TPP tác động đến mỗi lao động như thế nào?

ANTĐ - Ngày 5-10-2015, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã tuyên bố kết thúc đàm phán. Các bên thống nhất đạt một hiệp định với tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ việc làm, thúc đẩy sáng tạo, hiệu quả và tính cạnh tranh của các nền kinh tế. Ngay lập tức, một niềm hứng khởi lan rộng cả nước ta, thị trường chứng khoán nổi bão, các chỉ số tăng vọt, các bài báo, các thông tin mạng viết về TPP như kiểu sáng mai  ngủ dậy, tất cả mọi người đều có Camry để đi, iPhone, iPad sử dụng cả ngày. Có thật vậy không? 

TPP tác động đến mỗi lao động như thế nào? ảnh 1

Là cơ hội có thật

Với khối lượng tài liệu văn bản lên đến hàng chục nghìn trang, bao gồm hiệp định khung, các phụ lục phản ánh thỏa thuận đa phương, song phương quy định lộ trình thực hiện… sau khi được chỉnh lý, định nghĩa rõ nội hàm, ngoại diên của các khái niệm, giải nghĩa các thuật ngữ… sẽ được sớm công bố như thông báo của Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay, hình hài của TPP đã thấy rõ sau khi Bộ Công Thương công bố bản tóm tắt Hiệp định TPP. Có thể khẳng định: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Tham gia TPP, Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng rất muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất rau quả tươi, cá và các sản phẩm khác. Đó là những tín hiệu đáng mừng của Việt Nam.

Dự báo, Việt Nam sẽ thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP cao hơn, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới.  Với những quy định hội nhập về lao động, chắc chắn lương, tiền công của người lao động sẽ tăng. Điều đó có nghĩa thu nhập của người lao động, thu nhập tuyệt đối của mỗi gia đình sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Cơ hội để có một đời sống tốt hơn, chất lượng sống cao hơn cho mỗi người dân, mỗi gia đình là có thật. Ngoài ra, khi vào TPP, những điều kiện về nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm đi nhiều, nên Việt Nam có thể sẽ nhập nhiều hàng rất rẻ từ các nước khác, bao gồm nông sản từ Mỹ, New Zealand, Australia; những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp nặng hoặc điện tử từ Nhật  Bản hoặc Mỹ. 

Thu nhập cao hơn, được tiếp cận với nguồn hàng hóa chất lượng cao, giá rẻ hơn do giảm thuế nhập khẩu hầu hết xuống 0% sẽ tạo điều kiện mua sắm xe ô tô tốt, thiết bị điện tử hiện đại, các hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng phổ biến của các nước phát triển cho một bộ phận người dân là có thật. 

Tuy nhiên, một điều hiển nhiên sẽ có, đó là nếu không có tiền để mua, những ô tô, những hàng hóa chất lượng cao đó vẫn nằm ở cửa hàng, thay vì đến tay người tiêu dùng. Có nghĩa là người lao động Việt Nam trước cơ hội mới này sẽ phải tích cực, nỗ lực hơn mới mong có thể tăng thu nhập và thụ hưởng một chất lượng sống cao hơn. Điều đó bắt buộc phải có một sự thay đổi lớn, không chỉ trong chính sách mà còn ở mỗi lao động, mỗi gia đình, thậm chí cả trong quan niệm về sản xuất, kinh doanh, hành vi cụ thể trong lao động của mỗi người.


TPP tạo ra sức ép để thay đổi

Rõ ràng, TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng  lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh cao. Về mặt chính sách, chúng ta sẽ phải thay đổi rất nhiều để vừa có thể tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận quốc tế vừa động viên được nguồn lực cho phát triển.

Tuy nhiên, thay đổi về chính sách không khó, đối với thể chế chính trị của nước ta bởi lòng tin và sự đồng tâm của cả nước với chính sách của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận xã hội rất cao đối với con đường phát triển theo hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Cái khó nhất, chính là sự thay đổi của mỗi người dân, người lao động trong quan niệm về sản xuất kinh doanh và cả trong tiêu dùng.

Đã nhiều chục năm, chúng ta sống trong môi trường sản xuất kinh doanh không chuẩn mực. Thái độ làm ăn chụp giật đã thành thói quen. Trong làm ăn chỉ mong kiếm lời bằng sự thiếu cẩn trọng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chất lượng hàng hóa của chúng ta rất thấp, cả về công nghệ, cả về tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, để tiếp cận được môi trường mới, cần phải có sự thay đổi. Thay đổi ở thái độ lao động, làm sao đó để năng suất lao động cao hơn. Để cải thiện tiền lương và thu nhập đ̣i hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện quyết định nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, đầu tư.

 Nếu chúng ta vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu thì năng suất lao động sẽ rất thấp và chất lượng sản phẩm không cao. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ thì doanh nghiệp phải thực hiện nhiều năm chứ không thể một sớm một chiều được. Đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn có cả một hệ thống quản lý tiên tiến kèm theo cũng như là nguồn nhân lực chất lượng cao. Lớn hơn cả là thay đổi ý thức về lao động. Chỉ có vì người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, chúng ta mới bán được sản phẩm, nâng cao thu nhập bền vững.


Nhận thức đúng về quyền lợi của người lao động

Tóm tắt Hiệp định TPP ghi rõ: Tất cả các thành viên TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại. Trong TPP, các thành viên đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Các thành viên cũng đồng ý có luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Một số đối tượng có mục đích chống phá Nhà nước muốn lợi dụng điều khoản này nhằm kích động người lao động tổ chức những hội nhóm dưới danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của người lao động để chống phá Nhà nước. Chính vì vậy, người lao động cần hiểu rõ hơn vấn đề này. Đúng là TPP có công nhận quyền tự do liên kết của người lao động nhằm đấu tranh và phối hợp với giới chủ để bảo vệ quyền của người lao động trong doanh nghiệp. Các quyền này sẽ được thực hiện theo luật và sẽ có một lộ trình thực hiện nó.

Các quyền này cũng sẽ được thực hiện để đảm bảo ổn định xã hội, không gây ra bất kỳ sự rối loạn nào. Đó cũng là mong muốn của các nước tham gia TPP. Ổn định xã hội là điều kiện bắt buộc cho đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, họ cũng không muốn các thế lực thù địch lợi dụng điều khoản này để gây rối ren. 

Chính vì vậy, mọi âm mưu lợi dụng các tổ chức công đoàn của người lao động cho mục đích chống phá sự bình yên của xã hội sẽ không có “đất” thực hiện. Chính người lao động cũng sẽ phải tránh để các thế lực thù địch lợi dụng mình. Tỉnh táo trước những âm mưu thù địch, tôn trọng những lợi ích dài hạn. Đó cũng là một yêu cầu đối với lao động thời kỳ sau TPP.