Kỷ niệm 44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17-2-1979/17-2-2023)

Tỏa sáng khí phách anh hùng để bất tử cùng Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với lối viết ngắn gọn, mạch lạc, câu chuyện về những người đi giữ biên cương - những người lính Trung đoàn 567 trên đèo Khau Chỉa vào mùa xuân 44 năm về trước - đã được tác giả Nguyễn Thái Long kể lại trong cuốn sách dày hơn 300 trang có tên “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”. Ông bảo, đó là cách để ông và những người còn sống tri ân những đồng đội đã nằm lại trên dải đất biên cương phía Bắc, những người đã hóa thành núi, đã hòa vào sông để bất tử cùng Tổ quốc.

Những đêm trắng 17- 2

Tác giả Nguyễn Thái Long nguyên là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa - Khau Chỉa) khi tiếng súng vang lên tại phòng tuyến đèo Khau Chỉa vào rạng sáng 17-2-1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Ông kể, cuộc chiến đấu dù đã kết thúc, nhưng “những đêm trắng 17-2” là đoạn ký ức in hằn trong tâm trí chưa bao giờ quên được. Nhiều đồng đội ông cũng mắc hội chứng hậu chiến tranh và đã tìm đến ông. Hơn ai hết, ông hiểu, những vết thương tinh thần đó còn dữ dội hơn cả những vết thương thực tế.

Tác giả Nguyễn Thái Long và cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” do NXB Phụ nữ cùng Công ty Văn hóa Nhã Nam ấn hành

Tác giả Nguyễn Thái Long và cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” do NXB Phụ nữ cùng Công ty Văn hóa Nhã Nam ấn hành

Tác giả Nguyễn Thái Long tiết lộ, có một điều đặc biệt là những chi tiết, ngày tháng cụ thể trong cuốn sách không phải do ông viết nhật ký mà nhớ được. Chỉ đơn giản là những sự kiện diễn ra 44 năm về trước với ông đều “không thể nào quên”. Nó được ông lưu giữ trong hồi ức, trong trái tim mình và cả những người lính từng đi giữ biên cương mùa xuân năm 1979. Vì thế “Trí nhớ này không chỉ của riêng tôi mà còn của các đồng đội tôi nữa. Có những sự việc mỗi người lại nhớ khác nhau thì họ ngồi lại, tập hợp thông tin để chọn cho chính xác”. Nói theo cách nào đó, cuốn sách như một phương thuốc chữa lành phần nào cho ông và đồng đội. Đã từng có những người lính biên giới gọi cho ông, nói với ông lời cảm ơn vì đã viết thay tâm sự của chính họ.

Biên cương trong lửa đạn

Rạng sáng ngày 17-2, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía Đông tỉnh Cao Bằng. Ký ức về những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man… Sau những ngày khói lửa ở Khau Chỉa, Trung đoàn 567 tiếp tục hành quân và chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang), nơi được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ”. Suốt 8 tháng trời trong năm 1985, cuộc chiến diễn ra dưới những trận mưa đạn pháo khiến núi đá nơi đây bị cày xới, xay vụn. Những trận giành giật ác liệt ở đồi A6b, đồi Đài, đồi Cô Ích, dãy Đá Pháp… Điểm độc đáo làm cho câu chuyện trở nên chân thực ở những chi tiết cụ thể, đồng thời lại bao quát rộng lớn và phong phú toàn cảnh chiến trường, là nhờ sự kết hợp giữa quan sát của tác giả với lời kể của đông đảo đồng đội từng tham gia chiến đấu.

Trong nhiều năm sau, tác giả Nguyễn Thái Long đã dành công sức để gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép thông tin, tư liệu từ đồng đội mình. Họ chính là những nhân chứng sống về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày đó. Qua những trang viết của mình, Nguyễn Thái Long đã gắn kết các câu chuyện thành những thước phim liên hoàn mà ở đó độc giả liên tục được dẫn dắt tới những địa danh, sự kiện trong cuộc.

Những người muôn năm cũ

Viết về một cuộc chiến, tác giả không đơn thuần là người ghi lại các thông tin, sự kiện khô cứng theo cách thức của một người viết sử. Nguyễn Thái Long đã kể câu chuyện của mình, câu chuyện của những đồng đội, qua đó tái hiện lịch sử trong tâm thế người trong cuộc với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, nỗi nhớ thương, xót xa đồng đội, sự căm phẫn chiến tranh, niềm đau của người ở lại…

Đọc “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, bạn đọc hẳn sẽ yêu quý hình ảnh “bố Hoan” người Tiểu đoàn trưởng trên 50 tuổi, đi bộ đội từ năm 1949, kinh qua 3 cuộc chiến đấu của dân tộc. Ông bộc trực, nghiêm khắc, nóng tính nhưng thương lính và hòa đồng, miệng nói tay làm. Ước mơ của “bố Hoan” sau 30 năm quân ngũ vào sinh ra tử là khi giải ngũ được đánh cỗ xe ngựa rong ruổi trên khắp các ngả đường của vùng quê chiêm trũng Hà Nam Ninh. Năm 1982, Nguyễn Mạnh Hùng, lính Đại đội 18 thông tin, Trung đoàn 567 tình cờ gặp “bố Hoan” trên đỉnh đèo Gió trong một ngày đặc biệt - ngày “bố Hoan” giải ngũ về quê.

Hành trang của người lính già là chiếc xe kéo và 2 con ngựa cùng về xuôi để chở hàng hoặc cày ruộng. Nhưng mới về đến Đại Từ (Thái Nguyên) thì 1 con ngã quỵ không đi được, đành phải bán cho hàng thịt. Con ngựa còn lại về đến quê rốt cuộc cũng bị trộm lẻn vào dắt đi mất… Sau này, những người lính năm xưa nhớ đến thủ trưởng cũ và tìm về quê ông ở xã Chính Lý, Lý Nhân, Hà Nam, nhưng không có cuộc trùng phùng nào ở đó. Gia đình “bố Hoan” đã chuyển vào Khánh Hòa từ năm 1986 và ông mất ở đó.

Trong câu chuyện mà tác giả cùng đồng đội khắc sâu trong ký ức có không ít những đau thương, mất mát và cả những câu chuyện cảm động. Đó là ngày 19-2 chặn xe tăng địch ở Hồng Định. Đó là chuyện vượt Đường 4 giữa đêm và cậu Thái thông tin sẽ không chết nếu không chọn con đường đi tắt đúng vào đội hình địch phục kích. Đó là chuyện con gà xin được của dân bản Lũng Cọ khi tác giả và cậu Lý liên lạc tiểu đoàn phải nhịn đói 3 ngày…

Và phải mấy chục năm sau, tác giả mới biết con ngựa Rô mà “bố Hoan” từng chăm bẵm khi còn ở Lũng Chỉa không phải được đưa về Thái Nguyên mà bị lạc ở bản Chu ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Trong ký ức của những người lính còn có cả những ngày cuối tháng 3-1979, họ phải bới từng đoạn chiến hào nồng nặc mùi tử khí và những mảnh quần áo của đồng đội lẫn trong bùn đất, cảnh chôn cất đồng đội mà thi thể không còn nguyên vẹn….

Trong cuốn sách có những chi tiết mà tác giả “đã phải lặng người đi khi viết”. Đó là trận đánh bảo vệ cao điểm 244 do Tiểu đoàn 2 trấn giữ. Anh Tuân là Tiểu đoàn trưởng, anh Khắc là Chính trị viên. Các anh đã chiến đấu kiên cường từ ngày 19 đến 26-2 rồi hy sinh cùng nhau. Sau này, chính người Tiểu đoàn trưởng Trung Quốc từng chỉ huy tấn công cao điểm 244 ngày ấy, khi sang du lịch Cao Bằng và nhớ về trận đánh mấy chục năm trước vẫn gọi đúng tên: “Ông Tuân, ông Khắc đều là thượng úy chỉ huy Tiểu đoàn 2 Bộ đội Việt Nam”. Ông ta vẫn nhớ tên và cấp bậc của 2 anh. Ông ấy đến nghĩa trang Quảng Uyên thắp hương trước mộ 2 anh và bộ đội Việt Nam…

Năm tháng qua đi “những người lính 2 chiến tuyến năm xưa đã bắt tay cười với nhau”, tác giả Nguyễn Thái Long nhấn mạnh: “Những người lính chúng tôi sẵn sàng nở nụ cười và mở vòng tay thân thiện với những người lính bên kia chiến tuyến ngày ấy không đến vì mục đích gây chiến. Vì lẽ, chúng tôi yêu hòa bình hơn tất thảy”.

PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an): Tấm huân chương trong sự yêu mến, kính trọng của nhân dân

PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương phát biểu trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội

PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương phát biểu trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội

Đất nước Việt Nam đang từng bước phát triển. Dân tộc Việt Nam trên đường văn minh có thể tạo nên nhiều kỳ tích, nhiều thành quả khoa học công nghệ xuất sắc, nhưng việc ghi chép lại những thông tin, tư liệu quý giá như Nguyễn Thái Long đã làm trong cuốn hồi ức “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” cũng là điều không hề đơn giản và đáng trân trọng vô cùng. Cùng với nhiều cuốn sách khác, “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” đã để lại cho các thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá mà nhờ đó họ sẽ được sống lại, cảm nhận được “hơi thở”, “nhịp đập” và “sức nóng” trên chiến trường Cao Bằng - Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nói chung…

Trong “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, Nguyễn Thái Long đã dành 100 trang cho “Những người lính trở về”. Các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ tỏa sáng khí phách anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà họ còn thể hiện phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống lao động đời thường. Rời chiến trường, một số tiếp tục cuộc đời binh nghiệp, số khác lựa chọn về quê lao động. Không ít số đó được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và trở thành những cán bộ trong bộ máy Nhà nước. Bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu, những người lính từng vào sinh ra tử đều cho thấy họ xứng đáng nhận tấm huân chương danh dự - tấm huân chương trong sự yêu mến, kính trọng của nhân dân.