Tôi hãnh diện vì được viết thư tình thay mẹ

ANTĐ - "Mãi nhiều năm sau, tôi mới nhận ra, mình đã thay mẹ viết từng lá, từng lá thư... nhưng không phải là những lá thư bình thường, mà tôi đã thay mẹ viết những lá thư tình thực sự".

Năm tôi chín tuổi, nhà rất nghèo nên bố tôi đành rời bỏ quê nhà, ly biệt mẹ con tôi, đi kiếm việc làm ở một khu mỏ cách xa nhà tới cả nghìn dặm. Khó khăn lắm một năm mới có thể về nhà đôi lần. Vì thế, thư từ đã trở thành sợi dây liên hệ tình cảm duy nhất của chúng tôi. Tôi vừa học lên lớp hai bậc tiểu học nên được mẹ động viên, bảo tôi thay mẹ viết thư gửi cho bố. Tôi còn nhớ rõ, lá thư đầu tiên tôi viết gửi cho bố lúc đó chỉ vỏn vẹn có mười bảy chữ: "Bố nó, anh khỏe chứ? Ở nhà, em và Vĩnh Nhi đều ổn, anh đừng có lo".

Sáng hôm sau, chờ khi người bưu tá đi qua đầu làng, mẹ tôi đưa lá thư nhờ ông ta chuyển đi giúp. Từ khi thư được gửi đi, tôi phát hiện thấy mẹ ngày nào cũng bấm đốt ngón tay, nhẩm tính từng ngày.

Đáp lại sự mong đợi cháy bỏng của mẹ, rồi thư của bố tôi cũng về đến nơi. Mãi tận đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ hình dáng của mẹ tôi lúc đó, tất cả từ bưu điện trở về, vừa xúc động, vừa ngượng ngập nắm chặt lá thư của bố tôi trong tay, vội vã bước vào nhà đã gọi ngay tôi, bảo: “Vĩnh Nhi, mau bóc thư, đọc xem bố con viết gì nào?”.

Tôi bóc thư, chậm rãi đọc rõ từng câu, từng chữ cho mẹ nghe. Bố khen ngợi tôi đã biết viết thư, hỏi thăm sức khỏe của bà nội tôi, rồi hỏi mẹ còn bị căn bệnh đau tức ngực tái phát, hành hạ không và dặn dò tôi cố gắng học hành cho giỏi. Mẹ tôi tập trung chăm chú nghe, nét mặt tươi rói, tràn trề hạnh phúc.

Ngay hôm sau, mẹ bảo tôi viết thư trả lời bố. Tôi cầm bút, ghi lại từng câu, từng chữ của mẹ. Nhưng tình yêu thương cháy bỏng từ đáy lòng mẹ, nỗi nhớ khôn nguôi của mẹ đối với bố tôi thì mẹ lại không dám nói thẳng ra mà khéo léo nói khác đi. Tôi biết, mẹ đem tình cảm nhớ chồng đổi thành con nhớ bố, rằng đêm đêm con trai ngủ thường nằm mơ thấy bố, lúc tỉnh dậy khóc mãi vì không thấy bố đâu, đòi bố trở về... Viết xong, tôi đọc lại từng chữ cho mẹ nghe. Nếu ưng ý, mẹ tôi liền gật gật đầu; chỗ nào chưa vừa ý thì người bảo tôi sửa đi, sửa lại hoặc bỏ đi viết lại câu khác, cho đến lúc nào mẹ tôi thật ưng ý mới thôi. Hồi đó, khi viết những lá thư, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình đã hoàn thành tốt một việc nhà được mẹ giao. Mãi nhiều năm sau, tôi mới nhận ra, mình đã thay mẹ viết từng lá, từng lá thư... nhưng không phải là những lá thư bình thường, mà tôi đã thay mẹ viết những lá thư tình thực sự.

Năm 1975, bố tôi được điều chuyển sang làm việc ở một khu mỏ khác, công việc của ông rất bận. Năm sắp hết, Tết sắp đến, người làng đi làm ăn các nơi bắt đầu lục tục trở về, riêng bố tôi thì vẫn bặt tăm hơi. Mẹ tôi tuy ở nhà nhưng hồn phiêu, phách dạt mãi tận đâu, nôn nóng không yên, ngày nào cũng chăm chú ngóng trông về hướng tây-bắc, ấy là hướng nơi có bố tôi làm việc. Mẹ tôi ít ngủ, thường trằn trọc, thao thức khiến tôi nhiều khi cũng bị thức giấc lúc nửa đêm. Không ít lần, mở mắt ra, dưới ánh trăng lạnh lẽo, tôi nhìn thấy rất rõ hai dòng lệ lấp lánh lăn dài trên má mẹ.

Một hôm, mẹ tôi không kìm nén được nữa, bảo: “Vĩnh Nhi, lấy giấy bút viết thư cho bố con, nói rằng mẹ đang bị ốm nhé!”.

Tôi gật đầu, bất giác buột miệng: “Mẹ, chẳng phải là mẹ vẫn ổn đấy sao?”. Mẹ tôi thoáng đỏ mặt rồi nghiêm nghị, nói: “Mẹ bảo viết thì con viết đi! Con phải biết nghe lời mẹ chứ!”.

Tôi viết xong bức thư theo ý mẹ. Thư gửi đi được năm ngày, bố tôi nhận được thư, lòng dạ như lửa đốt, lập tức trở về.

Đó là một buổi tối mùa đông, tuyết rơi dày đặc. Trong nhà, dưới ánh sáng mờ nhạt, ảm đạm của ngọn đèn dầu, tôi bò toài ra ghế làm bài tập, mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế thấp khâu đế giày cho bố tôi. Một trận gió ào qua, đột nhiên bên ngoài có tiếng chân bước trên tuyết nghe xào xạc. Linh cảm thấy điều gì, mẹ tôi thoáng nghiêng đầu, lắng nghe rồi hốt nhiên buông rơi đồ khâu, đứng dậy bảo: “Vĩnh Nhi! Mau xem có phải là bố con về đấy không?”.

Tôi vừa mở cửa, một “người tuyết” xuất hiện. Thật không có cách gì để mô tả niềm vui sướng lộ ra mặt của mẹ tôi lúc đó. Mẹ quá xúc động đến lạc hết cả giọng, đưa mắt ngắm nhìn bố từ đầu đến chân rồi như chẳng còn tin vào mắt mình, nói: “Bố nó! Anh, anh về thật đó sao? Vĩnh Nhi! Mau mau đỡ túi xách cho bố đi!”.

Mẹ dẫn bố tôi vào nhà, lấy khăn bông phủi cho hết tuyết bám trên đầu và trên người bố rồi kéo bố tôi đến sưởi ấm bên bếp lửa. Bố ngắm nhìn mẹ tôi lâu, rất lâu rồi hỏi: “Không phải là em đang ốm sao? Em bệnh gì thế?”. Mẹ tôi mở to mắt, hồi lâu mới nói: “Không ốm là sao?”; bố tôi đáp: “Thì trong thư viết là em ốm, làm anh lo quá, thấp thỏm đến mất ăn, mất ngủ”.

Mẹ tôi lập tức đỏ mặt, cúi đầu, ngượng ngập đến líu cả lưỡi: “Được rồi, được rồi, anh về lần này là tốt rồi!” rồi mẹ cười hì hì, đứng dậy, bảo: “Bố nó chưa ăn cơm phải không? Để em nấu cơm cho anh ăn nhé!”.

Mẹ tôi vào bếp, đặt nồi lên, đổ nước vào rồi gọi: “Bố nó đâu rồi? Vào nhóm bếp giúp em đi!”. Tôi vội bỏ vở bài tập, chạy ngay vào bếp. Mẹ thấy tôi, lườm và trách yêu: “Ai cho con vào? Đi ra, gọi bố con vào đây!”.

Bố tôi cởi bỏ áo khoác ngoài, đi vào chất thêm củi vào bếp. Ngọn lửa bùng lên, tỏa sắc hồng ấm áp, soi rõ khuôn mặt rạng rỡ, đoan trang và tú lệ của mẹ tôi. Chẳng rõ bố tôi vừa ghé tai mẹ, nói ghẹo một câu gì đó khiếm mẹ tôi phá lên cười vui vẻ, tiếng cười của mẹ nghe hệt như âm thanh của một chuỗi những hạt ngọc va khua vào nhau, vang xa trong đêm tuyết trắng yên tĩnh.