Trách nhiệm với từng đồng vốn

ANTD.VN - Nợ công của Việt Nam tính đến năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. 

Thông qua các chương trình đầu tư công, nợ công của Việt Nam được chuyển tải vào các dự án đầu tư nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững. 

Tuy nhiên, tình hình sử dụng nợ công ở Việt Nam không đạt hiệu quả cao. Điều này thể hiện rõ trong việc chậm trễ trong giải ngân vốn khiến nhiều dự án, công trình thi công dở dang, chậm tiến độ. Bên cạnh đó, sự thiếu kỷ luật tài chính dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn. 

Trên thực tế, có tới hơn 90% vốn nước ngoài tại địa phương thực hiện theo hình thức cấp phát. Việc rót vốn theo hình thức này khiến không ít địa phương coi đây là khoản tiền được cho không nên đăng ký “xin” được càng nhiều càng tốt mà không dựa trên thực tế nhu cầu đầu tư. 

Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 (18,4% một năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Với tốc độ này, nợ công của Việt Nam sẽ vượt 100% GDP và trở nên báo động đối với một nền kinh tế. 

Theo các chuyên gia, nợ công là một phần quan trọng và không thể thiếu trong cơ cấu tài chính mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ công được ví như con dao hai lưỡi bởi nếu sử dụng thiếu hợp lý, thiếu hiệu quả và quản lý yếu kém sẽ dẫn tới khủng hoảng nợ công đối với bất cứ quốc gia nào. Điều này dẫn tới hậu quả vô cùng nặng nề.

Việc áp dụng một quy trình, quy tắc quản lý nợ tốt là điều kiện cần cho bất kỳ quốc gia nào muốn tối thiểu hóa chi phí, giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu một quy tắc mang tính chuẩn mực cho quản lý nợ công. Dù đã có, nhưng các quy định quản lý nợ công tại Việt Nam vẫn còn khá đơn giản, thậm chí chứa nhiều lỗ hổng. 

Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng Luật Quản lý nợ công là một đòi hỏi bức thiết nhằm bịt những lỗ hổng. Theo dự thảo Luật Quản lý nợ công mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện, UBND cấp tỉnh chỉ được vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu huy động, sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và trình Thủ tướng phê duyệt.

Riêng với các khoản huy động nguồn vốn vay thương mại nước ngoài khác thì chỉ huy động cho mục đích vay về cho vay lại đối với chương trình, dự án có khả năng hoàn vốn. Chủ các dự án có nhu cầu sử dụng vốn vay thương mại nước ngoài cũng phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và sử dụng vốn vay, báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Về vốn vay ODA, dự luật cũng quy định các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu huy động, sử dụng phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, sử dụng vốn, trình Thủ tướng phê duyệt.

Cơ chế này giúp Thủ tướng có thể kiểm soát tất cả nguồn vốn vay nước ngoài. Đây là cơ sở để thắt chặt trách nhiệm sử dụng nguồn vốn lên tới hàng chục tỷ USD và giúp đánh giá được hiệu quả thực sự của mỗi đồng vốn bỏ ra. Thay vì việc “xin” được càng nhiều càng tốt như trước đây, các địa phương phải chứng minh sự cần thiết của việc huy động vốn, mục tiêu, quy mô đầu tư và đánh giá hiệu quả, khả năng sinh lời, hoàn trả nợ. Việc kiểm soát cũng chặt chẽ hơn khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thẩm định báo cáo đề xuất, trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.