- Bộ Tài chính: Đủ kinh phí chi trả chế độ cho người lao động khi sắp xếp bộ máy
- Khoảng 6.000 xe công sẽ chuyển giao cho cấp xã sau khi bỏ cấp huyện
- Ưu tiên trụ sở dôi dư sau sắp xếp bộ máy làm cơ sở y tế, giáo dục
Không còn vướng mắc về pháp luật
Trước đó, Bộ Tài chính nhận được phản ánh của báo chí về việc “Loạt trụ sở cấp xã, huyện bỏ hoang: Bán không ai mua”, liên quan đến trụ sở dôi dư tại các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính các tỉnh nêu trên phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo UBND cấp tỉnh khẩn trương xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính; đồng thời đề nghị Sở Tài chính báo cáo cụ thể những vướng mắc về Bộ Tài chính để phối hợp xử lý.
Bộ Tài chính cũng đã giao lãnh đạo Cục Quản lý công sản trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo Sở Tài chính các địa phương và được biết, các nội dung nêu tại bài báo là vấn đề thực tế phát sinh, vướng mắc trong giai đoạn 1 sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giai đoạn 2019 - 2021).
Sau giai đoạn này, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của các địa phương, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được điều chỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
![]() |
Nhiều trụ sở dôi dư sau sắp xếp bộ máy đến nay vẫn chưa xử lý được |
Theo báo cáo của 03 địa phương đến nay không còn các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Các vấn đề còn vướng mắc hiện nay dẫn đến việc xử lý nhà, đất dôi dư còn chậm tập trung vào: Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan còn chậm; công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác phải thực hiện điều chỉnh theo từng thời kỳ quy định của pháp luật chuyên ngành; số lượng cơ sở dôi dư phát sinh lớn; các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai…
Tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn
Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành liên quan đến vấn đề này.
Mới đây nhất, tại Công văn số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025 và Công văn số 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025 về việc hướng dẫn sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao…);
Hoặc thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất…), giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật…
Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng đến nay đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai việc sắp xếp, bố trí, xử lý nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đồng thời, theo dõi sát sao tình hình để đôn đốc, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn bổ sung để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.