Diễn viên Kim Khánh:

“Tôi đã nếm đủ thất vọng và bội phản”

ANTĐ - “Một tâm hồn đẹp sống có niềm tin thì không bao giờ sợ “chết”, người ta chỉ thật sự chết khi mất năng lượng thôi” - diễn viên Kim Khánh chia sẻ.

- PV: Thỉnh thoảng người ta vẫn thấy diễn viên Kim Khánh một mình lang thang trên đường phố. Phải chăng chị đang đi tìm “chất liệu cuộc sống” cho công việc của mình?

- Diễn viên Kim Khánh: Không hẳn liên quan đến công việc. Đó là cái thú của tôi từ xưa đến nay. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, mảnh đất này tuy thân thuộc nhưng tôi vẫn luôn khao khát phám phá nó từng ngày. Đúng như bạn nói, ngõ này ngách nọ dễ dàng tìm thấy dấu chân tôi. Thú vui này rất khó tìm được một người bạn đồng hành và cũng ít ai ngờ đó lại là cách sống của tôi. Tôi yêu nhịp sống Sài Gòn và đặc biệt thích ngồi một góc đằng sau Nhà hát Lớn hoặc Bưu Điện để nhìn ngắm các bạn trẻ ngồi ăn uống và “tò mò” muốn nghe những câu chuyện của họ.

- Nghe chị nói điều này, tôi hình dung cuộc sống của chị rất dễ dàng trên mỗi bước chân!

- Đâu giản đơn thế? Cuộc đời ai mà chẳng có những thăng trầm đau khổ. Mười mấy năm trước, tôi đã từng có thời gian 6 tháng không ra khỏi nhà. Tôi cảm thấy cuộc sống này sao mà bế tắc quá, khắc nghiệt với mình quá. Mọi thứ xảy ra cùng lúc khiến tôi suy sụp hoàn toàn: ba tôi mất, người yêu - à không chính xác hơn là vị hôn phu của tôi, chỉ còn một tháng nữa chúng tôi tổ chức đám cưới vậy mà tôi phát hiện anh ta lại có quan hệ yêu đương với cô bạn thân của mình... (im lặng một lúc); rồi cộng thêm cả thất nghiệp, những điều đó khiến tôi rơi vào trạng thái trầm cảm u uất nên sống khép kín.

- Rồi chị đã vượt qua điều đó như thế nào?

- Tôi thấy cuộc sống màu nhiệm và tôi tin vào số phận. Dù có chuyện gì xảy đi chăng nữa thì bên trong mỗi con người chúng ta luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Tôi ngộ ra tất cả mọi điều mình cần phải dũng cảm “đối diện”. Bởi khi mình hèn nhát chạy trốn nỗi buồn thì sẽ luôn bị ám ảnh mãi  trong lòng. Như cái ngày ba tôi mất cũng là lúc công việc của tôi đang thăng hoa rực rỡ. Lúc đó tôi đang chụp ảnh lịch, một bộ hình mà Tết năm sau bán rất chạy với nụ cười đẹp nhất của tôi cũng là thời điểm ba tôi đang hấp hối. Điều này khiến tôi day dứt mãi. Không ai trách tôi nhưng bản thân mình tự dằn vặt, đau khổ. Tại sao lúc mình tươi cười hớn hở cũng là lúc ba mình đối diện với cái chết? Cứ thế tôi tự oán trách mình, mãi hai năm sau tôi mới “thoát” được nỗi ám ảnh đó.  Khi ba mất tôi không bao giờ dám nghe bản “Silk road” của Kitaro vì nó làm tôi nhớ ba đến quay quắt. Và rồi tôi cũng nhận ra, tự mình trói buộc với ý nghĩ của mình thì tôi đối mặt với nó bằng cách liên tục mở bài đó nghe đi nghe lại hàng trăm lần. Tôi vừa nghe vừa khóc đến khi cạn hết nước mắt và cảm thấy nhẹ lòng . Đúng là nước mắt “thần diệu” thật, nó đã khiến nỗi buồn vơi đi. Người ta nói đúng “nước mắt xoa dịu tâm hồn” mà, đơn giản quá phải không? Nên bây giờ vui tôi cười, buồn tôi khóc chứ không cần che giấu cảm xúc nữa.

- Kim Khánh thường hay nhắc về ba. Có phải ông là người ảnh hưởng đến chị nhiều nhất?

- Vâng, ba là người ảnh hưởng và hình thành nhân cách của tôi nhiều nhất. Ông là người ít nói nhưng sự quan tâm của ông đến gia đình, con cái vô cùng đặc biệt mà có lẽ rất khó để diễn tả. Có một kỷ niệm làm tôi rất “sợ” là khi đóng phim “Đoạn cuối ở Bangkok” (1993) có một cảnh nóng là cảnh  tôi mặc áo tắm được người  yêu vuốt ve và… hôn, lúc ấy thật ra chỉ chạm môi thì đã cắt cảnh. Tôi rất lo lắng khi mang cuốn phim này về cho ba xem. Sau khi coi xong ông chỉ nói “con gái ba đóng được đó” khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật ra sau này ba mất tôi vẫn luôn nghĩ về điều ấy, làm gì cũng  cố không để ba má buồn lòng và ảnh hưởng tới danh dự gia đình.

- Thật ra, trước đây khi biết một Kim Khánh của nghệ thuật tôi không nghĩ rằng không gian riêng của chị lại có một màu khá “trầm”…

- Mất mát, thất vọng hay bị phản bội tôi nếm đủ rồi. Nay đối với tôi mọi thứ là tùy duyên. Tôi nghĩ không có gì vĩnh cửu và tình yêu cũng không ngoại lệ. Mọi thứ chỉ là tương đối, nghĩ vậy để thấy lòng nhẹ nhàng hơn, để biết quý trọng những gì mình đang có. Cái gì đến rồi sẽ ra đi như lẽ thường tình. Cứ sống và yêu trọn vẹn đi bạn sẽ không mất gì hết, mà được niềm vui cho chính mình.

-  Với sự trải nghiệm thì chị có thể nghĩ vậy, nhưng với tuổi trẻ để sống một cách tích cực liệu có quá khó?

- Không khó chút nào. Tuổi tác không phải là vấn đề lớn ở đây miễn là bạn có một tấm lòng tử tế, một tâm hồn đẹp. Tâm hồn bạn có thể do giáo dục, ảnh hưởng từ những người đặc biệt hoặc từ chính bạn tạo nên. Có nhiều người mồ côi vẫn tử tế. Nói chung để có lối sống tích cực, cái chúng ta cần đó là điểm tựa. Người Việt mình hay lắm nhé, “điểm tựa” của họ thường là gia đình cha mẹ, anh chị em của mình... Họ làm gì cũng vì gia đình, cho người thân của mình được vui. Đó là một điểm tựa tốt. Ngược lại, khi con người ta không có điểm tựa rất dễ bị lung lay, chao đảo giữa cuộc đời này. Họ có thể lạc bước hoặc đi vào con đường u tối. Một tâm hồn đẹp đẽ sống có niềm tin thì không bao giờ sợ “chết”, người ta chỉ thật sự chết khi mất “năng lượng” thôi.