Tổ quốc luôn chở che, bao dung và cả tha thứ!

ANTD.VN - “Cầu thủ mang tên phụ huynh đang di chuyển, những bước chạy rất cồng kềnh với đồ tiếp tế tên tay, anh tạt sang cánh rồi, ném… ném được không, được rồi, anh vừa ném một thùng hàng qua hàng rào thành công”. 

Những chuyến hàng tiếp tế từ bên hàng rào khu vực cách ly phòng dịch bệnh Covid-19

Trường thuật nhuốm màu bóng đá trên là mô tả một cảnh có thật bên ngoài các khu tiếp tế, nơi mà những con dân nước Việt từ nhiều quốc gia trở về để tránh dịch Covid-19. 

Hình ảnh dòng người đông nghịt trước các khu cách ly phòng dịch bệnh Covid-19 với lỉnh kỉnh đồ đạc để gửi vào cho “các cư dân” khu cách ly những ngày gần đây được lan truyền trên mạng. 

Không hề quá khi ai đó cho rằng, nhiều ông bố bà mẹ dường như tiếp tế cho con cả một “tiệm tạp hóa”, đôi khi còn là một siêu thị điện máy mini. Đó là một con gấu bông to bằng một người ôm, là một tấm đệm dài 2 người nâng, là một cái tủ lạnh chứa đồ ăn cho cả tháng…

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát đi thông điệp: Các khu cách ly đều đáp ứng đầy đủ cho những người đang “sống tạm” ở đó. Thế nhưng, thế nào là đủ, đó chắc chắn là câu hỏi của phụ huynh đặt ra trong tình thế hiện tại của con mình. 

Cũng như vậy, tiếp tế như thế nào là đủ cũng là điều rất khó đoán. Tôi cho rằng, nhiều người còn muốn bê luôn căn phòng, cái nhà nơi con cái mình đã lớn lên trước khi đi ra nước ngoài học tập hoặc công tác tới chỗ con cái đang “cách ly”. 

Trong những lúc dịch bệnh đang trở thành một đại dịch toàn cầu, rất nhiều người mới thấm thía giá trị tấm hộ chiếu mình cầm trên tay, trở về nhà không phải là một chuyến đi nghỉ dài ngày như những kỳ nghỉ hè đã diễn ra, không phải là một chuyến du lịch về đất mẹ, đó với nhiều người là tìm đến một nơi an toàn trước dịch bệnh, nơi không có công dân nào bị bỏ lại ở phía sau. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Tất nhiên, chuyện đó là không thể, bởi vậy cứ đưa vào được cái gì thì hay cái nấy. Sức gửi của người ngoài vì thế đã tạo nên một sức ép không hề dễ thở đối với các tình nguyện viên cũng như lực lượng làm nhiệm vụ. Từng ấy đồ đạc, từng ấy con người. Họ phải tỉ mỉ phân loại, phân luồng, phân tầng rồi vận chuyển từng món đồ đến đúng tay người gửi. 

Đông như thế không thể nhanh, vậy là nhiều phụ huynh nhờ sự trợ giúp của phương tiện liên lạc đã triển khai một phương án chuyển hàng “du kích” rất ngắn gọn. Con cái chỉ cần di chuyển nhẹ nhàng, khéo léo thoát khỏi những hàng dây mỏng manh, tiếp cận hàng rào và ung dung đón hàng từ bên ngoài vào. 

Nhất là gần đây, khi thông báo ngừng tiếp nhận hàng từ bên ngoài vào được đưa ra, nhiều người càng có lý do để triển khai phương án chuyển hàng “du kích” như trên. 

Chuyển hàng linh hoạt chỉ là một trong những tình tiết ở các khu cách ly. Ở phía trong hàng rào, những công dân đang cách ly còn đưa ra nhiều tình tiết đẫm đầy than vãn về những gì mình đang trải qua. Kiểu như: Sàn nhà này chắc lâu lắm rồi chưa lau. Chiếu này chắc đã ăn nằm ở đây mấy mùa chưa được giặt. Nhà vệ sinh này bẩn như ở các trại tị nạn…

Giả sử thực tế có diễn ra như vậy, họ nói thế cũng chẳng có gì sai. Họ chỉ đang phản ánh một thực tế diễn ra trước mắt họ, xung quanh họ. Nhưng họ chỉ sai ở điểm nhìn, vị trí của mình. Dĩ nhiên, khu cách ly không thể long lanh như tổ ấm của họ, không thể chăn ấm nệm êm, không thể mỗi sáng thức dậy đều có bố hoặc mẹ ân cần lay khẽ vai con rồi nói: Con yêu, hôm nay con ăn gì nào?

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Tâm thế của những người trở về nước dịp này có thể có rất nhiều cách giải thích. Có người về nước vì trường học đóng cửa, lương thực thiếu thốn, nguy cơ dịch bệnh lan tràn… nhưng có một lý do phổ quát cho rất nhiều người: Về nước vì chẳng đâu bằng nhà mình, chẳng đâu bằng đất nước mình. 

Đất nước không phải là một nơi để trở về theo nghĩa thiêng liêng, nó còn có một thực tiễn đáng tự hào khác, Việt Nam đang là quốc gia được đánh giá kiểm soát tốt dịch bệnh. 

Đất nước đó, nói như Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - Phạm Sanh Châu  “…sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, những người con đất Việt”. 

Trong những lúc dịch bệnh đang trở thành một đại dịch toàn cầu, rất nhiều người mới thấm thía giá trị tấm hộ chiếu mình cầm trên tay, trở về nhà không phải là một chuyến đi nghỉ dài ngày như những kỳ nghỉ hè đã diễn ra, không phải là một chuyến du lịch về đất mẹ, đó với nhiều người là tìm đến một nơi an toàn trước dịch bệnh, nơi không có công dân nào bị bỏ lại ở phía sau. 

Đòi hỏi hay kêu ca, năng lực ấy dường như trong ta ai cũng có. Từ khi còn là một đứa trẻ ngậm bầu sữa của mẹ để lớn lên. Tiếng khóc là một dạng đòi hỏi để được bú mớm, được quan tâm. Nhưng không phải lúc nào cũng có quyền để kêu ca và đòi hỏi, nhất là khi ở bên ngoài những căn phòng cách ly còn nhiều thiếu thốn đó, rất nhiều tình nguyện viên, rất nhiều chiến sĩ… đang phải căng mình làm những việc vượt quá sức lực của mình. Họ dường như chưa thấy một tiếng kêu ca nào. 

Tôi chợt nhớ tới cuốn sách “Tôi là con gái của cha tôi” của tác giả Phan Thúy Hà, trong đó có một tình tiết tôi không nhớ rành rõ, đó là một người chế độ cũ muốn theo dòng người rời Tổ quốc ra đi, nhưng trong phút khựng lại, ông tự nhủ với mình: Tại sao phải đi đâu nữa, đây là Tổ quốc mình mà!

Tổ quốc sở dĩ vẫn được gọi là đất mẹ, có lẽ vì bất cứ lúc nào con cái cần, lòng mẹ vẫn luôn dang rộng, chở che, bao dung và cả tha thứ.