Việc gộp kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT phải chờ tới khi hết bệnh thành tích
Quản lý lúng túng níu kéo chất lượng
Mở đầu phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Sao không mở rộng các trường tốt mà lại cho phép mở trường mới tràn lan rồi sau đó không hiệu quả phải đóng cửa hàng loạt?”. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tiếp: “Cội nguồn yếu kém của ngành giáo dục có phải do lúng túng trong quản lý? Hàng nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp, Bộ GD ĐT sẽ làm gì?” ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) chất vấn: “Sách tập viết in cả cờ Trung Quốc gây bức xúc, trách nhiệm của Bộ kiểm soát ra sao mà có tình trạng này?”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đáp: “Mở rộng thêm quy mô đào tạo của trường tốt đã làm, thậm chí mở ra gấp 2 lần. Việc mở thêm trường mới cũng có nhiều lý do. Chủ trương là không mở tràn lan song có trường không đủ chất lượng là thực tế. Chúng tôi đã có chấn chỉnh. Những trường nào quá yếu kém đều phải dừng tuyển sinh. Đó là việc bình thường.” Liên quan tới thay đổi phương pháp học tập, thi cử, Bộ trưởng cho biết, không thể làm giật cục mà phải đi từng bước để không ảnh hưởng tới học sinh. “Muốn gộp được kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT, trước hết phải khắc phục được hết yếu kém, tiêu cực, bệnh thành tích đang tồn tại” - ông nói.
Thừa nhận lúng túng trong quản lý đã dẫn tới yếu kém, tiêu cực, chậm trễ trong đổi mới giáo dục, Bộ trưởng thẳng thắn: “Trách nhiệm đó trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT”. Về việc hầu hết các lĩnh vực đều có sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, Bộ trưởng nói đó là thực tế. Ông phân trần: “Để khắc phục, Chính phủ đã có đề án nguồn nhân lực quốc gia. Bộ GD-ĐT cũng đã có những giải pháp cụ thể. Phải tìm ra những ngành nào đã bão hòa nhân lực để thông tin cảnh báo, điều chỉnh”. Thừa nhận tình trạng học giả bằng thật, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề, Bộ trưởng chia sẻ: “Có cơ quan tuyển dụng coi bằng cấp là tiêu chí duy nhất mà không chú ý kỹ năng của người lao động. Chúng tôi rất muốn hệ thống tuyển dụng không quá coi trọng bằng cấp mà phải xem xét năng lực thực sự của người lao động”.
Về vụ sách tham khảo có in cờ Trung Quốc, Bộ trưởng nói: “Chúng tôi có trách nhiệm quản lý ấn phẩm lưu thông trong nhà trường, nôm na là phải có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn ấn phẩm không phù hợp. Bộ cũng đang cập nhật lại hệ thống văn bản pháp luật để kiểm soát tốt hơn tình hình...”.
Rút bớt chương trình phổ thông?
Phản ánh tình trạng thương mại hóa giáo dục, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) hỏi: “Sao cứ thừa thầy thiếu thợ mãi, phải làm gì để ngăn chặn tình trạng đào đạo bất chấp nhu cầu của xã hội?”. Ông cũng nêu vấn đề: “Đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình sách giáo khoa, sao tới giờ chưa làm?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “Thừa thầy thiếu thợ không hoàn toàn đúng. Thầy tốt, thợ tốt vẫn thiếu lắm, chưa thừa đâu. Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chung về vấn đề này, để không còn tình trạng đào tạo tràn lan nữa”. Về vấn đề đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa, Bộ trưởng quên trả lời.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) băn khoăn: “Chất lượng giáo dục ngày càng kém. Bộ trưởng cần nói rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan thế nào, kể cả Quốc hội, Chính phủ? Không lẽ chỉ vì khuyết điểm của Bộ GD-ĐT mà giáo dục thành ra như thế này?”. Bộ trưởng hết sức lúng túng: “Ý tôi hiểu nhưng không biết trả lời thế nào? Xin phép không trả lời ở đây mà trả lời bằng văn bản”.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: “Chương trình giáo dục phổ thông sẽ rút xuống 11 năm hay giữ nguyên 12 năm?”. Bộ trưởng thông tin: “Người đề xuất phương án 11 năm học đưa ra 2 lý do. Họ nói các cháu giờ trưởng thành sớm hơn trước nên có thể rút ngắn. Ngoài ra, nếu bớt đi 1 năm, sẽ giảm được nhiều chi phí và sớm có thêm nhiều lao động cho xã hội. Ý kiến đề nghị giữ 12 năm lại phản biện. Kiến thức giờ rất rộng và các nước học 11 năm nhưng ngày 2 buổi chứ không học nửa ngày như ở ta. Thêm nữa, nhiều nước phát triển vẫn duy trì 12 năm. Đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp đại học còn chưa tìm được việc làm, giờ đẩy sớm 1 năm, thành ra càng thừa lao động. Tất nhiên, đó mới chỉ là ý kiến thôi. Chúng tôi đang lắng nghe và báo cáo đầy đủ tới cấp có thẩm quyền”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Từ nay tới hết nhiệm kỳ, hàng năm, chất lượng giáo dục – đào tạo có chuyển biến tích cực hơn không? Qua mỗi năm, đồng chí có yên tâm hơn không hay cứ nói đi nói lại mãi? Bao giờ chúng ta mới yên tâm với chất lượng giáo dục?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa mang hết trí tuệ, nghị lực quyết tâm cùng toàn ngành, toàn dân triển khai đổi mới toàn diện, để chất lượng giáo dục từng bước nâng cao trong những năm tới. Chưa hài lòng, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại: “Tôi muốn hỏi là bao giờ đồng bào mới có thể yên tâm với giáo dục?”. Bộ trưởng ấp úng trình bày lại một số mốc thời gian triển khai đổi mới giáo dục song vẫn không thấy nhắc tới từ “yên tâm” trong câu trả lời của mình.