Tìm cho ra “gốc” nợ

ANTĐ - Gánh nặng lớn nhất, có tính chất quyết định sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong năm 2013 là có khả năng xử lý được nợ xấu hay không. Đến nay vẫn chưa biết rõ lấy từ đâu ra nguồn tiền để giải quyết nợ xấu lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cuối tháng 12 năm ngoái, Chính phủ đã họp bàn về đề án xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập công ty mua bán nợ với tên gọi Công ty Quản lý tài sản Việt Nam.

Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về tổ chức, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam trong tháng 1-2013. Ngoài việc thành lập một công ty “chuyên trị” nợ xấu, việc xử lý sẽ được giao cho 4 bộ, ngành chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cùng giải quyết. Giữ vai trò chủ lực là Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, đánh giá lại nợ xấu; phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, xây dựng cơ bản… để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu. Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một loạt giải pháp trình Chính phủ phê duyệt như phương án xử lý nợ xấu của các ngân hàng chính sách, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

Ngay trong quý I-2013, Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành ban hành thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để giúp ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp và Tòa án đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu.

Có thể nói, “bài bản” xử lý nợ xấu đã hoàn chỉnh, vấn đề còn lại là để xử lý tổng thể nợ xấu, nước ta cần có hàng chục tỷ USD. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận chưa biết nguồn tiền xử lý nợ xấu lấy ở đâu. Một chuyên gia kinh tế lại cho rằng, vấn đề xử lý nợ phụ thuộc vào việc làm rõ khối nợ xấu cơ cấu thế nào, hiện trạng ra sao. Chừng nào chưa làm rõ nguyên nhân vì sao nợ xấu lớn như vậy thì sẽ không thể xử lý được cho dù chúng ta có đi học kinh nghiệm nước ngoài. Ngay trong việc xác định nợ xấu, ngoài số nợ đang tồn tại, cần tính tới cả nợ đã được giãn, hoãn và đáo nợ để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể lại tái diễn nay mai. Một số chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, mới đây nước ta vay Ngân hàng thế giới 300 triệu USD để tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước là số tiền lớn, song so với số nợ xấu thì quá nhỏ. Đặc biệt, không thể tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nếu không giải quyết được “núi nợ” hiện nay.

Tại hội nghị “Dò đáy khủng hoảng kinh tế năm 2013” vừa diễn ra, nhiều ý kiến nhận định, các khoản nợ xấu không chỉ liên quan đến tiền mà còn liên quan tới hình thái nợ và tính pháp lý. Tiền không thiếu, vấn đề là tính  minh bạch và chính sách nhất quán. Cái khó là xử lý nợ xấu, nhưng khó hơn cả là tìm cho ra “gốc” nợ.