc đón khách. Thử thách không ngừng khi đoàn khách đầu tiên đến lưu trú là nhóm du khách người Israel. Một trong những thị trường khách vô cùng khó tính. Phục vụ bở cả hơi tai, vì đồ ăn mùa đông, trời Vân Hồ thì lạnh, thế mà cữ hễ nguội một cách là bắt bê vào làm nóng hoặc nấu đồ ăn mới, nóng hơn. Vì không quen nghề phục vụ nên lúc đó bực ghê lắm. Mà bực thì cũng phải nhịn. Chứ biết sao giờ….

Nhịn mãi, nhịn mãi, bây giờ thì vợ chồng A Chu có nhiều kinh nghiệm lắm rồi. Thậm chí còn thuộc cả tính khách Âu thế nào, khách Mỹ ra sao, khách Á thích ăn gì. Lại cũng nắm rõ cả đặc tính vùng miền khách nội địa. Khách trong Nam ra ăn gì, khách Hà Nội thích gì, dân Hải Phòng thì thẳng tính, ăn sông nói biển… Kinh nghiệm cứ rút dần dần là thành. Thời điểm trước dịch, bình quân mỗi tháng “homestay” của Tráng A Chu thu hút khoảng 400 - 500 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Riêng các ngày nghỉ lễ, “homestay” của anh luôn kín phòng. Năm 2019, “homestay” đón gần 7.200 lượt khách, chưa kể số khách tới đặt ăn mà không nghỉ lại.

Gia đình Tráng A Chu trong lần đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm

Gia đình Tráng A Chu trong lần đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm

Chung tay thoát nghèo

Từ khi A Chu triển khai dự án du lịch cộng đồng đã bắt đầu được chính quyền địa phương quan tâm. Cổng chào, con đường vào bản cũng đã được làm kiên cố. Hai bên đường có hệ thống đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời do một đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã về khảo sát và tìm hiểu để làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các nơi khác. Dự án của A Chu đã mở ra một hướng đi mới cho bà con của bản Hua Tạt.

“Homestay” không những thu hút nhiều đoàn khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều tổ chức và khách du lịch nước ngoài. Những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Mông như gà xương đen, lợn bản, rau củ… do chính tay vợ A Chu là chị Hàng Thị Sua chế biến đem lại sự yên tâm và bữa ăn ấm cúng cho du khách. Thú vị hơn cả là đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” tối tối phục vụ du khách.

Vợ chồng A Chu cũng chính là những “diễn viên” trực tiếp tham gia đội văn nghệ, biểu diễn những bài nhạc truyền thống, thổi khèn, sáo Mông, đàn môi… Nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mông được tái hiện lại để du khách có thể trực tiếp trải nghiệm như: Vẽ sáp ong trên vải, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống… Tất cả những điều đó luôn là những “điểm cộng” cho “homestay” của Tráng A Chu.

Hỏi A Chu, quảng cáo hình ảnh “homestay” thế nào ? - A Chu gãi đầu gãi tai cười: “Ban đầu em có biết gì về làm hình ảnh đâu, toàn được các anh chị thương, họ đến ở nhà em rồi người nọ mách người kia. Lâu dần, toàn là khách quen. Quen đến nỗi mỗi năm đôi ba lần cứ phải vào bản Hua Tạt gặp A Chu thì mới được…”.

Không chỉ là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà anh còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Gần nhà A Chu có Tráng A Trư. A Trư năm nay 34 tuổi, đã có 4 mặt con, trai gái đủ cả. Nghề chính vẫn là làm nông, năm có mấy vụ vừa trồng đỗ vừa trồng gừng. A Trư mới gây dựng “homestay” A Tàng và bắt đầu đón khách từ cuối tháng 8-2022. “Homestay” của A Trư cách nhà A Chu chả bao xa, chắc chỉ mấy trăm mét đi bộ.

Qua thăm, A Trư trong nhà tất bật chạy ra đón khách, đôi ủng dưới chân vẫn bê bết bùn đất. Gãi đầu gãi tai cười, vợ chồng em vừa thu hoạch 4 tấn gừng. Hỏi bán được nhiều tiền không thì cười to bảo, họ trừ đầu trừ đuôi rồi, bán chả được bao nhiêu. Thế rồi sao làm “homestay”? - Tôi hỏi. A Trư lại cười cười khoe răng khểnh: “Thì anh A Chu bảo làm!”. Hóa ra, lần nào anh em gặp nhau, A Chu cũng đều “vận động”. Thế rồi vợ chồng quyết tâm đầu tư, nhà có một nửa, vay thêm một nửa. Hình hài “homestay” hiện lên ngày một rõ ràng hơn trên mảnh đất hơn 5.000m2. Mới đi vào hoạt động nên “em chưa biết quảng bá như nào” thi thoảng cũng có đoàn khách, khách Tây đến cũng không ngại, vì có điện thoại, trao đổi với nhau bằng Google dịch, thế là hiểu nhau.

Không chỉ có Tráng A Trư, trước còn có Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt đã đến nhà nhờ Chu hướng dẫn mình xây dựng mô hình. Cho tới nay, tại bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó đã xây dựng được nhiều mô hình “homestay”. A Chu tâm sự: “Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản phải đoàn kết nâng cao chất lượng các “homestay” để thu hút du khách đến đông hơn nữa, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”.

Với những thành công đạt được, A Chu thường xuyên được mời tham dự các hội thảo, hội nghị, được mời phát biểu về cách làm du lịch cộng đồng. Trong nhà có rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ban, ngành như một sự ghi nhận cho những nỗ lực, đóng góp của A Chu trong việc góp phần đưa bản Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của Vân Hồ - huyện “cửa ngõ” của tỉnh Sơn La.

Tráng A Chu được bầu chọn là 1 trong 4 gương mặt trẻ tiêu biểu khởi nghiệp thành công của Sơn La. Trên cuốn sách “Những câu chuyện về du lịch Việt Nam” do Tổ chức du lịch thế giới phát hành, “Homestay A Chu” được nhắc đến như một nơi cần phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu.

Đất ở Hua Tạt bây giờ “sốt” lắm. Dân ở thành phố về mua đất nhiều, người thì làm “homestay”, chẳng giấu diếm ý định nếu có lãi thì bán cả mô hình, người dư dả thì “kiếm” mảnh đất trồng đào trồng mận, mơ ước xuân sang ngắm hoa nở. Nhưng mộng ngắm hoa hay là “nuôi cá trồng rau”, có khi còn chưa thành thì đã ngấp nghé bán vì lãi gấp 4 gấp 5 lần tội gì… Và cũng ở Hua Tạt, cũng vẫn có những người như Tráng A Chu nhanh nhẹn, nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, có sức lan tỏa những ước mơ giữ gìn truyền thống, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên trên con đường lập nghiệp.

Có rất nhiều người đã nhầm hai địa danh bản Hua Tạt và thung lũng Hua Tát - địa danh vốn nổi tiếng bắt đầu từ chùm truyện ngắn sáng tác từ năm 1987 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - “Những ngọn gió Hua Tát”. Bản Hua Tạt thuộc Vân Hồ nằm trên Quốc lộ 6, km134 chiều từ Hà Nội lên. Bản Hua Tạt bắt đầu có tên gọi chính thức từ khi giải phóng Mộc Châu. Trong tiếng Thái, Hua Tạt hay còn gọi là Hua Tà tức là đầu nguồn, mó nước. Hua Tát thì có nghĩa là đầu thác nước. Địa danh Hua Tát nổi tiếng trong “Những ngọn gió Hua Tát” thuộc đất Cò Nòi, gần thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.