Tiêu chuẩn “cao siêu” quá

ANTĐ - - Thật lạ lùng, có những chuyện tưởng chừng bất di bất dịch, không còn phải bàn bạc, tranh luận, vậy mà bây giờ cả xã hội lại đặt câu hỏi.

- Câu hỏi gì vậy? Ở đời có gì là vĩnh cửu, bất biến đâu.

- Học để làm gì? Chẳng lẽ cả một truyền thống hiếu học hàng trăm năm nay của dân tộc ta có gì chệch choạc, lệch hướng hay sao mà giờ phải “mổ xẻ”?

- Xưa khác nay càng khác hơn. Cứ nhìn lũ trẻ học thì biết ngay thôi. Gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét như gà vịt chỉ cốt để thi cử. Thi cái gì học cái nấy, thi thế nào thì học thế ấy. 

- Một nhà giáo lão thành khi về hưu mới có thời gian chiêm nghiệm thấy “hội chứng thi” rất đặc biệt của giáo dục nước ta là: thầy và trò đều dốc sức vào dạy và học chỉ cốt để thi cử.

- Xã hội cũng chẳng nên đổ hết “tội” lên đầu thầy và trò. Ngay cả những giáo sư… bạc tóc, trong nghề cũng phải thừa nhận chương trình sách giáo khoa vừa “hàn lâm” vừa thiếu thực tế. Môn Sử thì chỉ dạy cho nhà quân sự, môn Toán dành cho nhà toán học, môn Văn dành cho nhà văn, nhà thơ…

- Thôi thôi, chuyện đó cả trường, cả thầy trò, cả xã hội đều biết tỏng từ lâu. Thế nên giờ mới đặt câu hỏi: Học để làm gì?

- Ngày xưa các cụ dạy rằng, không phải học để làm “ông nọ, bà kia”, không phải để kiếm lắm tiền, nhiều của. Học là để làm người. 

- Tiêu chuẩn của các cụ so với bây giờ “cao siêu” quá. Bằng cấp, địa vị, chức quyền đầy mình mà chưa chắc đến hết đời đã học được làm người tử tế đâu.