- Bổ sung gần 15 nghìn tỷ đồng để chi trả chế độ cán bộ khi sắp xếp bộ máy
- Bộ Tài chính phản hồi thông tin “loạt trụ sở cấp xã, huyện bỏ hoang”
- Tổ chức lại 20 Chi cục Thuế thành 34 Thuế Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm, không có công thức chung nào về việc chuyển nhiệm vụ này lên tỉnh, nhiệm vụ kia về xã.
Hơn nữa, cách thức thực hiện tại mỗi địa phương lại khác nhau. Tuy nhiên, có thể bám vào nguyên tắc “phân cấp triệt để xuống địa phương”, “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
Hai là theo tiêu chí nơi nào thực hiện dễ và hiệu quả hơn thì nơi đó sẽ thực hiện, “tỉnh làm tốt hơn thì để ở tỉnh, xã làm tốt hơn thì chuyển về xã”.
![]() |
Hội nghị lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp |
Ông Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – biên chế (Bộ Nội vụ) cho rằng, về lĩnh vực tài chính, để xem cơ sở nào chuyển nhiệm vụ giữa các cấp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp thì phải căn cứ vào các luật gốc (như Luật tổ chức chính quyền địa phương) để phân luồng.
Đại diện Bộ Nội vụ thống nhất quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tinh thần là cấp nào thực hiện hiệu quả nhất thì phân công, cân nhắc nhiệm vụ đó về xã mà xã không làm được thì chuyển về tỉnh, quan trọng là “không được bỏ sót nhiệm vụ”.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, về phân cấp, phân quyền, lãnh đạo Bộ Tài chính luôn chỉ đạo và đặt ra ba vấn đề, phân cấp, phân quyền đã đủ mạnh chưa; có bị sót việc khi thực hiện phân cấp, phân quyền không và phân cấp phân quyền phải gắn với năng lực tổ chức triển khai thực hiện.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng, vấn đề đặt ra làm sao Nghị định, Thông tư ban hành ra phải triển khai được ngay, không có độ trễ. Bên cạnh đó, phân cấp phải có độ linh hoạt, để địa phương có thể phân cấp tiếp.
Một vấn đề nhiều địa phương quan tâm tại Hội nghị là phương án xử lý, quản lý tài sản công sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, vấn đề chuyển giao quản lý tài sản công khi sáp nhập bỏ cấp trung gian, việc sử dụng tài sản công thế nào cho hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng.
Về sắp xếp tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, ưu tiên sắp xếp cho một số ngành lĩnh vực (y tế, giáo dục, xây dựng, công trình công cộng như cây xanh…), phần còn lại sau sắp xếp, cho phép các địa phương thực hiện kêu gọi đầu tư, triển khai dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và có hướng dẫn nếu phát sinh vướng mắc từ các địa phương…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giao các đơn vị thuộc Bộ chủ trì xây dựng các văn bản nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ký ban hành theo đúng tiến độ được giao.
Để đảm bảo kịp trình Chính phủ trước ngày 30/5/2025, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ quan tâm, phối hợp trong công tác thẩm định, cho ý kiến, xin ý kiến Thành viên Chính phủ để Bộ Tài chính có cơ sở tiếp thu, hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ để trình Quốc hội một số dự án luật để tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, cũng như chỉ đạo của Đảng.