Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Tìm về cái nôi của khí nhạc
(ANTĐ) - Vì sao Hà Nội lại trở thành đất khí nhạc, chứ không phải nơi nào khác? Vì Thăng Long - Hà Nội giống như một “thi trường”. Đất Thăng Long rất chú trọng truyền thống đèn sách học hành, thi cử đỗ đạt và luôn tôn vinh sự uyên bác tri thức vốn là một đặc tính của văn hóa đỉnh cao, mà trong đó nhạc hàn lâm là một “đỉnh” của văn học nghệ thuật.
Nhạc công chính là những người thổi hồn cho tác phẩm âm nhạc |
Theo nhận định của các nhà sử nhạc, khí nhạc chuyên nghiệp chính thức ra đời và tồn tại chỉ khi môi trường đủ “chín” ở cả ba mắt xích liên hoàn: nhà soạn nhạc - người biểu diễn - người thưởng thức.
Nhà soạn nhạc: Tạo hình hài
Mở màn là các nhạc sĩ tiền chiến. Họ thuộc lứa nhạc công đầu tiên chuyên chơi đàn ở tiệm nhảy, phòng trà hoặc dạy nhạc kiếm sống, cho nên những bản hòa tấu không lời đầu tiên được phỏng đoán cũng mang hương vị phòng trà. Những tên tuổi đã xuất hiện ngay từ thuở khai sinh tân nhạc đó là nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát (1910-1994), Văn Chung (1914-1984), Lê Yên (1917-1988), Tạ Phước (1919-1977), Nguyễn Đình Phúc (1919-2001)...
Danh sách nhạc sĩ Hà Nội gốc được bổ sung bằng những tên tuổi thành danh trong hai cuộc kháng chiến. Bắt đầu có bước chuyển tiếp từ vốn kinh nghiệm thuần túy đến sự đào tạo có bài bản ở nước ngoài hoặc trong nước qua các lớp ngắn hạn với chuyên gia nước ngoài. Các nhạc sĩ thời kháng chiến đã chung tay góp sức cùng lứa nhạc sĩ tiền chiến lát những viên gạch đầu tiên cho nền khí nhạc Việt Nam. Những người Hà Nội thế hệ tiếp nối được ghi danh trong lịch sử hình thành khí nhạc ấy là: Huy Du (1926-2007), Lương Ngọc Trác (1928), Nguyễn Đức Toàn (1929), Hoàng Vân (1930), Chu Minh (1931), Hoàng Đạm (1931), Hoàng Dương (1933), Doãn Nho (1933), Huy Thục (1934), Nguyễn Thị Nhung (1936), Đỗ Dũng (1939)...
Tiếp theo là lứa nhạc sĩ thời hậu chiến. Xuất thân từ các “lò” đào tạo chính quy trong và ngoài nước, họ đã mở rộng hiệu quả xã hội của khí nhạc trong các loại hình nghệ thuật tổng hợp với hình thức nhạc phim, nhạc sân khấu. Mặt khác, họ cũng là những nhân tố tích cực khẳng định đẳng cấp chuyên nghiệp trong đội ngũ khí nhạc Thủ đô. Đó là những gương mặt từng trải và đang còn sung sức trong nghề: Trần Trọng Hùng (1943), Ngô Quốc Tính (1943), Nguyễn Cường (1943), Phó Đức Phương (1944), Đặng Hữu Phúc (1953), Đỗ Hồng Quân (1956), Trọng Đài (1958), Hoàng Lương (1959)... Các nhạc sĩ thế hệ tiếp sau là những gương mặt trẻ trung, hứa hẹn mang lại sức sống mới và tính đa dạng cho ngôn ngữ khí nhạc đầu thế kỷ XXI: Quốc Trung (1966), Doãn Nguyên (1969), Vũ Nhật Tân (1970), Trần Mạnh Hùng (1973), Đặng Tuệ Nguyên (1981)...
Thực ra, khó để nhận thấy sự khác biệt nào giữa các nhà soạn nhạc Hà Nội gốc với các tác giả từ nơi khác đến và hiến cả đời cả nghiệp cho thành phố này. Trở thành cư dân Thủ đô, họ làm đẹp thêm đội ngũ tác giả nhạc đàn và hợp xướng. Họ là: Đỗ Nhuận (1922-1991), Phạm Đình Sáu (1926-2007), Văn Ký (1928), Nguyễn Đình Tấn (1930-2001), Trần Ngọc Xương (1930-1994), Trọng Bằng (1931), Trần Quý (1931), Đàm Linh (1932-2001), Vĩnh Cát (1934), Đinh Quang Hợp (1935), Hồng Đăng (1936)... Và còn cả những nhạc sĩ từng gắn một phần đời mình với Hà Nội.
Hà Nội đã cho họ một quãng đời có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp của họ, rồi đến lượt họ đang làm giàu thêm cho danh mục khí nhạc và hợp xướng của Thủ đô. Những người nặng duyên nợ, nặng ân tình với đất Hà thành ấy là: Nguyễn Văn Thương (1919-2002), Lưu Hữu Phước (1921-1989), Hoàng Việt (1928-1967), Nhật Lai (1931-1987), Lân Tuất (1935), Ca Lê Thuần (1938), Thế Bảo (1938), Nguyễn Thiên Đạo (1940), Hoàng Cương (1944)...
Tuy là bậc sinh thành ra hình hài tác phẩm, nhưng nhà soạn nhạc nhiều khi lại hoàn toàn bất lực trước sự sống còn của đứa con tinh thần. Tác phẩm vẫn chỉ là những nốt nhạc lặng câm, những mớ giấy vô hồn nếu không có người thể hiện nó.
Người biểu diễn: Dựng hồn vía cho tác phẩm
Rất công bằng khi coi nghệ sĩ thổi hồn dựng vía cho tác phẩm là người sáng tạo thứ hai sau tác giả. Thủ đô là nơi sinh ra và hội tụ nhiều tay đàn cự phách. Họ giữ vai trò cầu nối giữa tác phẩm với công chúng, trước hết với công chúng Thủ đô, công chúng trong nước và còn xa hơn thế. Không ít người từng thi thố tài năng trên “đấu trường” quốc tế và một số nghệ sĩ bằng chiến thắng của mình đã cho thế giới biết đến một quốc gia gần như vô danh trên bản đồ âm nhạc hàn lâm.
Tác phẩm được trình diễn mà không nhận được phản hồi từ phía người nghe thì khác nào bị ném vào hư không, để rồi chẳng mấy bị quên lãng như chưa từng có mặt trên đời. Thế nên vẫn chưa thể nói tác phẩm có một đời sống xã hội thực sự nếu chuỗi liên hoàn khuyết mất mắt xích cuối cùng: công chúng.
Người thưởng thức: Đón nhận tác phẩm vào đời
Nhạc hàn lâm vốn là nghệ thuật kén khách. Thính giả biết nghe và có nhu cầu thưởng thức nhạc đàn và hợp xướng xưa nay vẫn thuộc về số ít, mà con số ít ỏi ấy chủ yếu nằm trong địa bàn Hà Nội. Cho nên ở lĩnh vực này, thính giả Thủ đô vẫn được coi là dân sành điệu nhất.
Người Hà Nội bắt đầu làm quen với nhạc đàn và hợp xướng từ những năm đầu thế kỷ XX qua sinh hoạt âm nhạc của nhà thờ, của dàn kèn nhà binh, qua nhạc giải trí của phòng trà, quán bar, rạp chiếu bóng… Người Hà Nội cũng từng được thưởng thức chút hương vị nhạc cổ điển, lãng mạn châu Âu qua đĩa hát và vài buổi lưu diễn của nhạc công nước ngoài.
Như người bạn đường chung tình, công chúng Thủ đô đã đồng hành theo từng bước trưởng thành từ đầu nửa sau thế kỷ XX của các nhạc công và nhạc sĩ Việt Nam. Dù còn ở tỉ lệ rất thấp nhưng thành phần nghe nhạc có tri thức đang tăng dần và trở thành một trong những động lực thúc đẩy chất lượng những món ăn tinh thần cao cấp made in Việt Nam, bởi nói cho cùng, tác phẩm khí nhạc chỉ thực sự sống khi nó được vang lên bằng âm thanh, đủ sức thuyết phục và chiếm được chỗ đứng trong lòng thính giả.
Nguyễn Thị Minh Châu